Nhìn cậu bé Uy nhanh nhẹn chọn quả táo màu đỏ theo hướng chỉ tay của mẹ trong siêu thị, ít ai có thể nghĩ được mới một năm trước đây thôi thì mọi suy nghĩ, hành động, biểu cảm và những câu nói của cậu bé này như một tờ giấy trắng.
Uy được mẹ sinh ra khi mang thai mới 7 tháng tuổi, vì sinh thiếu tháng nên bé rất yếu.
Ở vào khoảng sau 18 tháng tuổi, thông thường mọi đứa trẻ bắt đầu biết nói những từ đơn giản, nhưng Uy hoàn toàn không nói được, không biết diễn đạt, biểu cảm, không biết bắt chước, người khác nói thì bé cũng không hiểu gì.
Uy không nhìn vào bất cứ ai và đặc biệt là chạy nhảy khắp nhà nhưng không biết dừng lại khi gặp nguy hiểm, nhiều lúc Uy chạy rồi lao thẳng vào tường.
Các bài học kỹ năng rất quan trọng, giúp trẻ đặc biệt nhanh hòa nhập. Ảnh minh họa - Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt - Nguyễn Hồng Duyên chia sẻ:
“Khi áp dụng một số phương pháp tác động trong giờ học đầu tiên thì bé Uy hoàn toàn không hợp tác và chạy khắp nhà, qua mấy buổi học nhưng hầu như không tiến triển.
Với những cậu bé như vậy phải có cách tiếp cận chậm, phải rất gần gũi để trẻ yêu quý mình thì mới nghe lời. Sau khoảng 2 tuần, Uy đã chịu chơi cùng cô giáo, chịu ngồi im một chỗ, nhưng vẫn không hề chú ý đến các bài học. Cô nói gì Uy cũng không quan tâm.
Tôi lại phải thay đổi cách tiếp cận với Uy. Tôi đã dành nhiều thời gian trong ngày làm bạn với Uy, khi gia đình cho bé đi chơi, đi siêu thị hoặc đi ra ngoài thì tôi cũng đi cùng. Lúc này, tôi với Uy như những người bạn nên dần dần cháu đã chịu nghe và làm theo những điều mà tôi hướng dẫn.
Sau khi đã quen thân thì áp dụng các phương pháp hỗ trợ với Uy cũng dễ và có hiệu quả hơn, Uy đã nói được, biết nhận thức và thể hiện những điều mình muốn. Qua hơn 2 năm hỗ trợ liên tục Uy đã tiến bộ rất nhiều”.
Chia sẻ về trường hợp của con mình, chị Thu Hà (mẹ của cháu Uy) cho biết:
“Thật sự gia đình tôi mừng lắm, cũng không thể nghĩ được là cháu sẽ tiến bộ nhanh như vậy, hiện nay cháu vẫn đang được giáo viên chuyên ngành hỗ trợ một tuần 3 buổi.
Giờ thì cháu đã nói được, nhận biết các đồ vật, biết chỉ tay thể hiện điều mình muốn, hòa đồng cùng các bạn ở trường mầm non nơi cháu theo học, và đặc biệt không còn chạy nhảy nhiều như trước, đã nhận ra những sự việc nguy hiểm”.
Nên can thiệp sớm cho trẻ từ 18 tháng tuổi sẽ hiệu quả hơn. Ảnh minh họa - Nhân vật cung cấp. |
Can thiệp cá nhân
Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015, cô giáo trẻ Nguyễn Hồng Duyên có dịp tiếp xúc nhiều với trẻ đặc biệt (trong đó có cả trẻ tự kỷ) ở các trung tâm dạy trẻ chuyên biệt.
“Tôi nhận thấy rất nhiều trẻ đặc biệt ở thể nhẹ chậm nói nhưng lại học chung với những bạn ở thể nặng hơn thì sẽ rất thiệt thòi, và rất có thể các em ở thể nhẹ khó có cơ hội hòa nhập. Từ đó, tôi nảy ra ý định mở lớp dành riêng cho những trẻ ở thể nhẹ chậm nói”, cô giáo Duyên chia sẻ.
Trung tâm Tuổi Trẻ của cô giáo Nguyễn Hồng Duyên đã ra đời và đi theo hướng hòa nhập, có nghĩa là các trẻ ở thể nhẹ chậm nói sẽ được hòa nhập, học chung tại trường mầm non với những trẻ phát triển bình thường, đó cũng là một phương pháp dạy khá mới thay vì đưa tất cả các cháu vào cùng một lớp.
“Trung tâm Tuổi Trẻ của tôi đã liên kết với nhiều trường mầm non tại Hà Nội theo hai hướng: Thứ nhất nếu trường mầm non có một số trẻ đặc biệt thì trung tâm sẽ cử giáo viên chuyên ngành đến tận trường hỗ trợ với liệu trình can thiệp từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ với mỗi cháu ngay trong các giờ học trên lớp.
Hướng thứ 2 là các phụ huynh có con ở thể đặc biệt nhưng không muốn cho con học tại các trường chuyên biệt thì giáo viên sẽ đến tận gia đình để can thiệp.
Tôi và phụ huynh cùng kết hợp đưa ra lịch học cho phù hợp với từng trẻ, có thể học 1 giờ đồng hồ tại lớp cùng với các bạn bình thường, và buổi chiều có thêm 1 tiếng đồng hồ học riêng, các em sẽ có giáo viên Chuyên ngành hỗ trợ”, cô Duyên cho biết.
Thông thường ở các trường mầm non chia ra nhiều khung giờ hoạt động nhóm như học vẽ, học hát, sinh hoạt chung và các trẻ đặc biệt sẽ được hỗ trợ trong những giờ học đó.
Vào giờ học nhận biết các loại quả thì lúc này giáo viên Chuyên ngành sẽ hỗ trợ trẻ bằng các phương pháp như cầm, vẽ, mầu sắc, hình ảnh… để làm sao trẻ nhận biết các loại quả một cách nhanh nhất.
Đối với những giờ dã ngoại cũng đều có giáo viên chuyên ngành đi kèm để trợ giúp trẻ trong mọi hoạt động, với mục đích làm cho trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi cũng như biết cách tham gia chơi nhóm với các bạn.
Cô giáo Duyên cho biết: “ Qua mấy năm dạy cho các trẻ đặc biệt thì tôi thấy có 2 dạng trẻ chậm nói. Trẻ ít được bố mẹ tương tác trong thời gian bắt đầu tập nói, nhiều gia đình bận công việc nên cứ để con tự xem ti vi hoặc chơi một mình sẽ thường dẫn đến việc trẻ chậm nói.
Một dạng nữa là do cơ hàm, lưỡi, miệng… Hoặc có khiếm khuyết về phát âm, những trẻ thuộc dạng này thường phải có sự can thiệp của các bác sĩ phẫu thuật, sau đó chúng tôi sẽ áp dụng các phương pháp hỗ trợ cá nhân để luyện chức năng nói cho trẻ”.
Các trẻ trong giờ học ngoại khóa. Ảnh minh họa - Nhân vật cung cấp. |
Cần can thiệp sớm
Độ tuổi của trẻ đặc biệt đến với Trung tâm Tuổi Trẻ thường là từ 2 cho đến 5 tuổi, cá biệt có những trẻ 6 - 7 tuổi, nhưng hiệu quả nhất là can thiệp sớm khi trẻ ở tầm 18 tháng.
Trẻ đặc biệt được dạy tại nhà và tùy vào lứa tuổi, giáo viên Chuyên ngành sẽ tương tác và xử dụng những phương pháp cá nhân, kết hợp phương pháp Monster bằng hình ảnh, giáo cụ, dạy vẽ, kết hợp song song với học nói, trao đổi về phần ngôn ngữ, một tuần từ 2 đến 3 buổi.
“Hầu hết trẻ Đặc biệt thể chậm nói khi đến trung tâm chỉ nói được những từ à, á, pằm pặp, ú, ớ… Những âm vô nghĩa hoặc nói linh tinh, nói ngược, ví dụ: Uống nước cô…
Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng với các tác động tích cực là trẻ đã nói được những từ đơn, thậm trí từ đôi như: Bà, bố, mẹ ơi, cô ơi.
Với những trẻ như vậy, giáo viên Chuyên ngành Đặc biệt sử dụng các phương pháp như dùng đồ chơi, tranh, chữ cái và kết hợp phương pháp luyện môi, miệng, tặc lưỡi, tập thổi bóng, luyện hơi miệng và nhìn khẩu hình miệng của cô giáo để tập nói”,cô giáo Duyên nói.
Vừa dạy các trẻ biết nói, biết nhận thức mọi việc phù hợp với lứa tuổi đồng thời diễn đạt mong muốn nhu cầu, luyện cách giao tiếp, biết đặt câu hỏi, trả lời đúng.
Theo cô giáo Duyên: “Đầu tiên chúng tôi phải tương tác, hướng dẫn cho trẻ xử dụng ngón tay trỏ để chỉ những đồ vật mình muốn vì trẻ chưa nói được, các cô sẽ hỏi từng đồ vật và trẻ phải chỉ được đúng đồ vật đó. Nhiều trẻ không biết chỉ ngón trỏ thì lúc đó chúng tôi sẽ phải dạy cách cho trẻ.
Còn có những tiết học lồng ghép giúp trẻ nhận biết sự yêu thương, chia sẻ cùng các bạn, biết tập chung học nhóm…cùng nhiều kĩ năng cơ bản, đều được chúng tôi áp dụng.
Đối với trẻ Đặc biệt thì có nhiều phương pháp tác động phù hợp với từng lứa tuổi, nhưng chúng tôi luôn điều chỉnh cho phù hợp với từng trẻ cụ thể, không áp dụng một phương pháp tác động cho nhiều trẻ.
Chúng tôi luôn sáng tạo, dùng phương pháp cá nhân kết hợp đồ dùng, dụng cụ sinh động để tác động làm sao cho trẻ nhận biết được nhanh nhất”.
Lời khuyên
Trẻ đặc biệt có rất nhiều mức độ khác nhau, cha mẹ cần có sự tư vấn của các chuyên gia từ sớm để biết rõ con em mình đang ở thể đặc biệt nào, rồi từ đó sẽ lựa chọn phương pháp hỗ trợ phù hợp.
Có như vậy thì những trẻ đặc biệt ở thể nhẹ chậm nói sẽ sớm có cơ hội phục hồi, hòa nhập với cộng đồng.
Tránh những trường hợp để tất cả các trẻ đặc biệt học trung một phương pháp hoặc cùng một lớp sẽ không có hiệu quả, vì mức độ chậm của các bé khác nhau.
Đặc biệt là các gia đình nên dành nhiều thời gian tương tác khi trẻ vào giai đoạn tập nói, nhất là đối với những trẻ có biểu hiện như chậm nói, có khó khăn trong khi nói.