Đinh Tiên Hoàng với hành trình 3 thập niên dạy học sinh không nơi nào dám nhận

13/10/2019 07:15
Thùy Linh
(GDVN) - Trường Đinh Tiên Hoàng thành lập nhằm tiếp nhận học sinh bị xếp loại yếu kém văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường công lập từ chối.

Ngày 12/10, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội tổ chức hội thảo “30 năm mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng và giải pháp đổi mới giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông hiện nay”. 

Dự hội thảo có Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều chuyên gia tâm lý. 

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, ôn lại chặng đường 3 thập niên hình thành và phát triển nhà trường. 

Tháng 10/1989, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng được thành lập nhằm thu nhận những học sinh không được vào trường công lập hoặc đang học tại các trường công lập xếp loại yếu kém văn hóa, đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường từ chối không cho học, có thể được tiếp tục học ở trường.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, ôn lại chặng đường 3 thập niên hình thành và phát triển nhà trường. (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, ôn lại chặng đường 3 thập niên hình thành và phát triển nhà trường. (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Lâm cho biết, những năm đầu thành lập, nhà trường thực hiện “mô hình giáo dục đặc biệt”. Nhà trường tiếp nhận học sinh gồm 60% học sinh yếu kém về khả năng học tập văn hóa. Số còn lại là các học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh gia đình.

Để phù hợp với đời sống thực tế hiện nay, từ năm 2015, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng đã chuyển từ mô hình giáo dục đặc biệt sang mô hình không chọn lọc đầu vào. Mô hình giáo dục của trường dựa trên mô hình đánh giá chất lượng giáo dục của UNESCO “giáo dục cho mọi người”.

Mục tiêu của nhà trường không phải bắt học sinh trở thành những học sinh khá, giỏi để chen chân vào các trường đại học mà mục tiêu trên hết của giáo dục ở Đinh Tiên Hoàng phải cho học sinh “nên người” trở thành những người tử tế. 

Đến trường để biết cách trở thành những người tử tế

Từ đó, học sinh Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng đã có kết quả đáng khích lệ.

Học sinh biết tự học, tự rèn, tự phát triển năng lực phẩm chất, năng lực đạt mục tiêu cấp học. Học sinh sau tốt nghiệp được xã hội tin tưởng, sử dụng.

Với đặc thù học sinh như vậy nên Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng cũng là trường đầu tiên ở Hà Nội có bộ phân chuyên trách về tư vấn tâm lý cho học sinh và hoạt động rất có hiệu quả trong hàng chục năm qua, được nhiều nơi học tập kinh nghiệm. 

Giáo viên chủ nhiệm trường Đinh Tiên Hoàng luôn chu ý rèn học sinh của mình theo mô hình văn hóa của nhà trường, chú ý rèn học sinh trong tinh thần học hỏi, hợp tác và từ năm 2018 nhà trường đã bắt đầu xây dựng chương trình giáo dục “Lớp học hạnh phúc”. 

Theo thầy Lâm thông tin, đến nay, hơn 10.000 học sinh Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, một số vào đại học, cao đẳng (khoảng 40%), một số học trường nghề, rồi tự ra lập nghiệp.

Nhiều cựu học sinh của trường đều nhìn nhận khi học tập tại trường, họ đã có môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, được nhận sự tin yêu của các thầy cô giáo, của bạn bè. Đó là điều hiếm hoi với những học sinh được xem là “cá biệt” lúc đó.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, từ những thành công của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng khi chuyển từ mô hình giáo dục đặc biệt đến mô hình giáo dục "không chọn lọc đầu vào” đã cho thấy, trong bất kỳ điều kiện nào, các nhà trường cũng phải chăm lo việc dạy người, đặt việc dạy người lên hàng đầu để đảm bảo công bằng trong giáo dục. 

“Một nền giáo dục tiên tiến là nền giáo dục phải chăm lo, ưu tiên cho những học sinh gặp khó khăn”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh quan điểm.

Thùy Linh