Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Hai mẹ con người Trung Quốc đi lạc được giúp đỡ tận tình

11/10/2012 14:56
Theo Lao động
2 mẹ con người Trung Quốc được cho là đi lạc đến tận Đà Nẵng, lang thang ngủ vỉa hè, đã được người dân giúp đỡ tận tình và công an xác minh để hỗ trợ.
“Ông khách người Hồng Kông xin gặp từng người đã giúp 2 mẹ con người Trung Quốc đi lạc được ăn, ngủ chỉ để bắt tay và nói lời cảm ơn vì quá bất ngờ trước tấm lòng nhân ái của người Việt đối với đồng bào của ông ấy”. Anh Đoàn Thắng, nhân viên khách sạn Đại Á (51 Yên Báy, TP.Đà Nẵng) - người thông ngôn tiếng Trung kể lại.
Ông chủ khách sạn đón tiếp hai mẹ con người Trung Quốc
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 10.10, có 2 mẹ con người Trung Quốc được cho là đi lạc đến tận Đà Nẵng, lang thang ngủ vỉa hè, đã được người dân giúp đỡ tận tình và công an xác minh để hỗ trợ. Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) CA TP.Đà Nẵng - Đại tá Trần Hữu Do - cho biết, người phụ nữ Trung Quốc đó khoảng 60-62 tuổi, bị câm, điếc. Trong khi bé gái mới chỉ 8-9 tuổi nên việc xác minh khó chính xác. Ngoài logo của một trung tâm bảo trợ xã hội ở Trung Quốc in trên chiếc áo cháu bé, họ không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Thậm chí không có tiền.
2 mẹ con người Trung Quốc đi lạc ở Đà Nẵng đã được giúp đỡ
Xác định bị đi lạc, 2 mẹ con người Trung Quốc sẽ được đưa về nước.
Trước đó, đêm 8.10, anh Lê Văn Cường - sống trên đường Hùng Vương, TP.Đà Nẵng - phát hiện hai mẹ con người Trung Quốc nằm ngoài lề đường giữa mưa lạnh. Do bất đồng ngôn ngữ, họ không hiểu nhau. Dẫu vậy, anh Cường đã giúp họ qua cơn đói, và chủ khách sạn Đại Á bố trí một phòng cho họ tá túc qua đêm, sau đó trình báo Công an Q.Hải Châu.
Tại PA72, cháu bé cho biết tên là Ngô Xuân cùng mẹ là Ngô Thông đi tìm cha, lạc qua tỉnh Lào Cai vào Việt Nam và đến TP.Đà Nẵng ngày 7.10. Tuy vậy, khi tiếp xúc với PV Báo LĐ sáng 10.10, cháu bé lại nói mình tên là Trần Thân. Anh Đoàn Thắng - nhân viên KS Đại Á cũng là thông ngôn tiếng Trung - cho biết, biểu hiện của 2 mẹ con người này là bất thường. Họ nhiều lần nói sai về tên mình cũng như mục đích vào Việt Nam. Lúc thì bảo đi tìm cha, lúc thì đi kiếm dì.
Nhưng, câu chuyện “chung nhất” là bà Thông bị chồng thường xuyên đánh đập nên đã bế cháu bé, bỏ nhà ra đi khi mới lên 3. Hai mẹ con họ đã nhiều năm lang thang xin ăn ở Trung Quốc, rồi dạt vào Việt Nam. Từ khi đến Việt Nam, họ bảo là đi tìm cha - người đã bỏ nhà đi làm thuê ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Nhưng dẫu họ là ai, từ đâu đến... thì cũng là những người bất hạnh, cần được giúp đỡ. Đó cũng là lý do mà anh Cường đã đội mưa trong đêm để giúp họ ấm bụng; chủ KS Đại Á sẵn sàng bố trí phòng, lo ăn ở miễn phí cho 2 mẹ con bà Thông trong quá trình chờ giải quyết.
Anh Đoàn Thắng kể, nghĩa cử của người dân Đà Nẵng, Việt Nam là bình thường, không phải là cá biệt. Nhưng điều này đã khiến nhiều du khách người Trung Quốc, Hồng Kông (ở tại KS này) rất cảm kích.
Giải quyết bằng cách nào?
Đại tá Trần Hữu Do cho biết, khi vào Hà Nội, một người dân ở bến xe Nước Ngầm đã giúp tiền ăn ở, mua vé xe để mẹ con bà Thông vào Đà Nẵng. Người này còn cẩn thận viết “lời giới thiệu” cho mẹ con bà Thông, đề nghị mọi người giúp đỡ để họ tìm chồng-cha. Trường hợp khó khăn thì xin liên lạc theo số điện thoại...”. Và chính người này đang nhận việc sẽ giúp đưa họ trở về lại biên giới, về nước vào chiều 10.10.
Theo đại tá Do, sở dĩ không thể nhờ Sứ quán Trung Quốc giải quyết theo đường ngoại giao là vì không xác định được họ là công dân Trung Quốc. Theo thỏa thuận được ký kết giữa 2 quốc gia, nếu công dân nhập cảnh bất hợp pháp, sau khi xác định, sẽ trục xuất bằng đường ngoại giao.
Trường hợp tương tự đã xảy ra nhiều lần ở Đà Nẵng. Chỉ riêng năm nay, PA72 đã phải 2 lần đưa 3 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp đến biên giới để họ về nước. Trong đó 2 đối tượng ma túy, cướp taxi, 1 trường hợp biểu hiện tâm thần phân liệt.
Theo Lao động