Trường Đại học Cửu Long thu hút sinh viên bằng nhiều chính sách khuyến học

09/07/2025 06:28
Trần Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN -Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ cho hay, so với mặt bằng chung của cả nước, số trường đại học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất thấp.

Trong những năm gần đây, giáo dục và đào tạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước chuyển mình tích cực, dần thoát khỏi vị thế “vùng trũng” của cả nước. Nhưng thực tế cho thấy, địa phương vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long chỉ ra những hệ lụy khi thiếu vắng đội ngũ nhân lực có trình độ đại học.

Đồng bằng sông Cửu Long “khát” lao động chất lượng cao

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ cho biết, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thấp so với mức trung bình cả nước.

Theo số liệu thống kê, dân số đồng bằng sông Cửu Long ước tính khoảng 17,4 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Số lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 54%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 14,9%, trong khi tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước.[1]

2-nha-giao-uu-tu-pho-giao-su-tien-si-luong-minh-cu-bi-thu-dang-uy-hieu-truong-truong-dai-hoc-cuu-long-phat-bieu-chao-mung-2048x1536-9872-2722.jpg
Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long. Ảnh: Website nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long cho biết, có nhiều nguyên nhân đan xen cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến thực trạng này.

Trước hết, nhận thức của một bộ phận người dân địa phương về vai trò của giáo dục bậc cao vẫn còn hạn chế. Nhiều gia đình vẫn chưa coi trọng việc học, chỉ cần cho con học lấy kiến thức phổ thông sau đó nhanh chóng thị trường lao động để kiếm tiền. Trong khi đó, việc tiếp tục học lên đại học lại bị xem là tốn kém, chưa chắc mang lại giá trị tức thì.

Bên cạnh đó, yếu tố kinh tế vẫn là rào cản lớn. Nhiều hộ dân trong khu vực còn thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, đời sống vật chất thiếu thốn, khiến việc đầu tư cho con cái theo học đại học trở thành gánh nặng. Không ít học sinh dù có năng lực, ước mơ nhưng buộc phải gác lại con đường học vấn để đi làm sớm, hỗ trợ gia đình.

Hiện nay, hầu hết các gia đình chỉ có 1–2 con, cha mẹ có xu hướng bao bọc, không muốn con đi học xa nhà vì lo lắng về an toàn, chi phí sinh hoạt và khả năng tự lập của con. Tâm lý không nỡ rời xa con, muốn theo dõi, quản lý con nên không ít phụ huynh ngại cho con đi học xa nhà.

Ngoài ra, Hiệu trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một thực trạng đang tồn tại là chưa có gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng “thiếu mà thừa” trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Những ngành nghề đang rất khát nhân lực như nhóm ngành sức khỏe, kỹ thuật – công nghệ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… lại chưa thu hút được người học.

11-hoc-sinh-tham-quan-trai-nghiem-tai-gian-hang-cua-khoa-khoa-hoc-suc-khoe-2048x1365.jpg
Trường Đại học Cửu Long tổ chức sự kiện tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh các trường trung học phổ thông tại địa bàn. Ảnh: Website nhà trường.

Thầy Cừ đánh giá, so với mặt bằng chung của cả nước thì số lượng trường đại học ở khu vực rất thấp. Cả nước có khoảng 250 trường đại học, riêng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17 trường.[2]

“Hệ lụy là công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ bị hạn chế. Các em học sinh không có cơ hội học tập tiếp tục ngay tại địa phương, phải di chuyển đến các thành phố khác.

Mà một khi các em đi học xa, ở những thành phố phát triển thì khi các em tốt nghiệp, có rất ít sinh viên chịu quay về địa phương công tác. Điều này dẫn tới địa phương thiếu hụt và không chủ động được nguồn lao động chất lượng cao, phải lệ thuộc vào những nơi khác.

Việc mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp cũng hạn chế. Bởi không có nguồn lực tại chỗ thì các doanh doanh rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Minh Cừ bày tỏ.

Nhiều chế độ miễn giảm học phí cho tân sinh viên năm học 2025-2026

Trước thực trạng nêu trên, để thu hút sinh viên, Trường Đại học Cửu Long thực hiện nhiều chính sách cụ thể. Lãnh đạo nhà trường chia sẻ, mức học phí của Trường Đại học Cửu Long thấp hơn một số trường đại học tư thục khác và được cam kết không tăng trong cả khóa học.

Cụ thể, năm 2025, mức học phí các ngành thuộc nhóm Khoa học xã hội nhân văn, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật, Công tác xã hội, Du lịch, Khách sạn dao động từ 8.050.000 đồng – 8.100.000 đồng/học kỳ.

Các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học sự sống, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông, lâm nghiệp và thủy sản học phí khoảng 8.500.000 đồng - 8.800.000 đồng/học kỳ. Ngành Thiết kế đồ họa là 13.300.000 đồng/học kỳ.

Riêng nhóm ngành sức khoẻ: Học phí ngành Thú y là 6.600.000 đồng/học kỳ. Ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học là 11.600.000 đồng/học kỳ. Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng và Hộ sinh có học phí 14.000.000 đồng/học kỳ. Ngành Dược có học phí 18.750.000 đồng/học kỳ. Ngành Y học cổ truyền là 30.500.000 đồng/học kỳ. Ngành Y khoa là 34.000.000 đồng/học kỳ. Ngành Răng - Hàm - Mặt học phí là 39.000.000 đồng/học kỳ.

Trường có chính sách khuyến học, các quỹ học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, như học bổng thường niên, học bổng khuyến học khuyến tài, học bổng Lê Đức Hiện, học bổng Hiệu trưởng, Mô tô học bổng...

3-sinh-vien-nhan-hoc-bong-chup-anh-luu-niem-cung-ban-to-chuc-1024x551.jpg
Trường Đại học Cửu Long phối hợp với Quỹ “Mô tô học bổng” tổ chức trao học bổng cho sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi. Ảnh: Website nhà trường.

Hàng năm, trường trích 2% nguồn thu học phí của sinh viên dành cho quỹ học bổng của trường, tương đương khoảng hàng chục tỷ đồng. Quỹ học bổng này dành để trao tặng cho các bạn sinh viên có thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Đặc biệt, nhà trường dành nhiều phần thưởng có giá trị để khen thưởng cho tân sinh viên đạt thủ khoa ngành.

Ngoài ra, nhà trường còn vận động các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ học bổng hàng trăm triệu đồng cho sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi.

Trong năm 2025, nhà trường có nhiều chế độ miễn giảm học phí dành cho tân sinh viên, thí sinh trúng tuyển vào trường sẽ có cơ hội được giảm học phí từ 20 đến 50%.

Dự kiến nhà trường sẽ tặng học bổng toàn phần cho tân sinh viên là đồng bào dân tộc Khơme tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (mỗi tỉnh 5 suất).

Hơn nữa, trong quá trình học tập tại trường, người học có cơ hội tham gia các chương trình thực tập hưởng lương trong và ngoài nước như tại Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...

Đồng thời, trường cũng tạo điều kiện trải nghiệm môi trường làm việc quốc tế và hỗ trợ tiếp cận các chương trình việc làm, định cư tại những quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Úc, Đức… Qua đó, mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhà trường hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm một cách chủ động và hiệu quả. Trường Đại học Cửu Long vận hành cổng thông tin việc làm tại địa chỉ www.vieclam.mku.edu.vn, đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên và các doanh nghiệp tuyển dụng.

Thông qua nền tảng này, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm những ứng viên tiềm năng, phù hợp với nhu cầu nhân sự. Ngược lại, người học cũng có thêm cơ hội tiếp cận nhiều vị trí công việc đúng với năng lực, sở trường, từ đó gia tăng khả năng tìm được việc làm phù hợp ngay sau khi ra trường.

“Theo thống kê năm 2024, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Cửu Long là 97%” – thầy Cừ chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tcnn.vn/news/detail/66097/Nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-de-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-bao-dam-quoc-phong-an-ninh-o-vung-Dong-bang-song-Cuu-Long.html

[2] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8417

Trần Trang