LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được ý kiến của một thầy hiệu trưởng ở Phú Thọ. Thầy chia sẻ thực tế khó khăn của nhiều trường công hiện nay về nguồn thu, giúp xã hội và đặc biệt là các cấp quản lý giáo dục cũng như địa phương hiểu hơn.
Để có cái nhìn đa chiều hơn về công tác tài chính của các nhà trường trong giai đoạn hiện nay, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này. Tiêu đề do Tòa soạn đặt.
Thời gian qua, công tác tổ chức thực hiện các khoản thu ở một số nhà trường đã thực hiện chưa tốt, tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, còn có đơn thư khiếu nại tạo dư luận không tốt, làm giảm sút niềm tin, ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường, của ngành giáo dục cũng như tạo sự bất ổn về môi trường giáo dục.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục, đặc biệt, nó tạo nên sự nghi ngờ, mâu thuẫn giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, điều mà đáng lẽ ra họ cần phải phối hợp thật tốt vì mục tiêu chung là kết quả giáo dục của chính con em họ.
Phần lớn nguyên nhân là do lãnh đạo các nhà trường đã triển khai không đúng tinh thần của các văn bản hướng dẫn hiện hành, hoặc còn chưa làm tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác quản lý tài chính.
Tuy nhiên ở 1 khía cạnh khác, chính những khó khăn do cơ chế mang lại cũng góp phần không nhỏ, trực tiếp hoặc gián tiếp tạo nên những cái sai trong một số nhà trường hiện nay.
Ngân sách dành cho giáo dục hiện này chưa đáp ứng đủ nhu cầu về tài chính cho các trường học (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Những khó khăn đó xuất phát từ mấy nguyên nhân cơ bản như:
Hầu hết hiệu trưởng các trường hiện nay, không được đào tạo bài bản về công tác tài chính. Chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu và một số buổi tập huấn ít ỏi của huyện, tỉnh. Do đó, kiến thức để áp dụng vào thực tiễn có nhiều hạn chế.
Ngân sách dành cho giáo dục hiện này chưa đáp ứng đủ nhu cầu về tài chính cho các trường. Mặt khác cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu cho các nhà trường hiện nay còn có nhiều bất cập, chưa có phương án giải quyết khó khăn cho các nhà trường.
Về ngân sách nhà nước cho các nhà trường
Hiện nay, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, ngoài phần đầu tư xây dựng cơ bản (các công trình lớn) thì kinh phí dành cho các trường chủ yếu gồm 2 mục cơ bản sau:
Chi nhóm I: Chi lương và các khoản đóng góp (thường chiếm trên 95%)
Căn cứ vào tổng hệ số lương của các trường, ngân sách cấp huyện cấp đủ để đảm bảo chi lương và các khoản đóng góp khác như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên.
Các khoản chi nhóm I nếu thừa sẽ phải hoàn trả lại ngân sách, không được chi cho các hoạt động khác.
Chi nhóm II: Chi cho các hoạt động của đơn vị (thường chiếm dưới 5%)
Hiện nay, số tiền được cấp để chi cho nhóm II = số học sinh toàn trường x 300.000 đồng.
Với quy mô trên dưới 200 học sinh/trường thì mỗi trường được 50-60 triệu 1 năm, tùy số lượng học sinh. Khoản này, các nhà trường phải hết sức tiết kiệm thì mới đủ chi cho các khoản sau:
- Tiết kiệm 10% nộp lại ngân sách nhà nước để cải cách tiền lương.
- Chi văn phòng phẩm, giấy mực in, sổ sách... nhà trường.
- Chi mua sắm tài sản tập trung (máy tính, máy in, các vật dụng phục vụ văn phòng, chuyên môn).
- Chi tổ chức hội nghị.
Chuyển hướng đầu tư ngân sách giáo dục từ cơ sở sang người học |
- Chi công tác tuyển sinh, xét tốt nghiệp, các kỳ khảo sát chất lượng.
- Chi học phẩm cho giáo viên.
- Chi công tác phí khoán cho cán bộ quản lý, văn thư; công tác phí cho giáo viên khi đi tập huấn, công tác.
- Chi nước uống cho giáo viên nhân viên hàng ngày, chi tiếp khách...
- Chi mua, bảo trì các phần mềm quản lý trường học.
- Chi tiền điện phục vụ giáo viên và hoạt động chuyên môn, điện thoại, internet.
- Chi công tác phổ cập.
- Chi khen thưởng giáo viên, học sinh.
- Chi phúc lợi...
Về các khoản thu có nguồn gốc từ các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh
Các khoản thu có nguồn gốc từ các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh có thể chia ra thành 4 nhóm sau:
1) Các khoản thu theo quy định: Ví dụ: Bảo hiểm Y tế, học phí...(các khoản này nộp về bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước).
2) Các khoản thu hộ: Trên cơ sở thỏa thuận của cha mẹ học sinh và các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà trường đứng ra thu và nộp hộ cha mẹ học sinh. Ví dụ như tiền Bảo hiểm thân thể, tiền sổ liên lạc điện tử...
3) Các khoản thu thỏa thuận: Các khoản thu này được thực hiện trên cơ sở nhà trường thoả thuận với cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống của học sinh, tiền điện phục vụ học sinh, tiền học thêm, tiền học buổi 2...
4) Tiền vận động tài trợ: Là tiền có được do cha mẹ học sinh, các tổ chức cá nhân ủng hộ nhằm tăng cường cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động giáo dục (được thực hiện theo thông tư 16/2018/TT-BGDĐT).
Như vậy, từ các nguồn kinh phí cho nhà trường, nguồn vận động tài trợ là nguồn chủ yếu để Nhà trường sử dụng sửa chữa, cải tạo, xây mới cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục (như tổ chức khai giảng, 20/11, 26/3, tổng kết năm học, các hoạt động của Đội thiếu niên, các hoạt động văn nghệ,thể thao trong nhà trường).