Có bao nhiêu thầy cô đã đọc chương trình môn học mới?

27/06/2019 06:59
NHẬT DUY
(GDVN) - Nếu không có sự chủ động chuẩn bị, không tiếp cận với chương trình môn học mới thì nhiều thầy cô sẽ bỡ ngỡ và khó khăn trong quá trình thực hiện tới đây.

Chương trình phổ thông đang dạy hiện hành thì giáo viên có thể không cần quan tâm đến chương trình môn học mà chỉ cần sách giáo khoa là giảng dạy bình thường.

Bởi, nội dung thi cử cũng chỉ bám sát vào sách giáo khoa và sách giáo khoa trở thành pháp lệnh.

Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới đây thì “chương trình” mới là điều quan trọng, sách giáo khoa “chỉ là một công cụ, phương tiện dạy học, thậm chí giáo viên không cần sách giáo khoa cũng được”.

Thế nhưng, trong thực tế thì đã có bao nhiêu giáo viên đã đọc, đã nghiên cứu về chương trình môn học mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho

thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương trình phổ thông mới thay đổi như thế nào?

Thời gian qua, Bộ Giáo dục đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học- đó là những cơ sở quan trọng cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới tới đây.

Trong chương trình mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành mà các thầy cô đang dạy. Một số môn học mới được hình thành, một số môn học hiện hành đã được gộp chung lại thành những môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở như:

Môn Lịch Sử với môn Địa lý gộp thành môn Lịch sử và Địa lý; môn Vật lý, Hóa học, Sinh học gộp thành môn Khoa học tự nhiên.

Ở cấp trung học phổ thông cũng hiện diện thêm các môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các môn học khác đa phần đều được dạy theo chủ đề để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp sau này.

Nội dung của từng môn học cũng đã có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn có 6 tác phẩm bắt buộc, một số tác phẩm tự chọn bắt buộc và một số tác phẩm tự chọn cho 2 cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Một số môn học tăng, giảm số tiết cho cả cấp học và từng khối học. Nhiều kiến thức của chương trình đại học được đưa xuống cấp trung học phổ thông, nhiều kiến thức trung học phổ thông được đưa xuống cấp trung học cơ sở…

Không chỉ có nhiều thay đổi về nội dung và phương pháp dạy, cách hình thành các kỹ năng, kiến thức, cách kiểm tra, đánh giá học trò cũng sẽ có nhiều thay đổi so với những gì mà thầy cô đã quen thuộc hàng chục năm qua.

Có bao nhiêu thầy cô đã đọc chương trình môn học mới? ảnh 2Kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục đã bị phá sản hoàn toàn

Chỉ còn 1 năm nữa là triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1; 2 năm nữa là lớp 2 và lớp 6; 3 năm nữa là lớp 3, lớp 7 và lớp 10…thời gian đang cận kề đối với mỗi người thầy.

Nếu không có sự chủ động chuẩn bị, không tiếp cận với chương trình môn học mới thì nhiều thầy cô sẽ bỡ ngỡ và khó khăn trong quá trình thực hiện tới đây.

Giáo viên sẽ tập huấn và dạy chương trình mới ra sao?

Khi tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình môn học mới dù có nhiều nội dung chưa được mọi người tán đồng nhưng một khi các chương trình này đã được thông qua cũng có nghĩa đó đã là pháp lệnh.

Vì thế, mọi ý kiến đóng góp chỉ có thể trong thời điểm các văn bản này còn là dự thảo còn bây giờ đã chính thức thông qua thì điều quan trọng nhất là các thầy cô giáo chủ động để lĩnh hội nội dung công việc của người thầy trong những năm tới.

Trong buổi hội thảo Bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới do trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thì Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái - Thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông, Chủ biên chương trình môn Toán đã chia sẻ nhiều điều về chương trình mới.

Trong đó, ông có chia sẻ: “Cần phải giúp giáo viên hiểu được, dù ở bất cứ cấp học nào, nếu hiểu được ý tưởng của chương trình sẽ tạo cho họ niềm tin”.

Nhưng, điều cốt lõi bây giờ là có nhiều giáo viên chưa đọc qua chương trình môn học mà mình sẽ dạy trong các năm tới đây.

Mỗi chương trình một môn học có hàng trăm trang giấy A4, đọc được hết chương trình, nắm được nội dung cốt lõi của nó sẽ mất nhiều thời gian mà thực sự nó mới chỉ nằm trên wesite của Bộ và các trang báo cài sẵn địa chỉ trong một số ngày nhất định, giáo viên muốn đọc thì tải về.

Có bao nhiêu thầy cô đã đọc chương trình môn học mới? ảnh 3Bộ Giáo dục sẽ công bố các chỉ báo tiêu chuẩn thẩm định sách giáo khoa lớp 1

Những giáo viên ít đọc báo rất khó tiếp cận được trọn vẹn chương trình môn học đã được thông qua. Chính vì vậy, khi tập huấn ở thời gian tới sẽ có nhiều bỡ ngỡ.

Có lẽ đoán trước được những khó khăn nên Giáo sư Đỗ Đức Thái đã dự cảm cho việc tập huấn môn Toán tới đây:

Tôi rất sợ những kiểu tập huấn dạng như các thầy kẻ bảng gồm hai cột, một cột là chương trình lớp 1 hoặc lớp 6 hiện hành, cột hai là chương trình mới và chỉ ra những chỗ được bổ sung. Các thầy dạy như vậy là “giết chết” chương trình Toán”.

Giáo sư Thái còn nêu quan điểm, khi tập huấn giáo viên phải đạt được mục tiêu: "Sách giáo khoa chỉ là một công cụ, phương tiện dạy học, thậm chí giáo viên không cần sách giáo khoa cũng được".

Chính vì thế, việc tập huấn, giảng dạy tới đây sẽ có nhiều điểm mới và khó khăn hơn bởi lâu nay giáo viên vẫn quen sử dụng sách giáo khoa làm công cụ chính cho việc tập huấn và giảng dạy của mình.

Tuy nhiên, chương trình mới thì sách giáo khoa chỉ là “một công cụ, phương tiện dạy học, thậm chí giáo viên không cần sách giáo khoa cũng được”.

Điều này, cho thấy việc giảng dạy tới đây xem trọng “chương trình” chứ không phải là “sách giáo khoa”. Giáo viên được tự chủ hơn trong giảng dạy nhưng cũng vất vả hơn rất nhiều so với công việc của thầy cô trước đây.

Nói gì thì nói, nếu ngay từ bây giờ mà thầy cô không chủ động tiếp cận với “chương trình môn học” của mình sẽ dạy thì khi tập huấn và giảng dạy trực tiếp sẽ bị động là điều không tránh khỏi.

Thời gian chỉ còn 1 năm học nữa thôi là sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, nếu Bộ không có những định hướng cụ thể để đưa nội dung chương trình mới đến với giáo viên e rằng sẽ chậm và việc đổi mới cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn.

Tài liệu tham khảo:

//vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/tuyen-sinh-nhu-vua-qua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-chet-tu-trong-trung-540080.html

NHẬT DUY