Cách đây ít phút tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang đã đặt ra vấn đề hết sức thời sự hiện nay thiếu nước sạch trong sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Vấn đề nước sạch sinh hoạt là một vấn đề vô cùng quan trọng cần phải được quan tâm xem xét thấu đáo, vì có liên quan trực tiếp tới sức khỏe của nhân dân, trong đó có hàng triệu cháu nhỏ đang ở độ tuổi đi học - đó là những thế hệ tương lai của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - đoàn Tiền Giang. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải Hải chỉ rõ, năm qua diễn ra tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng ở một số địa phương trên cả nước với nhiều nguyên nhân khác nhau.
“Nước sạch cần cho nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng lại không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Một số địa phương đã phản ánh việc quá tải trong khai thác nước ngầm ở nước ta.
Tôi kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực trong xử lý nguồn nước, tái sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, giảm dần việc khai thác nước mặt, nước ngầm.
Chúng ta phải sử dụng tiết kiệm nguồn nước có hạn, đảm bảo cho các thế hệ sau có nước sạch để sử dụng, để tránh tình trạng đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, đại biểu Hải cảnh báo.
Phát biểu thảo luận ở hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – đoàn Nghệ An nhấn mạnh, năm 2019 dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển đồng đều tất cả các ngành, các lĩnh vực. Đạt được những kết quả đó có sự nỗ lực của Chính phủ, quyết tâm cao trong đổi mới, chỉ đạo.
Cũng theo ông Hiền, hiện nay việc thực thi pháp luật của chúng ta đang có vấn đề, do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, bất cập, nhưng chưa có những giải pháp để tháo gỡ.
Tinh thần kiến tạo của Chính phủ chưa được thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống, có những cá nhân trong cơ quan công quyền chưa dũng cảm nhận sai, những gì không có lợi cho cá nhân thì né tránh, những cái mới thì ngại tiếp cận triển khai.
Tình trạng các vụ việc được chuyển lên- chuyển xuống nhiều lần, qua nhiều cơ quan. Đại biểu cho rằng cần có giải pháp giải quyết tình trạng này để tạo sự đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, cơ sở.
Quận Đống Đa khẳng định không sử dụng nước máy sông Đà |
Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, rà soát phát hiện và giải quyết bất cập. Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Vị đại biểu Nghệ An cũng nêu các vấn đề nhiều vụ việc chậm xử lý, đợi đến khi “mất bò mới lo làm chuồng” như vấn đề quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, điển hình một số vụ việc gần đây khiến cử tri băn khoăn.
"Vụ cháy Nhà máy Rạng Đông báo động về hiện tượng chậm di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, được ví như quả bom nổ chậm trong các khu vực dân cư.
Việc xử lý ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt còn chậm. Việc này bộc lộ công tác quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều thiếu sót, lỗ hổng, nhưng cần làm rõ để quy trách nhiệm.
Cử tri kiến nghi Chính phủ cần có giải pháp để chấn chỉnh kịp thời, đừng để người dân của chúng ta hải chịu hậu quả trong việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ”, đại biểu Hiền nói.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có không khí và nước sinh hoạt đang được đông đảo nhân dân quan tâm, đặc biệt là sau khi có thông tin bụi trong không khí tại Hà Nội vượt nhiều lần mức cho phép và nước sinh hoạt do nhà máy nước sông Đà cung cấp bị nhiễm dầu thải.
Từ vụ việc nước sông Đà nhiễm bẩn mà vẫn được bơm tới nhà dân, nhiều Đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã nêu quan điểm rằng cần phải có một cuộc rà soát tổng thể vấn đề nước sinh hoạt trên toàn quốc. Để làm được việc này cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ, vai trò giám sát của Quốc hội.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đặt vấn đề: Điều quan trọng bây giờ là phải nhanh chóng xem xét tổng thể nguồn nước từ sông lấy vào các nhà máy và quy trình lọc của mỗi nhà máy có đảm bảo cho ra nước sạch thật sự không?
Nếu biết nước bẩn mà không ngăn chặn, không báo cáo, vẫn cung cấp cho dân là có vấn đề đạo đức. ảnh: QĐ |
Tướng Hồng phân tích: “Lâu nay ở chỗ này chỗ khác người dân đã kêu quá nhiều về nước bẩn, nhưng xong rồi lại lắng xuống và người dân vẫn tiếp tục trả tiền để sử dụng nước trong sự ấm ức.
Vụ việc nước nhiễm dầu thải lần này là một bài học đắt giá, các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết căn cơ vấn đề này trên cả nước.
Giáo sư Lê Huy Bá: Nhà máy nước sông Đà coi thường sức khoẻ, tính mạng người dân |
Theo tôi, phải tiến hành rà soát và đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên các con sông được khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho dân.
Vấn đề này phải được xem xét làm ngay, nhưng để làm được thì phải ở tầm Quốc hội, Chính phủ. Ở nhiều quốc gia, họ coi đây là vấn đề hết sức hệ trọng và có các biện pháp bảo vệ rất rõ ràng.
Đại biểu Hồng đặt vấn đề: “Phải xem lại một cách nghiêm túc các nhà máy nước hiện nay có làm đúng quy định của Bộ Y tế không? Ai kiểm tra, ai giám sát rằng nước họ bán ra sạch thật sự?
Liệu rằng việc lấy mẫu kiểm tra định kỳ bởi một cơ quan nào đó có đảm bảo chính xác không? Và để phòng tránh tiêu cực trong kiểm định chất lượng nước thì có các biện pháp gì?
Trong thế giới công nghệ hiện đại như ngày nay, tất cả đều có thể áp dụng cho ra kết quả chính xác, vấn đề là những nhà quản lý tư duy thế nào để kiểm tra, kiểm soát được.
Tôi cho rằng đối với hàng triệu người dân đang trả tiền mua nước sinh hoạt không hề biết quy định, yêu cầu bắt buộc về các chỉ tiêu chất lượng nước ra sao? Họ cũng không hề biết các nhà máy khai thác và làm sạch nước bằng quy trình nào? Thật không công bằng khi mà người dân phải trả tiền mua một sản phẩm tù mù chất lượng.
Vụ việc nước nhiễm dầu bẩn đã cho thấy rõ ràng quy trình lọc ở Nhà máy nước sông Đà lỏng lẻo, kỹ thuật kém, các công đoạn lắng lọc không đạt. Đó là tôi còn chưa đề cập tới vấn đề đạo đức kinh doanh, anh không kiểm soát được nên mới dẫn tới bơm nước bẩn ra, đến giờ chưa xin lỗi dân mà còn cứ trả lời loanh quanh.
Cuối cùng, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là Thành phố Hà Nội cần phải tiến hành rà soát toàn bộ quy trình khai thác nước của các nhà máy và các địa phương khác cũng nên sớm chủ động triển khai công tác này”.