Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập thành một địa phương mới có tên gọi là Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một siêu đô thị lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 6.772 km2, quy mô dân số là hơn 14 triệu người.

Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2,6 triệu học sinh

Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một đô thị có số lượng học sinh lớn nhất cả nước, với 2,6 triệu học sinh các cấp.

Căn cứ vào số liệu mà Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương công bố hồi đầu năm học 2024-2025, chỉ tính riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1,7 triệu học sinh, còn tỉnh Bình Dương có hơn 520.000 học sinh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng hơn 300.000 học sinh.

gdvn-thits10ngaycuoi.jpg
Sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 2,6 triệu học sinh các cấp học Ảnh minh họa: V.D

Đối với số lượng các trường học, theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo của cả 3 địa phương (trước khi sáp nhập), Thành phố Hồ Chí Minh có 2.341 trường học, trong đó có 1.308 trường mầm non, 529 trường tiểu học, 299 trường trung học cơ sở và 205 trường trung học phổ thông.

Tỉnh Bình Dương có 713 trường học các cấp, với 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập.

Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 463 trường học, gồm 195 trường mầm non, 139 trường tiểu học, 91 trường trung học cơ sở và 38 trường trung học phổ thông.

Như vậy, sau khi nhập chung với Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là một đô thị có nhiều cơ sở giáo dục nhất của cả nước, với khoảng 3.500 trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông.

Về số lượng giáo viên, căn cứ vào các số liệu thống kê do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra khi mới khai giảng năm học 2024-2025, trên toàn địa bàn thành phố có 80.612 giáo viên, gồm 26.889 giáo viên cấp mầm non, 23.155 giáo viên cấp tiểu học, 18.125 giáo viên cấp trung học cơ sở và 12.442 giáo viên cấp trung học phổ thông.

Còn đối với tỉnh Bình Dương có 19.878 viên chức (không bao gồm số liệu ngoài công lập, khối giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp cấp huyện), trong đó giáo viên là 14.883 người, cán bộ quản lý là 1.048 người, còn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện mỗi tỉnh đang có khoảng 16.000 giáo viên các cấp.

Như vậy, số lượng giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh sau khi đã sáp nhập với 2 tỉnh còn lại vào khoảng hơn 110.000 người.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quy mô siêu lớn, với gần 80 trường đại học có mặt trên địa bàn, bao gồm 65 trường đặt tại địa phận Thành phố Hồ Chí Minh cũ (bao gồm 2 đại học lớn là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 38 trường đại học công lập, 15 trường đại học ngoài công lập, 8 học viện, 15 trường do nước ngoài quản lý), 8 trường đặt tại địa bàn tỉnh Bình Dương và 2 trường đặt tại địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có 4 trường đại học trực thuộc, bao gồm: Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương cũ).

nvhieusogd.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sau sáp nhập (Ảnh: CTV)

Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sau khi sáp nhập sẽ gồm: Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu và 9 Phó Giám đốc bao gồm các ông/bà: Dương Trí Dũng, Nguyễn Bảo Quốc, Lê Thụy Mỵ Châu, Huỳnh Lê Như Trang, Nguyễn Thị Nhật Hằng, Nguyễn Văn Phong, Trương Hải Thanh, Trần Thị Ngọc Châu và Nguyễn Kế Toại.

Các phòng chức năng trực thuộc Sở bao gồm: Văn phòng, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng Học sinh Sinh viên (đổi tên từ Phòng Chính trị tư tưởng), Phòng Quản lý chất lượng (đổi tên từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục), Phòng Kiểm tra – Pháp chế, Phòng Giáo dục Mầm non, Phòng Giáo dục phổ thông, Phòng Giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp và đại học, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Khuyến khích mỗi học sinh biết chơi ít nhất một nhạc cụ, một môn thể thao

Sau khi đã sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay trong buổi họp giao ban đầu tiên với các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở này nói rằng, việc xây dựng phòng học, đầu tư cơ sở vật chất là trách nhiệm liên tục, thường xuyên của ngành giáo dục thành phố.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Không có ngành học nào tách rời mục tiêu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, trong thời gian sắp đến, ngoài việc tập trung vào chuyên môn với việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, ngành giáo dục thành phố sẽ đẩy mạnh các hoạt động, giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng, thể lực, phát huy các năng khiếu, sở trường cá nhân…tạo ra môi trường học thân thiện, an toàn.

gdvn-hstpchoithethao.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích mỗi học sinh biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ, một môn thể thao Ảnh minh họa: V.D

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích mỗi học sinh biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ, một môn thể thao. Việc phổ cập bơi cho học sinh sẽ vẫn tiếp tục thực hiện trên toàn địa bàn thành phố. Giao Phòng Học sinh – Sinh viên tiếp tục thực hiện mô hình trường học hạnh phúc. Những trường trung học cơ sở nào có điều kiện có thể tổ chức dạy nấu ăn cho học sinh, để rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho các em”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu mỗi chuyên viên của Sở cần xây dựng kế hoạch cá nhân theo lĩnh vực mình phụ trách, để lãnh đạo các phòng ban duyệt trước. Đến cuối tháng 7 năm nay, lãnh đạo Sở sẽ duyệt kế hoạch của từng phòng ban.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục thì không phải chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất, mà còn phải thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, nhất là với các thầy cô dạy những môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý…

“Việc dạy học phải dựa vào các yêu cầu cần đạt của chương trình, để không được gây áp lực cho học sinh”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Việt Dũng