Dân mạng TQ quan tâm việc Bộ GTVT Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ quán TQ

04/01/2015 08:12
Đông Bình
(GDVN) - Nhiều thông tin hữu nghị, hợp tác Việt-Trung, nhưng cũng không thiếu những lời nói, yêu cầu vô lý từ Trung Quốc, đồng thời nhiều động thái quân sự mới từ TQ.

Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh thăm Việt Nam

Các tờ báo điện tử Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin về sự kiện này, nhưng thông tin không nhiều. Báo chí Trung Quốc cho biết, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh là thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, sang thăm Việt Nam từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 12 năm 2014.

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Du Chính Thanh (nguồn báo điện tử Chính phủ Việt Nam)
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Du Chính Thanh (nguồn báo điện tử Chính phủ Việt Nam)

Ông Du Chính Thanh được các nhà lãnh đạo Việt Nam gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón, hội đàm.

Theo báo Trung Quốc, ông Du Chính Thanh được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ủy thác sang Việt Nam, muốn thông qua trao đổi cấp cao để tăng lòng tin, tăng đồng thuận, thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển theo con đường “đúng đắn”.

Ông Du Chính Thanh nhắc lại phương châm quan hệ “16 chữ” và tinh thần quan hệ “4 tốt” giữa Việt-Trung, nhấn mạnh hai nước có nhiều điểm tương đồng tạo nên “nền tảng chính trị” cho hợp tác hữu nghị song phương như “cùng chế độ xã hội chủ nghĩa”, tư tưởng tương thông, con đường phát triển gần nhau, vận mệnh tiền đồ liên quan..., trong tình hình quốc tế phức tạp thì hai bên phải “tăng cường lòng tin, tăng cường đồng thuận”.

Tờ “Đa chiều” tiếng Trung cũng có bài bình luận về vấn đề này, đã nhắc lại sự kiện làm cho quan hệ Việt-Trung xấu đi nhanh chóng trong năm 2014, đó là việc Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng bài báo hoàn toàn đổ mọi tội lỗi cho Việt Nam, xuyên tạc “công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền” của báo chí Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, tờ “Đại Công báo” Hồng Kông gần đây dẫn lời Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Philippines có khác nhau.

Đối với vấn đề này, Tề Kiến Quốc cho biết, cơ chế hợp tác ngoài cửa vịnh Bắc Bộ do ông làm trưởng nhóm và cơ chế hợp tác lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển hiện đang tiến hành đàm phán.

Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đưa ra “quan điểm ở 2 cấp độ”, tức là ở cấp độ thứ nhất thông qua “đàm phán song phương” đạt được biện pháp đều có thể chấp nhận, ở cấp độ thứ hai Trung Quốc và toàn bộ ASEAN trong đó có Việt Nam cùng “bảo vệ ổn định Biển Đông”.

Theo Tề Kiến Quốc: “Trong quan điểm 2 cấp độ, giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông là có thể thực hiện, nhưng hai bên Trung Quốc và Việt Nam hiện còn phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát bất đồng, một khi xuất hiện vấn đề phải tìm cách giải quyết thỏa đáng”.

Tề Kiến Quốc - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam
Tề Kiến Quốc - cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam

Cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trung Quốc nếu có thiện chí, cần rút toàn bộ quân đồn trú phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, trả lại cho Việt Nam toàn bộ các đảo đá đã chiếm.

Như thế Trung Quốc mới thực sự có tinh thần hữu nghị và hợp tác, mới tôn trọng luật pháp quốc tế, mới có “phong độ nước lớn”, mới có tiếng nói thực sự trong cộng đồng quốc tế.

Hải quân Việt-Trung sẽ tiếp tục tuần tra vịnh Bắc Bộ

Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 31 tháng 12 năm 2014 đăng bài viết "Hải quân Trung Quốc-Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục tuần tra liên hợp ở vịnh Bắc Bộ".

Theo bài báo, từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 12 năm 2014, cuộc gặp thường niên tuần tra liên hợp vịnh Bắc Bộ của Hải quân Trung Quốc và Việt Nam được tổ chức ở cơ quan Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Căn cứ vào kỷ yếu (tóm tắt) hội nghị, năm 2015, Hải quân Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra liên hợp ở vịnh Bắc Bộ, cùng bảo vệ an ninh và ổn định của vịnh Bắc Bộ.

Được biết, Hải quân Trung Quốc và Việt Nam từ tháng 9 năm 2005 xây dựng cơ chế tuần tra liên hợp vịnh Bắc Bộ đến nay, đã tiến hành 17 lần nhiệm vụ tuần tra liên hợp vịnh Bắc Bộ, có ý nghĩa tích cực đối với bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy tăng cường hiểu biết và lòng tin giữa hai bên.

Hai tàu quét mìn của Hải quân Việt Nam cập cảng Trạm Giang, Quảng Đông, tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên (nguồn mạng cnr.cn Trung Quốc)
Hai tàu quét mìn của Hải quân Việt Nam cập cảng Trạm Giang, Quảng Đông, tiến hành chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên (nguồn mạng cnr.cn Trung Quốc)

Hạm đội Nam Hải đồng loạt thay tư lệnh, chính ủy mới

Tờ "Tin tức Bành Bái" Trung Quốc ngày 31 tháng 12 dẫn tờ "Nhật báo Trạm Giang" cùng ngày cho biết, Hạm đội Nam Hải vừa tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng năm mới, thiếu tướng Thẩm Kim Long - Phó Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu kiêm Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Lưu Minh Lợi - Phó Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu kiêm Chính ủy Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Trương Văn Đán - Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Niếp Thủ Lễ - Chủ nhiệm chính trị, thiếu tướng Điền Chiêm Hân - Trưởng ban hậu cần, thiếu tướng Lý Hiểu Nham và thiếu tướng Du Mãn Giang - Phó tham mưu trưởng, cùng lãnh đạo các cơ quan, binh sĩ đơn vị tại Trạm Phiến đã tham gia, tổng cộng khoảng 1.100 người.

Theo bài báo, đây là lần đầu tiên “ban lãnh đạo khóa mới” của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc xuất hiện tập thể. Trước đó, Tư lệnh, Chính ủy Hạm đội Nam Hải đều đã được thay mới cùng thời điểm.

Theo tờ "Pháp chế vãn báo" ngày 26 tháng 12, Phó tư lệnh Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Thẩm Kim Long được thăng lên làm Tư lệnh, còn Phó Chính ủy Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Lưu Minh Lợi được thăng lên làm Chính ủy.

Trước đó 1 ngày (ngày 25 tháng 12), trong hoạt động thăm hỏi có quay video do Hải quân Trung Quốc tổ chức kỷ niệm tròn 6 năm hộ tống vịnh Aden, nguyên Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, tướng Tưởng Vĩ Liệt, nguyên Chính ủy Hạm đội Nam Hải, tướng Vương Đăng Bình lần lượt xuất hiện với tư cách là Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc.

Thẩm Kim Long, người lên thay thế Tưởng Vĩ Liệt, vào cuối tháng 9 năm 2014 mới lần đầu tiên xuất hiện công khai với tư cách là Phó tư lệnh Hạm đội Nam Hải (tháng 8 năm 2014). Trước đó, Thẩm Kim Long là giám đốc Học viện chỉ huy Hải quân (năm 2011).

Thiếu tướng Thẩm Kim Long - tân Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Thiếu tướng Thẩm Kim Long - tân Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Thẩm Kim Long sinh tháng 10 năm 1956, người Nam Hối, Thượng Hải, sau khi nhập ngũ luôn phục vụ cho hải quân, trải qua các chức vụ như chi đội trưởng chi đội tàu khu trục, tư lệnh căn cứ bảo đảm Lữ Thuận, giám đốc Học viện tàu chiến Đại Liên. Tháng 8 năm 2014, biên đội 4 tàu chiến Trung Quốc tham gia diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương-2014” do Thẩm Kim Long chỉ huy.

Trong khi đó, Lưu Minh Lợi sinh năm 1956, người Liêu Ninh, từng làm Chính ủy Viện nghiên cứu trang bị Hải quân, Chủ nhiệm chính trị Hạm đội Đông Hải, Chính ủy lực lượng hàng không Hạm đội Nam Hải.

Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Trương Văn Đán nguyên là Phó tham mưu trưởng hạm đội này. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, tờ "Nhật báo Trạm Giang" cho biết, chiều ngày 14 tháng 3, Hạm đội Nam Hải triệu tập hội nghị, truyền đạt tinh thần hội nghị lần thứ hai Quốc hội khóa 12, Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Trương Văn Đán tham dự hội nghị, đây là lần đầu tiên Trương Văn Đán xuất hiện với tư cách tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải.

Theo tờ "Đại Công báo", tháng 7 năm 2010 Trương Văn Đán được thăng quân hàm thiếu tướng. Trước Trương Văn Đán, tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải do thiếu tướng Ngụy Học Nghĩa đảm nhiệm.

Chủ nhiệm Chính trị Hạm đội Nam Hải, Niếp Thủ Lễ trước đó đảm nhiệm chính ủy một căn cứ của Hạm đội Nam Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 2013, tờ "Nhật báo Trạm Giang" cho biết, tối ngày 4 tháng 11 cùng năm, để chúc mừng biên đội tham gia diễn tập đối kháng thực binh "Cơ động-5" khải hoàn, tại một buổi liên hoan văn nghệ tổ chức ở Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Niếp Thủ Lễ lần đầu tiên xuất hiện với tư cách Chủ nhiệm Chính trị Hạm đội Nam Hải.

Trưởng ban hậu cần Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Điền Chiêm Hân lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí vào ngày 14 tháng 7 năm 2013. Theo bài báo, tại một buổi lễ về Biển Đông do lực lượng hàng không Hạm đội Nam Hải tổ chức, trưởng ban hậu cần Điền Chiêm Hân tham dự, quân hàm của ông khi đó là đại tá. Trong một bài báo của "Nhật báo Trạm Giang" vào tháng 7 năm 2014, quân hàm của Điền Chiêm Hân là thiếu tướng.

Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Trương Văn Đán, sinh tháng 1 năm 1958, người Phú Dương, Chiết Giang, Trung Quốc, từng làm thuyền trưởng, chủ nhiệm Trung tâm huấn luyện tàu chiến Hạm đội Nam Hải, chi đội trưởng chi đội thuyền máy hải quân, Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải.
Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Trương Văn Đán, sinh tháng 1 năm 1958, người Phú Dương, Chiết Giang, Trung Quốc, từng làm thuyền trưởng, chủ nhiệm Trung tâm huấn luyện tàu chiến Hạm đội Nam Hải, chi đội trưởng chi đội thuyền máy hải quân, Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải.

Phó tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Lý Hiểu Nham bắt đầu nhậm chức này vào tháng 10 năm 2012, trước đó, Lý Hiểu Nham từng làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải. Theo tờ "Đông phương buổi sáng", Lý Hiểu Nham từng làm chỉ huy đầu tiên của tàu sân bay Liêu Ninh vào năm 2011.

Phó tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, thiếu tướng Du Mãn Giang trước đây từng làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội Bắc Hải. Theo tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 19 tháng 6 năm 2014: "Ngày 12 tháng 6, biên đội tàu chiến huấn luyện biển xa Hạm đội Nam Hải chạy ở vùng biển Tây Thái Bình Dương có kế hoạch cùng ngày thực hiện huấn luyện bắn đạn thật pháo chính đối hải, Phó tham mưu trưởng Hạm đội Bắc Hải Du Mãn Giang làm chỉ huy biên đội này".

Ngày 31 tháng 12 năm 2014, bài báo của tờ "Nhật báo Trạm Giang" lần đầu tiên công khai ông Du Mãn Giang nhậm chức "xuyên đại quân khu".

Hạm đội Nam Hải thành lập năm 1949, là một trong ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc, biên chế cấp phó đại quân khu.

Trung Quốc tăng cường lực lượng tìm kiếm cứu nạn Biển Đông

Theo tờ "Nhật báo Tinh Đảo" ngày 31 tháng 12 và các tờ báo điện tử khác của Trung Quốc, trong thời điểm tàu khu trục USS Sampson Mỹ được điều đến biển Java hỗ trợ tìm kiếm máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích, Trung Quốc cũng điều tàu hộ vệ tên lửa "thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông" tên là Hoàng Sơn số hiệu 570 cùng với máy bay của Không quân Trung Quốc đi tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Ngoài ra, theo “Nhật báo Tinh Đảo”, ngày 29 tháng 12 năm 2014, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trung Quốc Dương Truyền Đường chủ trì hội nghị khẩn cấp tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển Trung Quốc, quyết định điều tàu Hải tuần-31, tàu Nam Hải Cứu-101, tàu Nam Hải Cứu-115 đi tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Được biết, tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn là tàu Type 054A, thuộc Hạm đội Nam Hải, dài 134 m, rộng 16 m, lượng giãn nước đầy hơn 4.000 tấn. Từng tham gia biên đội hộ tống tốp thứ 2 và 13 đến vịnh Aden và vùng biển Somalia. Từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 23 tháng 6 năm 2014, tàu này cùng với tàu chiến các nước Nga, Đan Mạch, Na Uy đã tổ chức liên hợp nhiệm vụ hộ tống vận chuyển vũ khí hóa học của Sirya bằng đường biển.

Theo “Nhật báo Tinh Đảo”, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển Trung Quốc dựa vào yêu cầu "Công ước tìm kiếm cứu trợ trên biển quốc tế năm 1979", được thiết lập vào năm 1989, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, nhằm thống nhất tổ chức và điều phối công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển toàn quốc, công việc hàng ngày trong thời bình do Cục Hàng hải đảm nhiệm, một khi xuất hình tình huống khẩn cấp, thì có thể do Bộ trưởng Giao thông chủ trì để nâng cao hiệu suất chỉ huy phối hợp.

Trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển Trung Quốc từng cùng với Trung tâm phối hợp cứu viện trên biển Hồng Kông và Hiệp hội tìm kiếm cứu nạn Trung Hoa của Đài Loan tổ chức diễn tập mô phỏng tìm kiếm cứu nạn liên hợp ở Biển Đông tại Hải Khẩu vào năm 2013 nhằm chuẩn bị cho ba bên có thể phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa trên biển ở khu vực đảo Đông Sa trong tương lai.

Trong 39 tuyến đường hàng hải chủ yếu thông với nước ngoài của Trung Quốc, có 21 tuyến đường đi qua Biển Đông; 80% nhập khẩu dầu mỏ và 60% vận chuyển buôn bán với bên ngoài của Trung Quốc cũng đi qua Biển Đông. Tàu cá thường xuyên hoạt động trên Biển Đông lên tới trên 20.000 chiếc, thuyền viên là 200.000 người.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Việt Nam

Báo Trung Quốc viết về khả năng tấn công của tàu ngầm Việt Nam

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 31 tháng 12 đăng bài viết không hề e ngại, đăng bài viết có tính chất kích động rõ ràng với tiêu đề là "Báo Nga: Tàu ngầm Việt Nam có thể tấn công Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải, đối phó sự phong tỏa của Trung Quốc".

Dẫn mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 30 tháng 12, báo Trung Quốc cho rằng, 6 tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam mua của Nga rất có thể sẽ được sử dụng khi quân đồn trú của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) bị phong tỏa.

Theo bài báo, Hải quân Việt Nam đã nhận được 3 tàu ngầm lớp Kilo. Chúng trang bị toàn bộ tên lửa hành trình ZM-14E Club-S. Tầm bắn lớn nhất của loại tên lửa này là 280 km, có thể đánh tới thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông - nơi đặt Bộ Tư lệnh Hạm đội Nam Hải của Quân đội Trung Quốc. Đảo Hải Nam - nơi đặt căn cứ hải quân chủ yếu của Trung Quốc cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa trang bị cho tàu ngầm Việt Nam. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Kilo còn có thể sử dụng ngư lôi GE2-01 tấn công tàu Trung Quốc.

Nhưng, Hải quân Trung Quốc có một số "thủ đoạn", có thể chống lại "mối đe dọa mới" từ tàu ngầm Việt Nam. Trung Quốc đã điều 3 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Tấn Type 094 tới đảo Hải Nam, ứng phó với các cuộc xung đột tiềm tàng có thể nổ ra do quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trung Quốc sẽ còn triển khai (bất hợp pháp) tàu ngầm hạt nhân lớp Thương Type 093 ở vùng biển Trường Sa "khi cần thiết".

Bài báo cho rằng, mặc dù tàu ngầm lớp Kilo của việt Nam có ưu thế về năng lực tấn công các mục tiêu mặt đất và chống hạm, nhưng công dụng thực sự của chúng hoàn toàn không phải là để đối phó tàu ngầm địch.

Quân cảng của Trung Quốc xuất hiện nhiều tàu ngầm (do dân mạng tuyên truyền)
Quân cảng của Trung Quốc xuất hiện nhiều tàu ngầm (do dân mạng tuyên truyền)

Hơn nữa, bài báo đe dọa rằng, Trung Quốc sử dụng tàu ngầm Nga đã có một khoảng thời gian tương đối dài (đáng chú ý là Nga cũng từng dùng tàu ngầm lớp Kilo trong các cuộc tập trận chung với Trung Quốc), hiểu sâu về điểm yếu của tàu ngầm lớp Kilo. Vì vậy, một khi nổ ra xung đột quân sự, Hải quân Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn để làm "trọng thương" tàu ngầm Việt Nam.

Đài Loan lớn tiếng tuyên bố "bảo vệ chủ quyền" ở Biển Đông

Tờ "Đại Công báo" Hồng Kông ngày 30 tháng 12 dẫn báo Mỹ đưa tin, các quan chức Đài Loan bày tỏ quan tâm đến việc Việt Nam tăng cường triển khai quân sự ở các đảo, đá ngầm trên Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh, sẽ kiên trì cái gọi là "bảo vệ chủ quyền", đồng thời nắm bắt sự thay đổi của tình hình.

Khi bị chất vấn ở Ủy ban ngoại giao và quốc phòng thuộc Viện lập pháp (Quốc hội), Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh ngày 29 tháng 12 tuyên bố, Việt Nam triển khai tên lửa vác vai trên đảo Sơn Ca ở Biển Đông. "Nhưng chúng tôi cũng đã tính, khoảng cách của tên lửa vác vai có bán kính 5 km, đảo Thái Bình (tức đảo Ba Bình của Việt Nam bị Đài Loam xâm chiếm) cách vị trí của họ một đoạn, trong bán kính này, không ảnh hưởng đến tuyến đường cất hạ cánh của chúng ta".

Theo Nghiêm Minh, nếu Việt Nam thực sự tiếp tục triển khai quân sự trên đảo Sơn Ca trong tương lai, Đài Loan cũng sẽ "đáp trả". Được biết, đảo Sơn Ca của Việt Nam cách đảo Ba Bình (Đài Loan xâm chiếm) khoảng 11 km. Bài báo cho rằng, gần đây, Việt Nam thể hiện thái độ "cứng rắn hơn" trên Biển Đông.

Ủy viên lập pháp thuộc Quốc Dân Đảng, Đài Loan là Trần Trấn Tương cho rằng, Việt Nam mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông nhất định có mục đích, hiện nay mới chỉ là bắt đầu.

Theo Trần Trấn Tương: "Tiếp theo, họ nhất định từng bước tăng cường, còn hành động của chúng ta (Đài Loan)? Điều tôi quan tâm một là tìm hiểu địch tình, hai là tất cả hành động của chúng ta". Bài báo cho biết, quân đồn trú trên đảo Ba Bình có tính chất tác chiến độc lập, một khi xảy ra chiến tranh, đảo Đài Loan cách xa tới 1.600 km căn bản không đến kịp, cho nên, độc lập cố thủ là một tính toán đầu tiên.

Nghiêm Minh - Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan
Nghiêm Minh - Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh cho rằng, "phòng thủ" đảo Ba Bình bất kể là tàu vận chuyển tiếp tế, nhiệm vụ tiếp viện đường không, đều có tình huống sẵn sàng ứng phó khẩn cấp và phương pháp xử trí.

Ủy viên lập pháp Dân Tiến Đảng Đài Loan là Khâu Chí Vĩ cho rằng, Việt Nam rất nhanh sẽ triển khai tên lửa vác vai ở đảo Sơn Ca, mục tiêu chính là đảo Ba Bình gần đó. "Ảnh hưởng trực tiếp đến cân bằng và không khí quân sự của Biển Đông, cho nên chúng ta đương nhiên thông qua hệ thống ngoại giao để giao thiệp với Chính phủ Việt Nam và phản ứng, tìm hiểu động cơ và ý đồ của họ".

Khâu Chí Vĩ cho rằng, đối chiếu Việt Nam tăng cường bố trí quân sự, Đài Loan nên cân nhắc gia tăng lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) ở đảo Ba Bình, thậm chí tiến hành các hoạt động (bất hợp pháp) như xây hải đăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Minh cho hay, Chính phủ Đài Loan nhất định sẽ kiên trì cái gọi là "bảo vệ chủ quyền", đã nắm chắc tình hình Việt Nam triển khai quân sự. Một báo cáo điều tra riêng biệt do "Viện giám sát" Đài Loan vừa hoàn thành cho thấy, Trung Quốc, Việt Nam những năm gần đây xây dựng các công trình quân sự trên 12 đảo đá ngầm, có lợi cho hai bên bố trí vũ khí trang bị và mở rộng phạm vi tấn công (hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp).

Bộ Quốc phòng Đài Loan đã có kế hoạch tác chiến tiếp ứng binh lực "bảo vệ biên cương". Từ năm 2013 đến nay, Quân đội Đài Loan đã tiến hành nhiều hoạt động diễn tập quân sự có kế hoạch, do binh sĩ đánh bộ triển khai trên tàu chiến hải quân, tiến hành huấn luyện đột kích đổ bộ đảo nhằm vào đảo Ba Bình (hành động này là bất hợp pháp).

Bến cảng mà Đài Loan mở rộng bất hợp pháp ở đảo Ba Bình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, khi đó sẽ có thể đậu tàu lớp 3.000 tấn, ngoài ra Đài Loan còn có kế hoạch xây dựng bất hợp pháp hải đăng ở đảo Ba Bình.

Máy bay vận tải C-130 của Đài Loan tiếp tế bất hợp pháp ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Máy bay vận tải C-130 của Đài Loan tiếp tế bất hợp pháp ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Đề nghị hợp tác gì từ giới học giả Trung-Đài?

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 30 tháng 12 đăng bài viết "Học giả hai bờ cùng viết báo cáo đề xuất kiến nghị hợp tác Biển Đông giữa hai bờ".

Theo bài viết, "Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông năm 2013" (gọi tắt là Báo cáo) do học giả nghiên cứu Biển Đông hai bờ (Trung Quốc và Đài Loan) tham gia hoàn thành vào ngày 30 tháng 12 năm 2014 đã chính thức xuất bản phát hành, đề xuất những lĩnh vực trọng điểm mà hai bờ có thể hợp tác ở Biển Đông.

Theo Báo cáo, tăng cường hợp tác nghiên cứu Biển Đông giữa học giả Trung-Đài, thúc đẩy hợp tác “khảo cổ” nghiên cứu khoa học Biển Đông hai bờ, tăng cường giao lưu và hợp tác văn hóa Biển Đông hai bờ, hoàn thiện mô hình hoạt động sản xuất đánh bắt cá hai bờ và xây dựng chuỗi ngành du lịch biển hai bờ là các lĩnh vực trọng điểm hợp tác Biển Đông giữa hai bờ.

"Báo cáo" do Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn và nhà nghiên cứu Lưu Phục Quốc, Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế, Đại học chính trị Đài Loan cùng lập kế hoạch và làm chủ biên, hơn 10 chuyên gia, học giả hai bờ cùng tham gia viết.

Báo cáo tổng cộng có hơn 200 trang, hơn 100.000 chữ, chia làm 11 chương, lần lượt gồm các nội dung như hành động chính sách Biển Đông của Trung Quốc, hành động chính sách Biển Đông của Đài Loan, xu hướng chính sách Biển Đông của ASEAN, hành động chính sách Biển Đông của Việt Nam, hành động chính sách Biển Đông của Philippines, hành động chính sách Biển Đông của Malaysia-Indonesia-Brunei, xu hướng chính sách Biển Đông của Mỹ, xu hướng chính sách Biển Đông của Nhật Bản-Australia-Ấn Độ, triển vọng hợp tác Biển Đông và kiến nghị đối sách hợp tác Biển Đông của hai bờ, đồng thời có kèm theo "đại sự" Biển Đông năm 2013.

Trong thời gian hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, tàu thuyền Chính phủ Trung Quốc ngang nhiên đâm va, tấn công tàu thuyền Việt Nam tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Trong thời gian hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, tàu thuyền Chính phủ Trung Quốc ngang nhiên đâm va, tấn công tàu thuyền Việt Nam tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Báo cáo cho rằng, năm 2013 tình hình Biển Đông Biển Đông thay đổi mới, trong tương lai “bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông” đang đứng trước thách thức mới.

Báo cáo ngang nhiên và xuyên tạc cho rằng, "tính hai mặt" của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông làm cho khả năng hợp tác trên biển và cùng khai thác của hai nước Trung-Việt “không lớn” trong tương lai gần.

Báo cáo cho rằng, Philippines ngoài việc đã đệ trình vụ kiện trọng tài, cũng đã tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, áp dụng chính sách “đối đầu” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Báo cáo cho rằng, các nước như Malaysia, Indonesia và Brunei đứng trước sự thay đổi của tình hình Biển Đông, đều điều chỉnh chính sách Biển Đông của họ để ứng phó, đồng thời cũng tích cực tiến hành đàm phán vấn đề Biển Đông.

Báo cáo phân tích, năm 2013 Mỹ thông qua các loại thủ đoạn, tiếp tục can thiệp tranh chấp Biển Đông, mối quan tâm tới vấn đề Biển Đông của Quốc hội và các cơ quan nghiên cứu Mỹ cũng “tăng lên một cách đồng bộ”.

Báo cáo cho rằng, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn Biển Đông, mở rộng hợp tác an ninh hàng hải ở Biển Đông, thúc đẩy xây dựng kết nối trên biển, tiếp tục tìm kiếm "cùng khai thác" tài nguyên dầu khí và thúc đẩy hợp tác nghề cá Biển Đông là trọng điểm hợp tác Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.

Đây là năm thứ tư chuyên gia hai bờ liên tục cùng viết "Báo cáo đánh giá tình hình khu vực Biển Đông" kể từ tháng 8 năm 2011 đến nay.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm húc tàu Việt Nam
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm húc tàu Việt Nam

Đại sứ Mỹ tại ASEAN chỉ trích Trung Quốc độc đoán ở Biển Đông

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 2 tháng 1 năm 2015 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian cho biết, tại Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN vừa qua, Tổng thống Barack Obama tiếp tục tái khẳng định quan hệ Mỹ-ASEAN là một bộ phận quan trọng của “tái cân bằng chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ. Hợp tác Mỹ-ASEAN trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Đại sứ Nina Hachigian nhắc tới tiến trình dân chủ ở Myanmar, vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong đó có Biển Đông. Cho rằng, ASEAN đã nhiều lần tái khẳng định quan ngại đối với vấn đề Biển Đông (do Trung Quốc khiêu khích gây bất ổn)… Những vấn đề khu vực như vậy đòi hỏi các nước thành viên cần hợp tác cùng ứng phó. Cho rằng, ASEAN đang quan tâm, phát huy vai trò trong các vấn đề khu vực, quốc tế và toàn cầu.

Theo bà Nina Hachigian, một ASEAN thống nhất phù hợp với lợi ích của Mỹ. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất cũng có lợi cho bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ trước đây, bà Nina Hachigian từng nhấn mạnh, Trung Quốc ngày càng “độc đoán” trong vấn đề Biển Đông. Bà Nina cho biết, Mỹ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc áp dụng nhanh chóng các biện pháp có hiệu quả, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), làm dịu quan hệ căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Mỹ thúc giục các bên giữ kiềm chế, không nên làm cho những tranh chấp này thêm phức tạp hoặc tiếp tục gay gắt.

Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Tai Hội nghị cấp cao Đông Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama cũng tái khẳng định, tự do, đi lại không trở ngại, hòa bình và ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông đều là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Chủ trương chủ quyền phải “phù hợp với luật pháp quốc tế”, Mỹ thúc giục các bên dùng phương thức hòa bình để xử lý tranh chấp, chứ không áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đe dọa hoặc quân sự khác.

Trong năm 2015, Đại sứ Mỹ Nina Hachigian đã cho biết những vấn đề ưu tiên xử lý quan hệ với ASEAN của Mỹ, trong đó có bảo vệ biển, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, vấn đề Biển Đông; cho biết, đội ngũ của bà sẽ nỗ lực để xây dựng một Đông Nam Á “pháp trị, hòa bình và giàu mạnh”.

Một số thông tin khác về Việt Nam trên báo Trung Quốc

Ngoài những thông tin trên, nhiều thông tin khác về Việt Nam cũng được truyền thông Trung Quốc quan tâm. Đáng chú ý, thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu chấn chỉnh nhà thầu Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc cho đây là một điều rất “mất mặt”, đáng xấu hổ khi làm việc chất lượng kém.

Ngoài ra, theo báo Trung Quốc, năm 2014, rau quả Việt Nam xuất siêu 956 triệu USD. Về du lịch, năm 2014 Việt Nam đạt khoảng 7,87 triệu lượt khách quốc tế (mục tiêu là 8 triệu lượt khách quốc tế), nguyên nhân do bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như sự cố hàng không, Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 ở vùng biển chủ quyền Việt Nam, thu nhập ngành du lịch đạt 230.000 tỷ đồng (khoảng 66,7 tỷ nhân dân tệ); mục tiêu năm 2015 đạt khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 ngàn tỷ đồng.

Gần đây, các sự cố liên tiếp xảy ra cho thấy, công trình đường sắt trên cao do nhà thầu Trung Quốc xây dựng rất nguy hiểm
Gần đây, các sự cố liên tiếp xảy ra cho thấy, công trình đường sắt trên cao do nhà thầu Trung Quốc xây dựng rất nguy hiểm

Theo báo Nga, trong kỳ nghỉ dài ngày năm 2015, cảnh sát Moscow bị yêu cầu chỉ được phép đến 3 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc và Cuba nghỉ ngơi. Vào tháng 5 năm 2014, Bộ Nội vụ Nga cũng đã liệt kê danh sách các quốc gia cấm cán bộ nhân viên đến, trong đó có Mỹ và đa số các nước châu Âu.

Phía Nga cho biết, họ thực hiện hạn chế du lịch, do lo ngại khả năng để lộ bí mật quốc gia. Trong tháng 10 năm 2014, Chính phủ Nga đã thảo luận và thông qua luật cấm tất cả những cán bộ nhân viên tiếp xúc với bí mật quốc gia cấp 2 trở lên ra nước ngoài.

Nếu luật thông qua sẽ liên quan đến hầu hết lãnh đạo của rất nhiều bộ sức mạnh như Cục an ninh Liên bang, Bộ Nội vụ.

Đông Bình