Em B không bao giờ chịu ngồi yên đến vài phút, đang học vẽ nhưng đầu óc để ở chỗ khác, có lúc lại lén ra mở nhạc thật to.
Những lúc như vậy tôi lại nhẹ nhàng dỗ dành B về chỗ ngồi học, có lúc thì B nghe lời nhưng cũng có lúc giả vờ không nghe thấy lời tôi nói.
Dỗ mãi không nghe lời, tôi lại phải dùng hình thức phạt nhẹ nhàng rằng: Nếu B không nghe lời thì lát nữa cô Giang không cho nghịch máy tính nữa nhé, nghe thấy vậy B lại vui vẻ về chỗ ngồi học tiếp.
Có những em đang học vẽ thì bất ngờ quăng bút rồi chạy vài vòng quanh lớp, chân tay khua khoắng trêu các bạn.
Có em thì nghịch máy tính của tôi để trên bàn, chỉnh tất cả các mầu sắc trên màn hình rất là lạ, mà chỉ có em đó chỉnh lại như bình thường chứ mọi người không thể làm được như vậy.
Dạy các em này phải kiên trì anh ạ, mỗi em là một tính cách khác nhau, em thì ở thể nhẹ nhưng cũng có em ở thể nặng, có nhiều em còn gây thương tích cho cô giáo và các bạn nữa đấy”.
Họa sĩ Lương Giang - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Họa sĩ Lương Giang: Dạy các em này phải kiên trì, mỗi em là một tính cách khác nhau, em thì ở thể nhẹ nhưng cũng có em ở thể nặng. Ảnh: Tùng Dương. |
Là một họa sĩ trẻ, được đào tạo bài bản về hội họa tại trường Lasalle College of the Art của Singapore.
Phòng tranh Megan Gallery do cô giáo Lương Giang thành lập vừa như một sân chơi trải nghiệm, vừa như một “bảo tàng” hội họa thu nhỏ.
Ở đây, mỗi thứ 6 hàng tuần, Lương Giang còn tổ chức lớp dạy vẽ thiện nguyện hoàn toàn miễn phí dành cho các bạn nhỏ tự kỷ và có riêng một phòng nhỏ để treo tranh của các em.
“Bản thân tôi là người rất thích làm những việc thiện nguyện, hội họa là sở thích và đam mê của tôi.
Tôi muốn dành một phần cái đam mê đó vào công việc thiện nguyện, truyền cảm hứng hội họa cho những em nhỏ có tính cách đặc biệt mà hiện nay xã hội thường gọi là trẻ tự kỷ.
Nhìn những bà mẹ có con bị tự kỷ thì tôi cảm thấy rất là đồng cảm, chính vì vậy trong gần 3 năm qua tôi đã đều đặn dành 1 ngày thứ sáu trong tuần để mở lớp dạy vẽ cho các em đó.
Tôi thấy hội họa nó thực sự có tác dụng rất là tốt, không những đối với trẻ em bình thường, mà còn rất là tác dụng với trẻ có tính cách đặc biệt.
Nếu như các em kiên nhẫn ngồi vẽ, được rèn luyện thì dần dần tính khí của các em sẽ chậm lại, kiên nhẫn hơn một chút thì đó là một việc rất tốt cho trẻ tự kỷ.
Trong quá trình dạy tôi phát hiện ra rất nhiều em có năng khiếu bẩm sinh về hội họa, và nhiều khi khả năng hội họa của những em đó còn tốt hơn những em có tính cách bình thường.
Khó khăn nhất là tôi phải tìm hiểu các phương pháp để làm sao hòa nhập, mở lòng các em đó”, cô Lương Giang cho biết.
Hầu hết các em nói chuyện, giao tiếp với mọi người không theo cách thông thường, gần như là các em có “ngôn ngữ” riêng.
Khi vui mừng trước một việc gì đó, thay vì reo lên, vỗ tay như bình thường thì các em này chỉ giơ tay lên và lắc lắc bàn tay.
Tranh vẽ của các em tự kỷ tại lớp học của họa sĩ Lương Giang. Ảnh: Tùng Dương. |
“Trong quá trình dạy các em thì bản thân tôi cũng học được từ các em một thế giới “ngôn ngữ” khác, và điều đó cũng khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc.
Khi quyết định mở lớp dạy này thì bản thân tôi cũng đã lường trước được những khó khăn qua những chia sẻ từ bạn bè, từ những bà mẹ có con bị tự kỷ.
Không đơn thuần chỉ là giúp đỡ các em mà bản thân tôi thích làm những việc có ý nghĩa như vậy.
Tôi cũng đã mua sách về các kỹ năng dạy trẻ tự kỷ để đọc và tìm hiểu, biết cách tiếp cận với các em ra làm sao.
Những buổi đầu các em đến lớp, tôi thường kết hợp với phụ huynh của các em để hỗ trợ giúp một phần, vì đa số các em rất ngại tiếp xúc với người chưa quen biết.
Giờ học vẽ kéo dài khoảng 1h 30 phút nên những buổi đầu phụ huynh thường ngồi kèm luôn các em, bản thân các em không thể ngồi học lâu như trẻ bình thường, chỉ cần các em ngồi yên một chỗ đã là rất mừng rồi”, cô Lương Giang chia sẻ.
Kiên trì và nhẹ nhàng
Cho đến nay lớp học vẽ đã duy trì được gần 3 năm, các em đã quen và biết nghe lời các cô, các chú, chịu khó ngồi vẽ.
Với những em đã học hơn một năm, quen cô Giang rồi thì phụ huynh không cần phải ngồi cùng.
Còn những em mới thì phụ huynh vẫn phải ở lại ngồi quan sát trong lúc giáo viên dạy vẽ, đề phòng các những em có những hành động bột phát, tiêu cực.
Đặc điểm trung của hầu hết các em khi đến đây đều ở mức độ tự kỷ điển hình thể nặng, nói chưa sõi, nhiều em chỉ ú ớ và không chịu hợp tác với bất kì ai.
“Với những em ở thể nhẹ thì rất mau tiến bộ và có những em gần như đã khỏi hẳn.
Nhưng đối với một số em ở thể nặng hơn thì rất khó khăn trong việc giúp các em tập trung vào việc học.
Đối với trẻ bình thường thì để vẽ được một đường thẳng hay hình tròn thì đó là việc đơn giản.
Nhưng đối với các em trong lớp của tôi thì đó là một việc đòi hỏi giáo viên phải rất là kiên nhẫn, chỉ bảo từng li từng tí một. Hầu hết các em không làm theo chỉ bảo.
Buổi đầu làm quen tôi thường để các em tự nhiên, cho các em từng bước chạm vào mầu, vào bút để làm quen. Có khi cả chục buổi chỉ để các em nhận thức, làm quen và giao tiếp.
Bản thân tôi cũng không đặt thời gian là bao nhiêu buổi, nhanh hay chậm tiến bộ, vì đây là lớp thiện nguyện nên tôi để các em từ từ làm quen, với trẻ có tính cách đặc biệt thì không thể bắt ép được.
Mục tiêu của tôi muốn đào tạo để sau này các em thành nghề và có một nghề trong tay, bản thân trong lớp hiện nay được mấy em rất có năng khiếu hội họa, vẽ rất có hồn và có em đã bán được tranh.
Lớp hiện nay có 16 em, có em tham gia học vẽ từ những buổi đầu tiên nhưng cũng có em mới vào học được vài tháng, trung bình 1 thầy hoặc cô kèm 1 em trong lớp”, cô Lương Giang chia sẻ.
Mỗi bức tranh đều thể hiện cá tính của học sinh. Ảnh: Tùng Dương. |
Khi các em đến học, cô Giang có cũng làm một số kiểm tra nhỏ xem các em có thích hội họa hay không, nếu các em có năng khiếu thì sẽ tốt cho bản thân các em, hơn là ép các em phải theo học.
Có em thì chịu hợp tác, nhưng cũng có nhiều em không thích, vừa đến là ném mầu, ném bút và xé giấy tung tóe, hò hét ầm ĩ.
“Nhưng những bạn thích vẽ cũng chỉ là thích trong vài phút thôi là lại phân tán sang việc khác, chính vì vậy mà tôi phải có từng phương pháp riêng phù hợp cho từng em.
Với em này thì phải dỗ dành một kiểu, nhưng đối với em kia thì lại phải áp dụng một kiểu khác.
Có em thì thích nghịch máy tính nhưng có em lại thích ăn gà rán, ăn kem…mọi biện pháp cũng là để làm sao các em chịu ngồi học vẽ, tập trung giảm bớt sự tăng động.
Các em đang học tại đây có lứa tuổi từ 6 đến 16 tuổi, nhiều em to và cao đến 1,8m nhưng rất ngô nghê.
Nhiều khi đang học nhưng bột phát có em vung tay vung chân là giáo viên ngồi bên cạnh thâm tím cả mặt là chuyện bình thường”, cô Lương Giang nói.
Lúc mới vào học thì có bạn vẽ bức tranh chỉ trong vài phút, nguệch ngoạc, cẩu thả, có em cầm bút tô mầu xoáy tít vào nhau với những gam mầu mạnh không ra hình gì.
Giờ các em theo học ở đây được gần 3 năm thì đều có tiến bộ rất nhiều, đã chịu khó ngồi vẽ, ít chạy nhảy, ít quậy phá và biết thể hiện những kỹ thuật đơn giản đã được học.
“Có những em đã chịu ngồi vẽ xong bức tranh cả 1 tiếng đồng hồ rồi mới đứng dậy, có em cảm nhận mầu sắc tinh tế hơn…
Từ chỗ không chịu hợp tác với giáo viên, không chịu vẽ nhưng đến nay các em đã biết tự căng khung, lấy mầu và nhìn mẫu để vẽ mà không cần cô Giang nói.
Nét vẽ của các em giờ đây đã có hồn hơn, nhiều em đã biết tự chọn mầu, làm nền. Đó quả là điều đáng mừng anh ạ, các phụ huynh cũng phấn khởi lắm.
Tôi tự nhủ với bản thân và cũng nhắc nhở mọi người trong lớp là phải thật nhẹ nhàng, mình không thể kích động, gây ức chế thần kinh với các em được, cố gắng kiên nhẫn”, cô Lương Giang cho biết.
Phòng tranh Megan Gallery do cô giáo Lương Giang thành lập vừa như một sân chơi trải nghiệm, vừa như một “bảo tàng” hội họa thu nhỏ, đây cũng là nơi các em tự kỷ theo học vẽ. Ảnh: Tùng Dương. |
Chia sẻ của giáo viên
“Nhìn những người mẹ có con bị tự kỷ thì tôi thấy rất là khâm phục.
Đối với những em bị tự kỷ thì tình cảm và sự quan tâm của gia đình là rất quan trọng, xin đừng coi các em là bị bệnh mà hãy coi đó là sự khác biệt, hãy tìm một “ngôn ngữ” để mở lòng và gần gũi với các em.
Cha mẹ và người thân nên dành nhiều thời gian cho các em hơn nữa, tìm hiểu qua tài liệu, sách để có phương pháp giáo dục hiệu quả hơn.
Tôi thấy hiện nay khá nhiều gia đình có trẻ tự kỷ nhưng phụ huynh lại rất thiếu kiến thức về vấn đề này, dẫn đến tình trạng buông xuôi, coi như không có các em nên việc này khiến cho bệnh tình của các em ngày một nặng thêm.
Có gia đình lại áp dụng phương pháp như dạy trẻ bình thường nên không có tác dụng, trong khi nếu biết áp dụng phương pháp thích hợp thì có thể giúp cho các em hòa nhập trở lại và có thể giảm mức độ hoặc khỏi bệnh.
Xin hãy kiên nhẫn, yêu thương và nhẹ nhàng với các em hơn nữa.
Tôi tin rằng các em sẽ trở thành thiên tài trong tương lai vì mỗi con người đều có một thế mạnh, chỉ có điều là chúng ta chưa biết cách khơi dậy thế mạnh đó mà thôi.
Ngay khi dạy các em, tôi không bao giờ coi các em là tự kỷ hay bị bệnh, mà vẫn thường coi các em là những đứa trẻ khác biệt, mình phải mở một cách cửa để chạm được vào các em đó.
Các em đó rất nhạy cảm, tuy không giao tiếp như người bình thường nhưng các em đều hiểu được hết những điều mọi người nói. Nếu ai yêu quý các bạn ý thì các bạn cũng sẽ thể hiện tình cảm lại.
Còn nếu quát nạt hay có những hành động không tôn trọng thì các em đó sẽ rất là sợ và co lại, lúc này thì khó có thể gần gũi các em được nữa”, cô Lương Giang nhấn mạnh.