Sinh ra ở Hà Tĩnh, một vùng quê nghèo thanh bình, từ nhỏ thầy Nguyễn Quang Trung (sinh 1986) lớn lên trong gia đình làm nông và đông anh em nên thấu hiểu được giá trị của việc học để thoát nghèo.
Thầy Trung tâm sự: “Bố tham gia phục vụ bộ đội, một mình mẹ tôi tần tảo nuôi sáu chị em ăn học.
Chính vì vậy mà tôi đã không ngừng nỗ lực học tập chỉ mong rằng sau này có thể thành công, có nghề nghiệp ổn định để báo hiếu cho cha mẹ”.
Để cải thiện bữa ăn cho học sinh, thầy Nguyễn Quang Trung đã kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Để được đi dạy theo đúng sở trường thầy Trung đã tìm đến với một vùng quê mới, một môi trường mới nơi đất khách quê người đó là Tây Nguyên.
Nơi thầy giảng dạy là Trường trung học cơ sở Quảng Hòa, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông.
Khoảng cách về địa lí, khoảng cách về con người khiến thầy Trung lo ngại, nhưng rồi với tình yêu nghề, sự hạnh phúc khi có được công việc yêu thích đã thôi thúc thầy quyết định đi xa để trải nghiệm, khám phá.
Nhớ lại ngày về công tác thầy Trung kể: “Người anh họ đã đưa tôi đi nhận công tác.
Anh chở tôi trên chiếc xe máy cũ, đi từ tờ mờ sớm, vượt hơn trăm cây số để đến với bản làng.
Vào được xã Quang Hà đường đi lại khó khăn và chưa có điện. Người dân của xã hầu hết là dân di cư từ miền Bắc, có 99% là người đồng bào dân tộc thiểu số trong đó hơn 65% là người đồng bào dân tộc H’Mông.
Ngày ấy, khi hỏi đường vào xã ai cũng lắc đầu, xã Quảng Hòa nơi tôi đến là xã được xem là nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông.
Tới trường thì trời bắt đầu nhá nhem tối, chiếc áo trắng đã nhuốm màu nâu của đất bùn. Đường vào trường dài quanh co, đồi núi trập trùng, hai bên đường chỉ toàn bụi rậm, vắng vẻ, lâu lâu mới xuất hiện một ngôi nhà để có thể hỏi thăm.
Thực sự lúc đó tôi không còn kìm được nước mắt liền òa khóc. Tôi nói trong tiếng nấc: Anh ơi! Mình về thôi. Em không làm ở đây đâu.
Trong đầu tôi lúc đó mịt mù, tăm tối, không tưởng tượng được lại có một nơi hoang vu, hẻo lánh như vậy”.
Lo các em không được học hành tử tế lại tiếp tục nghèo đói! |
Nhờ sự động viên kịp thời của người anh họ đi cùng, thầy Trung mới quyết tâm ở lại.
Buổi gặp đồng nghiệp đầu tiên, thầy Trung nhận được những ánh mắt trìu mến khiến lòng thầy ấm lại và tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng vượt qua cách trở và nhận nhiệm vụ mới.
Những ngày đầu thầy Trung còn khóc vì nhớ nhà, được đồng nghiệp an ủi, chia sẻ. Sau một thời gian quen dần thầy Trung đã bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống mới. Ngày ngày hai buổi đến trường.
Những ngày đầu đến lớp, nhìn thấy các em học sinh nơi đây, thầy Trung cảm thấy rất chạnh lòng, thương cho các em. “Với cái nắng tháng giêng chói chang, tôi thấy thương cho tấm thân bé nhỏ. Nhưng các em thì rất hồn nhiên, lúc nào miệng cũng cười tươi rạng rỡ”.
Nhận được công tác hơn 1 năm thầy Trung được nhà trường phân công đảm nhiệm công tác đội, được gần gũi các em, hiểu các em hơn.
Trường nơi thầy công tác mỗi năm có khoảng 60 em học sinh ở trọ. Do điều kiện nhà cách xa trường phải băng đèo lội suối để đến ngôi trường tìm con chữ, thấy mà thương các em.
Thầy Nguyễn Quang Trung hướng dẫn học sinh trong tiết học tin học (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Nhiều học sinh mới 11, 12 tuổi đã phải lo cho 2, 3 đứa em ở trọ cùng. Các em xa gia đình thiếu thốn muôn phần, nhà trường và phụ huynh phải mượn nhà dân, dựng lán để các em ở.
Thương các em, thầy Trung tìm cách kêu gọi người quen và trên mạng xã hội để xin nhưng bộ quần áo cũ, những đôi dép, những gói mì tôm…
Thấy các em có những bộ quần áo sạch sẽ, lành lặn hơn trong lòng cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.
Được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân thầy Trung cùng nhà trường đã thực hiện được mong muốn là mở bếp ăn tình thương để giúp đỡ các em học sinh bán trú và các em học sinh mồ côi không nơi nương tựa.
Và cứ như vậy mỗi tuần 1 lần các em sẽ được ăn một bữa cơm gọi là ngon so với các em, vì món ăn chủ đạo thường ngày của các em là cơm và muối trắng, bạn nào khá hơn thì có gói mì tôm.
Mỗi suất cơm có thịt đến với học sinh của mình mang đến cho thầy niềm vui lớn (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Học trò ở Quảng Hòa, huyện Đắk Glong thiếu thốn vô cùng. Mùa nắng còn nhiều thuận lời về đường xá, nhưng đến mùa mưa thì đường lầy lội.
Học sinh thì lại càng thương hơn, chân trần đến lớp nên những lớp đất trơn trượt lại càng làm khó các em, bước đi khó khăn, nghiêng ngã, lấm lem quần áo.
Rồi đã biết bao cái mùa mưa, mùa nắng gió đã qua, giờ đây tôi yêu nơi này hơn bao giờ hết.
Cuộc sống vất vả là thế, thiếu thốn là thế, nhưng tình cảm của những người dân đồng bào nơi đây thật đáng quý biết bao.
Học sinh vẫn ngày đến lớp, để được học những con chữ, giáo viên ngày càng yêu nghề, mến trẻ, không quản ngại khó khăn để mang cái chữ đến cho bản làng.
Sau những gì đã trải qua những năm tháng gian nan, vất vả thầy Trung càng yêu nghề, cảm thấy mình đã trưởng thành.