Ngày 5/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hồng Sơn đã ký tờ trình 4105/TTr-GDĐT-TC, về việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tờ trình này gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị ban hành quy định mới để quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Học sinh học thêm không quá 18 tiết/tuần
Theo tờ trình này, đối với việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Mỗi lớp học sẽ không quá 45 học sinh. Dạy thêm, học thêm được tổ chức trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không học thêm vào ngày chủ nhật, các ngày lễ, tết.
Học sinh không học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần, học không quá 18 tiết mỗi tuần, học sinh được lựa chọn giáo viên, môn học theo đúng nguyện vọng của mình.
Một hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Thu tiền học thêm là sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, nhưng không được vượt quá mức trần.
Trường tổ chức thu, chi, công khai việc thanh toán, quyết toán tiền học thêm của học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường.
Giáo viên đứng lớp sẽ không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng nhà trường, được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.
Dạy thêm ngoài nhà trường: Phải đảm bảo an toàn cho người học, người dạy
Đối với việc dạy thêm ngoài nhà trường: Mức thu tiền học phí phải là sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức việc dạy thêm, học thêm.
Tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức việc dạy thêm, học thêm phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm. Công khai mức thu tiền học thêm, cấp biên lai đầy đủ cho người đóng tiền học theo quy định.
Giáo viên Sài Gòn sẽ không được xét hoàn thành nhiệm vụ nếu vi phạm dạy thêm |
Các tổ chức, cá nhân có tổ chức dạy thêm, học thêm phải cam kết với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, nơi có đặt địa điểm dạy thêm, học thêm là phải đảm bảo an toàn cho cả người dạy, người học, an toàn phòng cháy chữa cháy, không gây ách tắc giao thông, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đề nghị Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn mức thu, quy định rõ mức trần học phí học thêm, dạy thêm trong nhà trường, nội dung chi tiền học thêm, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính, công tác thu, chi từ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân cấp trên trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, phổ biến, chỉ đạo, nhắc nhở việc thực hiện các quy định này.
Phối hợp với các ban ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra nội dung này, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền, hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Tổng hợp kết quả thực hiện khi kết thúc năm học, hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.
Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh thanh tra hành chính đối với các tổ chức, cá nhân, cơ quan thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố đối với các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm.