Hàng loạt khó khăn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

01/04/2019 13:18
TẤN TÀI
(GDVN) - Ngoài khó khăn về thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì nhiều cơ sở giáo dục phản ánh lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới quá gấp gáp.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội thảo: “Giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22/3.

Thiếu thốn cơ sở vật chất, lộ trình áp dụng quá gấp gáp

Thầy Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới đã chính thức thông qua vào tháng 7/2017.

Tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp là thách thức lớn của ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN
Tình trạng thiếu giáo viên, trường lớp là thách thức lớn của ngành giáo dục khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: AN

Mặc dù đã được quyết định lùi thời gian triển khai nhưng lộ trình đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào áp dụng trong thực tế vẫn gấp gáp.

Hiện các nhà trường còn khá nhiều khó khăn để đảm bảo cho chương trình được thực hiện đúng mục tiêu. Một trong những khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chương trình, sách giáo khoa mới.

Hiện cả nước hiện có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập với gần 15 triệu học sinh. Tuy nhiên, số phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các địa phương chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đến đâu rồi?

Các cơ sở giáo dục (đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn cơ sở bên ngoài.

Ngoài ra, thầy Hảo cũng cho rằng, hiện các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị dạy ngoại ngữ... đều thiếu và đã lạc hậu.

“Một yêu cầu quan trọng để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất.

Điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học. Lớp học cũng phải đảm bảo điều kiện kê bàn ghế theo nhóm...

Quy định này tưởng chừng chỉ có các trường khu vực vùng sâu vùng xa mới gặp khó khăn nhưng thực tế ngay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lớn thì đây cũng là thách thức không nhỏ”, thầy Hảo phân tích.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Lan Hương – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn thêm số liệu từ các báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ phòng học/lớp ở bậc tiểu học là 0,89; trung học cơ sở là 0,84 và trung học phổ thông là 0,85.

Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp thì bậc tiểu học chỉ là 0,63;trung học cơ sở là 0,71 và trung học phổ thông là 0,81.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, về phòng học, cấp tiểu học phải đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng học để học 2 buổi/ngày.

Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đảm bảo yêu cầu tối thiểu là 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn. Như vậy, số phòng học trong thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Số phòng học thiếu không chỉ ở những nơi kinh tế - xã hội khó khăn mà còn ở những thành phố lớn do quỹ đất hạn hẹp, dân số cơ học tăng nhanh. Giải quyết vấn đề này không phải là điều đơn giản”, Tiến sĩ Hương cho hay.

Vai trò của Hiệu trưởng trong chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?

Đại diện trường trung học phổ thông Thanh Khê (Đà Nẵng) cũng cho rằng, hiện lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới là: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Chỉ còn 2 năm nữa, ngành giáo dục chính thức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ ở các cơ sở giáo dục hiện này sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Theo đại diện trường này thì các cơ sở giáo dục cần phải có thời gian để bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình mới.

“Khi thực hiện chương trình mới sẽ trao quyền xây dựng chương trình giáo dục bộ môn, chương trình giáo dục chung của mỗi nhà trường cho Hiệu trưởng và giáo viên từng trường.

Nếu giáo viên, cán bộ quản lý không đủ năng lực trình độ, liệu có thể thực hiện được không? Do đó, muốn trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo thì phải có lộ trình cụ thể”, đại diện trường này khuyến nghị.

Khó khăn về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý

Một trong những vấn đề hóc búa và nan giải nhất khi triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được các địa phương phản ánh, “phàn nàn” là những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

32 sở Giáo dục bàn giải pháp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang dẫn thực tế từ địa phương mình cho thấy, hiện nay các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông vẫn đang thiếu 890 giáo viên và 543 nhân viên.

Tỉnh phải thực hiện hợp đồng giáo viên và nhân viên thiếu để đảm bảo nhiệm vụ được giao theo quy định.

“Vấn đề thiếu biên chế trong ngành cũng gặp không ít khó khăn, tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu, chưa đồng bộ ở các cấp học.

Đối với cấp tiểu học, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với yêu cầu, hiện chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp trong khi chương trình mới đòi hỏi phải đạt tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp.

Tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp, chỉ mới chiếm 30,7% trong khi bình quân cả nước đạt khoảng 60%”, bà Hằng phân tích.

Tiến sĩ Vũ Lan Hương cũng chỉ ra những khó khăn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đến từ phía giáo viên.

Đó là hiện nay chủ trương của ngành giáo dục là giảm tải nhiều nội dung trong sách giáo khoa nhưng trong thực tế việc thực hiện chủ trường này vẫn còn hạn chế. Công tác hành chính, sổ sách của cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn rất nặng nề.

“Trong thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đa số giáo viên chỉ thực hiện chuyển từ đọc chép sang chiếu chép là nhiều.

Vì vậy, nếu thực hiện toàn bộ nội dung giảng dạy với phương pháp mới sẽ không đủ thời gian đảm bảo nội dung bài dạy.

Giáo viên có rất nhiều lo lắng vì cho đến hiện tại ‘quyền tự chủ cho tổ bộ môn sắp xếp lại nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh ở trường mình’ chỉ dừng lại ở mức bố trí tiết học thế nào, kết hợp hay chia tách nội dung của sách giáo khoa mà không phải là định hướng nội dung và tự do chọn lựa chương trình.

Vậy giáo viên sẽ được quyền mở tới đâu? Mở ở những vấn đề nào? Mở như thế nào?”, Tiến sĩ Hương đặt vấn đề.

TẤN TÀI