Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới?

09/08/2018 07:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ Giáo dục cũng phải tuân thủ thông tư do chính mình ban hành, thông qua một nhà xuất bản để đăng ký với chính Bộ Giáo dục để thẩm định bộ sách giáo khoa mới?

Ngày 6/8, phát biểu trong buổi làm việc tại Cần Thơ của đoàn công tác liên ngành Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được dẫn lời, khẳng định sẽ không còn độc quyền in sách giáo khoa.

Thay sách giáo khoa kiểu cuốn chiếu, phải có sự chuẩn bị chủ động của một đơn vị để có sách dùng ngay, còn sau đó thì có thể nhiều bộ sách khác. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo 1 bộ sách giáo khoa, đang chuẩn bị chương trình này theo hướng đấu thầu. Theo thống kê, có bốn nhà xuất bản được phép in sách giáo khoa.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải là đơn vị được chỉ định thầu mà tham gia cũng như các nhà xuất bản khác theo các tiêu chí công khai, minh bạch. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo có phải tuân thủ thông tư do chính mình ban hành?

Ngày 22/12/2017 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thay mặt Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: baohoabinh.com.vn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ảnh: baohoabinh.com.vn

Thông tư này ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Điều 9. Quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa

1. Quy trình biên soạn sách giáo khoa

a) Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này;

b) Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này;

d) Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định;

Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới? ảnh 2

VEPIC là sân sau của ai?

đ) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

2. Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa

a) Trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa;

b) Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa được quy định tại Khoản 1 Điều này trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa. Trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Chiểu theo quy định tại Điều 9 của thông tư này, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể chỉ đạo biên soạn xong bản thảo 1 bộ sách giáo khoa, sau đó không thể trực tiếp làm các công đoạn tiếp theo;

Mà chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải thông qua một nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách giáo khoa để làm hồ sơ xin đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định, thực nghiệm, chỉnh sửa nếu có, và đề nghị Bộ trưởng ban hành.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chỉ tổ chức đấu thầu công đoạn in sách giáo khoa (sau khi đã hoàn tất quy trình tại Điều 9, Thông tư 33/TT-BGDĐT chúng tôi dẫn phía trên) như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Mà khâu tổ chức đấu thầu nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách giáo khoa (6 đơn vị) phải bắt đầu ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo viết xong bản thảo, bắt đầu bước vào quá trình thẩm định.

Xin được lưu ý rằng, trong số 6 nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách giáo khoa, thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ không được tham gia đấu thầu bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo Điều 6 Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Luật Đấu thầu (Luật số 43/2013/QH13).

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa?

Về thực tiễn triển khai, Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới ban hành, mục 4 Hội đồng kỹ thuật môn học, trang 14 quy định:

Tất cả thành viên hội đồng kỹ thuật môn học sẽ chuyển sang biên soạn sách giáo khoa (bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo) sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ do hội đồng kỹ thuật môn học giao.

Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới? ảnh 3

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng?

Mục 2.1.1.3 Tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (5.500.400 USD), trang 30 của sổ tay dự án nói trên, quy định:

Các ban biên soạn sách giáo khoa (của Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ bắt đầu công việc ít nhất sáu tháng trước ngày dự kiến phê duyệt chương trình mới để:

(i) Đánh giá các sách giáo khoa hiện hành (ii) phác thảo đề cương sách giáo khoa (iii) dự kiến kế hoạch biên soạn sách giáo khoa.

Tuy nhiên chúng tôi được biết, cho đến nay các chương trình môn học vẫn chưa được công bố, và thành viên các hội đồng kỹ thuật môn học cũng chưa được Bộ mời tham gia viết bộ sách giáo khoa của Bộ, theo tinh thần Sổ tay Thực hiện dự án RGEP nói trên.

Quan trọng hơn nữa là 46/56 thành viên (80%) hội đồng kỹ thuật chính cũng như các hội đồng kỹ thuật môn học của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông mà Bộ ký hợp đồng, đã ký hợp đồng viết sách giáo khoa cho 1 doanh nghiệp tư nhân.

Đó là Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) do ông Ngô Trần Ái, cựu lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

VEPIC đã ký hợp đồng với gần 230 tác giả viết sách giáo khoa, theo công văn số 09/CV-VEPIC do ông Ngô Trần Ái ký ngày 2/5/2018 gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với khoảng 400 tác giả viết 2 bộ sách giáo khoa (một bộ phía Bắc, một bộ phía Nam), theo công văn số 1488/NXBGDVN ngày 7/11/2017 do ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ lấy đâu ra người viết sách giáo khoa, ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới? ảnh 4

Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Một công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội cũng đã ký hợp đồng với 160 tác giả viết sách giáo khoa.

Công ty này được cho là "trúng thầu" bộ sách VNEN (không thể tìm thấy thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu thầu, công khai mời thầu bộ sách VNEN này);

Hiện tại, công ty này sẽ phát triển bộ sách hướng dẫn học VNEN thành bộ sách giáo khoa với tên gọi mới "cùng học để phát triển năng lực", theo báo cáo của ông Vũ Bá Khánh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này với Đoàn giám sát ngày 7/5/2018.

Như vậy ai sẽ tham gia viết sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đây?

Các thành viên ban phát triển chương trình (Hội đồng kỹ thuật chính, các hội đồng kỹ thuật môn học) không được mời và 80% đã ký hợp đồng với VEPIC, mới là những người nắm rõ nhất chương trình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ăn nói ra sao với Ngân hàng Thế giới về điều khoản đã thỏa thuận trong Sổ tay Thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP)?

Giải pháp nào cho vấn đề này, chúng tôi xin được trình bày trong bài viết tới. 

Hồng Thủy