Vài năm trở lại đây nhiều tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện tốt việc dồn ghép, sáp nhập trường.
Những trường dưới 10 lớp và trên 10 lớp trong cùng một địa bàn nên có sự sáp nhập để tránh lãng phí ( Ảnh minh họa: TTXVN) |
Việc làm này đã tiết kiệm được biên chế, tăng cường việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng dạy và học.
Sự lãng phí khi một trường học chỉ trên dưới 10 lớp
Theo quy định hướng dẫn định mức biên chế ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì bậc tiểu học ở vùng trung du, đồng bằng, thành phố:
Trường hạng 1 sẽ có từ 28 lớp trở lên, trường hạng 2 có từ 18-27 lớp, trường hạng 3 thì dưới 18 lớp.
Trong thực tế hiện nay, ở ngay thị trấn, thị xã, đường sá đi lại khá thuận tiện khoảng cách giữa các trường học trong cùng một địa bàn khá gần nhau. Thế nhưng vẫn tồn tại những trường chưa đủ 10 lớp hoặc chỉ trên 10 lớp.
Điều này đã gây ra sự lãng phí quá lớn cho ngân sách địa phương và làm hạn chế việc đầu tư ngân sách cho các trường để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và các hoạt động bổ trợ khác.
Ví như một trường tiểu học 8 lớp sẽ sáp nhập với trường 10 lớp, trường vừa được sáp nhập cũng mới ở ngưỡng đầu tiên của trường hạng 2 (18 lớp).
Thế nhưng sẽ giảm được 2 hiệu phó, 1 kế toán, 1 văn thư thư viện, thiết bị, thủ quỹ và biết bao chức danh kiêm nhiệm như chủ tịch công đoàn, ban chấp hành và tổ trưởng công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, tổng phụ trách đội…
Quản lý thế nào cho hiệu quả?
Vài chục năm về trước khi học sinh đến trường chủ yếu là đi bộ hoặc sang lắm là đi xe đạp. Vì thế, ở cấp tiểu học cũng quy định khoảng cách từ nhà đến trường không quá 2-3km.
|
Thế nhưng hiện nay, phần đông cha mẹ đưa con đi học bằng xe máy, ô tô thì khoảng cách quy định ấy cũng cần được thay đổi.
Điểm trường này cách điểm trường kia 3-5 km sẽ chẳng là vấn đề gì.
Thế nhưng trong thực tế, ở nhiều địa phương trong đó có tỉnh Bình Thuận các trường tiểu học trong một xã phường lại khá gần nhau nhưng vẫn để tình trạng trường chỉ tám chín lớp, trường chỉ độ 12, 13 lớp thật sự là lãng phí.
Đừng sợ sáp nhập trường thì Ban giám hiệu khó quản lý việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Các thầy cô lên lớp dạy bằng lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo không phải sợ sự kiểm tra, theo dõi của lãnh đạo.
Khi đã giao chất lượng học tập cho giáo viên và chỉ quản lý bằng chất lượng đầu ra ở mỗi khối lớp thì chẳng cần sự theo dõi, giám sát của Ban giám hiệu giáo viên vẫn luôn có trách nhiệm cao nhất để giảng dạy và chăm lo cho học sinh của mình.