Lá đơn của một phụ huynh tại tỉnh An Giang xin nhà trường cho con được nghỉ học buổi chiều đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/1 đã nhận được sự quan tâm khá lớn của bạn đọc.
Thời khóa biểu học 2 buổi/ngày được xếp các tiết học chính khóa và tăng cường sáng chiều lẫn lộn của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV) |
Không ít phụ huynh tỏ ra đồng tình với lý do phụ huynh An Giang đưa ra để xin cho con chỉ phải học một buổi: “Con tôi ở lại lớp cũng được, đội sổ cũng được.
Chúng tôi không muốn những đứa trẻ cứ cắm đầu vào học rồi cứ lơ ngơ như gà công nghiệp. Trẻ con, phải phát triển thể chất, học làm người, rồi mới đến kiến thức sách vở...”.
Dù thế, phụ huynh sẽ vô cùng khó khi xin nhà trường chấp nhận cho con mình chỉ học một buổi. Bởi vì:
Nhiều trường xếp lịch học chính khóa đan xen cả buổi sáng lẫn buổi chiều
Về nguyên tắc, dạy 2 buổi/ngày thì buổi sáng sẽ học thời khóa biểu chính khóa (những môn học bắt buộc của chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Buổi chiều sẽ được bố trí học sinh học những môn bổ sung theo định hướng phát triển năng lực (kiểu học phân hóa theo sở thích của các em).
|
Thế nhưng hầu như các trường học dạy 2 buổi/ngày hiện nay, không xếp lịch thời khóa biểu như thế.
Những tiết dạy chính khóa được xếp lẫn lộn cả buổi sáng lẫn buổi chiều.
Và những tiết học bổ sung cũng không theo nhu cầu của học sinh mà chẳng khác gì kiểu học thêm đại trà tập trung nhiều ở một số môn được coi là môn chính như môn Toán, tiếng Việt (tiểu học), Anh văn, Lý hóa...(các bậc học còn lại).
Bởi thế, phụ huynh nào chỉ muốn con mình đi học một buổi cũng không thể được.
Vì, nếu đi học một buổi sẽ có một số môn học bắt buộc không được học và sẽ không có căn cứ để đánh giá, nhận xét vào cuối học kỳ, cuối năm.
Chương trình mới được xây dựng học 2 buổi/ngày
|
Chương trình hiện hành được xây dựng dạy học theo quy định 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần).
Thế nhưng nhiều trường học vẫn tổ chức việc dạy 2 buổi/ngày với việc học toán, tiếng Việt, Anh văn... dày đặc.
Nay Chương trình mới lại được xây dựng học theo 2 buổi/ngày thì việc học sinh đi học 2 buổi đương nhiên sẽ là bắt buộc.
Vấn đề cần bàn đến là, nhà trường sẽ tổ chức buổi 2 như thế nào cho hiệu quả để học sinh thật sự vui, thật sự hứng thú mỗi khi đến trường?
Tổ chức dạy thế nào để thật sự là dạy học phân hóa theo năng lực, sở thích đúng như mục tiêu đưa ra để phát triển năng lực cho các em?
Hay vẫn “lối cũ ta về” sáng học văn hóa, chiều vẫn là những tiết văn hóa bổ sung dạy và học đại trà như hiện nay?
Đây chính là bài toán khó nếu không thật sự đầu tư thì nhà trường và mỗi giáo viên cũng khó mà thực hiện tốt.
Và những đứa trẻ vẫn mãi mãi đến trường chỉ chúi đầu chúi mũi học, học và học đến mệt mỏi, ngao ngán mà thôi.