Sau sự việc nhà trường nghi để quên học sinh trên ô tô đã dẫn đến tử vong của cháu Lê Hoàng L. ở trường quốc tế (tự nhà trường phong –phóng viên) Gateway thì dư luận ngỡ ngàng về nhiều chuyện của một trường “quốc tế”.
Bởi thực tế, trường Gateway không phải là trường “quốc tế” - đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội).
Trường "quốc tế" Gateway là tự trường đặt tên để thu hút học sinh, đánh vào tâm lý sính ngoại của một số phụ huynh.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng. Ảnh: Đỗ Thơm |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Cao Đình Thưởng - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Vụ việc học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong nghi do bị quên trên xe đưa đón của trường là vô cùng đau lòng và đáng tiếc. Tôi chia sẻ với sự mất mát của gia đình cháu bé”.
Liên quan đến việc trường Gateway được cho là tự phong trường mình là trường quốc tế, vị Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Từ đây cũng phải xác định trách nhiệm của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây phải rà soát lại quy mô trường lớp trên địa bàn cả nước xem những loại hình trường nào là hợp pháp, loại hình nào là bất hợp pháp.
Xã hội hóa giáo dục cần có lộ trình, thận trọng theo quy định pháp luật và phải có điều kiện mới quản lý được thống nhất.
Giờ Đại học cũng nở rộ, trường công, trường tư, rồi các trường không rõ mô hình có được cấp phép không cũng hoạt động là rất đáng lo ngại, phải có chấn chỉnh”.
Đại biểu Cao Đình Thưởng phân tích, trường học lấy tên nước ngoài, mang danh quốc tế rất mập mờ chưa được kiểm định và có vẻ cũng chưa có quy định rõ ràng thế nào là trường quốc tế.
“Trường quốc tế phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật về chất lượng giáo viên, chương trình sách giáo khoa, đối tượng tuyển sinh, điều kiện cơ sở vật chất ra sao…mới được công nhận là trường quốc tế.
Vậy nếu chưa có quy định, thẩm định rõ ràng là trường quốc tế không hay chạy theo doanh nghiệp tự phong cho trường của họ để xảy ra các hệ lụy, hiểu lầm cho phụ huynh.
Rõ ràng, phụ huynh không thể kiểm định được mà trách nhiệm này là của ngành giáo dục”, Đại biểu Thưởng nên quan điểm.
Đại biểu nhấn mạnh lại, thương mại hóa giáo dục là một việc phải thận trọng vì nó rất nguy hiểm.
Còn nhiều nghi vấn vụ học sinh Trường Gateway tử vong trong xe đưa đón |
“Không chỉ trường quốc tế mà nhiều loại hình trường cạnh tranh với nhau, quảng bá không đúng sự thực, không đúng thực lực nhà trường.
Thu phí phụ huynh rất cao, chất lượng không tương xứng đồng tiền bỏ ra. Quy trình giảng dạy là tốt hay xấu, khoa học hay không, dư luận có quyền đặt câu hỏi.
Vì vậy phải có cơ chế giám sát, quản lý của ngành giáo dục và của tất cả các cấp, các ngành với vấn đề này”, Đại biểu Thưởng nói.
Cũng liên quan đến việc trường Gateway được cho là tự phong trường “quốc tế”, Đại biểu Bùi Văn Phương - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Nếu trường này không phải trường quốc tế mà quảng cáo là trường quốc tế là không được.
Ngay cả các đơn vị quản lý cũng cần phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, kiểm tra những thông tin thiếu chính xác”.