LTS: Nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Đặng Việt Thủy chia sẻ bài viết về tinh thần đoàn kết quốc tế - một nhân tố quan trọng trong chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam với mục tiêu chính nghĩa, khát vọng độc lập tự do, tự thân đã tạo ra sức mạnh vượt trội.
Tuy nhiên, sức mạnh đó sẽ được nhân lên gấp bội lần, tính chính nghĩa càng tỏa sáng nếu được thế giới ủng hộ, động viên và cổ vũ.
Ngay từ đầu của cuộc kháng chiến, Đảng ta đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới.
Vì thế, gắn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với phong trào cách mạng thế giới, với các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của bè bạn, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mục tiêu chiến lược của cuộc kháng chiến.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ - một cường quốc có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội so với nước ta, lại chưa hề nếm mùi bại trận trong lịch sử 200 lập quốc - ngoài sức mạnh nội lực của toàn thể dân tộc, phát huy các nhân tố quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới cho cuộc kháng chiến mà chúng ta xác định là sẽ vô cùng khốc liệt, gian khổ.
Quân giải phóng tiến vào chiếm dinh Độc Lập giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975 Ảnh: TL/Baolamdong.vn |
Bên cạnh những nhân tố quốc tế thuận lợi, trong việc tranh thủ sức mạnh thời đại còn không ít những trở ngại, thách thức mà ta cần và đã tính tới là: Mỹ là đế quốc giàu và mạnh nhất thế giới, tâm lý sợ Mỹ và e ngại sức mạnh Mỹ khá phổ biến, nhất là ở các nước thế giới thứ ba.
Trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là giữa hai nước lớn, trụ cột (Liên Xô, Trung Quốc) có mâu thuẫn, bất đồng ngày càng gay gắt. Liên minh chiến đấu với các nước bạn có những khó khăn nhất định...
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần phát huy nhân tố quốc tế - yêu cầu khách quan, mục tiêu chiến lược của cuộc kháng chiến.
Trước hết, cần không ngừng củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, phải tranh thủ sự giúp đỡ về mặt quân sự của các nước anh em tới mức cao nhất, trên cơ sở có lợi cho công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Thứ hai, tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, trở thành một khối thống nhất có một chiến lược chung.
Thứ ba, ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh và cả thế giới.
Thứ tư, kiên quyết cùng các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới tiếp tục chung sức đấu tranh để bảo vệ, củng cố hòa bình, chống lại chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa, là hậu phương quốc tế, sự hậu thuẫn vững chắc, nhân tố quốc tế số một, quan trọng nhất đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa là một đảm bảo chắc chắn nâng cao thế và lực cho cuộc kháng chiến.
Trong điều kiện giữa các nước xã hội chủ nghĩa có lúc xảy ra bất đồng, Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc nhưng bằng những nỗ lực cao độ, những bước đi, sách lược linh hoạt, Đảng và Nhà nước ta đã thành công trong việc tranh thủ Liên Xô, Trung Quốc và câc nước xã hội chủ nghĩa từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường, quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta.
Các nước xã hội chủ nghĩa đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách toàn diện.
Mỗi bước phiêu lưu, mỗi tính toán leo thang chiến tranh, nhà cầm quyền Mỹ đều phải cân nhắc phản ứng của Liên Xô, Trung Quốc và của các nước xã hội chủ nghĩa.
Xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu/ Bqllang.gov.vn |
Việt Nam đã tận dụng vai trò quan trọng của các nước anh em trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các tổ chức dân chủ, hòa bình, với phong trào giải phóng dân tộc.
Việt Nam tranh thủ được các nguồn viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại, lương thực, ngoại tệ... và đặc biệt là viện trợ quân sự của cả Liên Xô và Trung Quốc.
Sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, to lớn về khối lượng, đa dạng, phong phú về chủng loại, kịp thời theo yêu cầu chiến đấu của Việt Nam đã tạo ra cho cuộc kháng chiến của ta một sức mạnh cần và đủ để hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ, bảo đảm cho quân và dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương xây dựng trên nguyên tắc "hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền" và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, không ngừng được củng cố, vun đắp vì lợi ích chung.
Đông Dương là một chiến trường. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba chiến trường Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam đã buộc quân dịch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho mỗi nước, cho chiến trường chính miền Nam Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quân sự, mở các cuộc tiến công chiến lược tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ vững, mở rộng những địa bàn đứng chân của ta và căn cứ của bạn.
Một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia là tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - tuyến giao thông huyết mạch đã đứng vững, bất chấp sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù, làm tròn nhiệm vụ chi viện, nối liền chiến trường ba nước, gắn kết, nối liền hậu phương miền Bắc với các hướng chiến trường quan trọng.
Thành lập quân đoàn chủ lực, chuẩn bị cho cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 |
Tình đoàn kết gắn bó keo sơn, liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương đã thực sự phát huy vai trò to lớn, đóng góp vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân mỗi nước.
Phong trào giải phóng dân tộc và thế giới thứ ba đã ủng hộ to lớn về chính trị, cổ vũ tinh thần cho nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Những tấm gương tiêu biểu như hành động tự thiêu của anh No-man Mo-ri-sơn ở Mỹ để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền Mỹ, quân du kích ở Vê-nê-du-ê-la đã bắt một tên sĩ quan Mỹ giữa thủ đô Ca-ra-cát để đổi lấy mạng sống cho Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam, sự kiện Tòa án quốc tế Béc-tơ-răng Rút-xen xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, Hội nghị 50 nước của Phong trào không liên kết (Gioóc-giơ-tao năm 1972)... cho thấy sức mạnh của phong trào.
Trong lịch sử, có lẽ chưa có một phong trào quốc tế nào có phạm vi rộng lớn như Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, bao trùm cả năm châu lục, lan tỏa từ các nước xã hội chủ nghĩa đến các nước tư bản chủ nghĩa, tới các nước dân tộc độc lập, liên kết rộng rãi các xu hướng chính trị - xã hội trên thế giới vì Việt Nam mà đấu tranh.
Cuộc chiến tranh càng ác liệt và lan rộng thì sự ủng hộ của phong trào đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam càng mạnh mẽ.
Phong trào lên án giới cầm quyền Mỹ, thúc đẩy nhân dân Mỹ chống chiến tranh; ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của nhà cầm quyền có quân đội tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Lương tri loài người thức tỉnh. Cả loài người tiến bộ đứng về phía Việt Nam.
Bên cạnh sức mạnh to lớn của Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh rộng lớn, kiên cường và quyết liệt.
Trong những năm 1967-1968, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lan rộng chưa từng có. Thanh niên, sinh viên phản đối đi lính, đốt thẻ quân dịch, cựu binh vứt bỏ huân chương để phản đối chính phủ.
Nhiều cuộc biểu tình, diễu hành, hội thảo... được tổ chức trong 120 thành phố; 2.000 trường học, hàng trăm tờ báo và hơn 200 tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ tham gia phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam... đã làm rung chuyển Nhà Trắng.
Tiếp quản và làm chủ biển đảo Tổ quốc trong Tổng tiến công mùa Xuân 1975 |
Một nước Mỹ chia rẽ, một chính quyền chia rẽ, một xã hội chia rẽ. Một nhà bình luận quốc tế lúc đó đã nhận xét: "Lương tâm người Mỹ nổi giận".
Điều đó phản ánh một hiện thực: Đây là cuộc chiến tranh mất lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Phong trào dẫn đến sự phân hóa trong giới cầm quyền Mỹ, tạo thành một sức ép thường trực, đòi lập lại hòa bình, rút quân Mỹ, chống mở rộng, kéo dài chiến tranh.
Nếu như phong trào dân tộc, phong trào nhân dân thế giới có tác động gián tiếp đến nước Mỹ, thì phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh có tác động trực tiếp, khiến đế quốc Mỹ bị cô lập ngay tại nước Mỹ, rơi vào khủng hoảng triền miên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đây là "mặt trận thứ hai" chống đế quốc Mỹ, một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ, góp thêm một sức mạnh mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Tất cả những hoạt động trên đã trở thành nhân tố quan trọng tác động đến sự ổn định trong lòng nước Mỹ, làm cho giới cầm quyền Mỹ hết sức lúng túng, buộc phải liên tục thay đổi chiến lược điều hành chiến tranh, từ đó buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ngay sau Hiệp định Pa-ri, xuất phát từ bối cảnh quốc tế và tình hình cách mạng miền Nam, trong hoạt động đối ngoại giai đoạn này, Đảng ta chủ trương đẩy lùi khả năng Mỹ can thiệp trở lại; chuẩn bị dư luận quốc tế làm cho thế giới thấy Mỹ - Thiệu là kẻ phá hoại Hiệp định Pa-ri; tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới đối với việc ta quyết định đánh ngày càng mạnh, giải phóng miền Nam.
Khi xuất hiện thời cơ trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, ta phán đoán Mỹ không có khả năng can thiệp lại.
Song ta cũng dự kiến, dù Mỹ có can thiệp lại trong chừng mực nhất định thì chúng cũng không xoay chuyển được tình thế và ta vẫn thắng.
Phối hợp với hoạt động quân sự, chính trị góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng, trên măt trận đối ngoại, Đảng ta tiếp tục đề cao và phát huy vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời ở miền Nam và trên quốc tế; cử các phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thăm một số nước; vận động các nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (An-giê-ri, Ga-bông, Li-bi... thiết lập quan hệ ở cấp đại sứ với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào tháng 1 năm 1975)...
Thông qua các tổ chức tiến bộ, các nhân vật nổi tiếng ở Mỹ, các tổ chức quốc tế, ta đã tác động nhân dân Mỹ chống lại sự dính líu và can thiệp của Chính phủ họ vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, phân hóa chính quyền Sài Gòn với Mỹ, phân hóa nội bộ chính quyền Sài Gòn nhằm cô lập Thiệu, hạn chế sự phản kích của Mỹ, đẩy lùi khả năng Mỹ và các thế lực nước lớn tìm cách cản trở ta giải phóng miền Nam.
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc |
Trước những hành động lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, ta đã vận động các nước, các tổ chức quốc tế lên án Mỹ - Thiệu, ủng hộ việc đánh trả của ta là hành động bảo vệ chính đáng.
Ngày 3 tháng 1 năm 1975, Đảng Cộng sản Ấn Độ cực lực lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ dung túng đã phá hoại Hiệp định Pa-ri, đồng thời ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Đoàn chủ tịch Đảng Cộng sản Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) cũng ra tuyên bố lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm, phá hoại Hiệp định Pa-ri, đồng thời kêu gọi tất cả các lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước tăng cường đoàn kết với những người dân chủ ở miền Nam Việt Nam, đấu tranh đòi chấm dứt sự dính líu nguy hiểm của Mỹ ở miền Nam Việt Nam...
Ngày 27 tháng 1 năm 1975, khoảng 1.200 người thuộc 15 tổ chức, đoàn thể ở Ai-xơ-len đã tham gia tuần hành biểu thị sự đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Tại I-ta-li-a, tháng 1 năm 1975, hơn 3.000 người dân Thủ đô Rô-ma tham gia mít tinh ủng hộ Việt Nam.
Cuộc biểu tình thông qua nghị quyết đòi Mỹ chấm dứt can thiệp quân sự ở Việt Nam, đòi đánh đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; thành lập ở Sài Gòn một chính quyền nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri; đòi chính phủ I-ta-li-a phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; ủng hộ nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước...
Tại đất nước Xê-nê-gan ở châu Phi cũng có những hành động ủng hộ, biểu thị đoàn kết với Việt Nam như mở cuộc triển lãm về miền Nam Việt Nam, kêu gọi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri, tôn trọng chủ quyền của đất nước Việt Nam...
Ngay tại một số nước đồng minh của Mỹ trong "chiến tranh Việt Nam" như Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân... cũng phản ứng gay gắt trước hành động lấn chiếm, vi phạm Hiệp định Pa-ri của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Khắp nơi trên thế giới đều dấy lên phong trào mít tinh, biểu tình ủng hộ cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chính quyền Sài Gòn.
Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công lớn, hoạt động đối ngoại của ta đã rất thành công trong việc tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân và chính giới yêu chuộng hòa bình, công lý, làm cho họ hiểu rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, từ đó ủng hộ, cổ vũ hoặc ít nhất cũng không phản đối việc ta đánh mạnh hơn bằng cách giương cao ngọn cờ thi hành Hiệp định, chống phá hoại của chính quyền Thiệu.
Đến khi Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, về đối ngoại ta đã tranh thủ được sự đồng tình quốc tế bằng việc làm cho thế giới thấy rõ ta giải phóng miền Nam là phù hợp với nguyện vọng chính đáng của toàn thể dân tộc Việt Nam, với trào lưu dân tộc dân chủ trên thế giới.
Vì vậy, trong suốt quá trình diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ta vẫn tiếp tục nhận được sự đồng tình của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia anh em.
Phong trào nhân dân thế giới vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của quân và dân ta. Có thể kể một số sự kiện:
Ngày 27 tháng 3 năm 1975, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Phần Lan ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia; đòi Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân các nước Đông Dương.
Chính phủ An-ba-ni cũng ra tuyên bố "ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng đến thắng lợi hoàn toàn".
Nhân dân nhiều nước khác như Anh, Na-uy... tiếp tục tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam...
Trong thời gian này, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục viện trợ quân sự và hàng hóa cho ta với số lượng rất lớn.
Riêng Tiệp Khắc viện trợ cho Việt Nam năm 1975 tăng gần 2,5 lần so với năm 1974. Cộng hòa Dân chủ Đức ủng hộ 51.300 tấn hàng hóa (từ 3/1974 đến 3/1975)...
Ở các nước khác, phong trào ủng hộ cơ sở vật chất cho Việt Nam được phát triển mạnh mẽ.
Ngay khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã quyên góp được 7.290.000 yên để ủng hộ nhân dân Việt Nam. Na Uy ủng hộ 10.000 cuaron.
Ngày 1/4/1975, Hội Chữ thập đỏ quốc tế quyết định viện trợ khẩn cấp cho nhân dân các vùng mới giải phóng một triệu frăng Thụy Sĩ. Một số tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc cũng đã gửi hàng, tiền ủng hộ Việt Nam...
Trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, nhiều tổ chức khác trên thế giới cũng gửi tiền, lương thực, thuốc men đến giúp nhân dân ta ở các vùng mới giải phóng như: Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế, Hội Lưỡi liềm đỏ An-giê-ri, Hội Chữ thập đỏ và Tổng Liên đoàn lao động Phần Lan, tổ chức Hội phụ nữ Ốt-xtơ-rây-li-a, Hội đồng công nhân sản xuất nhạc cụ Nhật Bản, Tổ chức thanh niên Thụy Điển, Ủy ban quyên góp viện trợ khẩn cấp cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam của Thụy Điển...
Ngay sau khi ta giành chiến thắng, ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Thủ đô Xô-phi-a, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri đã ký Hiệp định viện trợ kinh tế không hoàn lại cho nhân dân miền Nam để ổn định đời sống và khôi phục kinh tế.
Có thể nói, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta mang tính thời đại và nhân văn sâu sắc. Phát huy nhân tố quốc tế vừa là mục tiêu chiến lược và cũng là yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến.
Sức mạnh quốc tế đã góp phần tạo ra một tập hợp lực lượng to lớn chưa từng thấy, bao vây, cô lập và tiến công đế quốc Mỹ từ mọi phía. Nhân tố quốc tế đã trở thành sức mạnh hiện thực của cuộc kháng chiến.
Việt Nam chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại.
Việt Nam đã chiến thắng do biết khai thác thế mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến để mở rộng và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Đoàn kết quốc tế đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tài liệu tham khảo:
- Đại thắng mùa Xuân 1975 - Chiến thắng của sức mạnh Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.
- Bộ Quốc phòng - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2011.