Cô giáo "trường miền núi" được tôn vinh trong top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu
Danh sách này được công bố bởi tổ chức giáo dục Varkey Foundation nhằm vinh danh những giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Độc đáo, điểm trường miền núi Phú Thọ với những tiết học xuyên quốc gia |
Được biết cô Phượng đã vượt qua 10.000 ứng viên từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những đóng góp của cô giáo Hà Ánh Phượng đối với ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ nói riêng và trên cả nước.
Đặc biệt hơn, ngôi trường cô Phượng đang công tác – Trường Trung học Phổ thông Hương Cần là một ngôi trường miền núi, thuộc vùng khó khăn của tỉnh Phú Thọ với hơn 85% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Nhờ việc ứng dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng 4.0, cô Phượng đã thay đổi cách dạy – học tiếng Anh tại ngôi trường này, trở thành một điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và họ của tỉnh phú Thọ.
Cô Phượng chia sẻ: “Những tiết học xuyên biên giới sẽ giúp học sinh ở Mỹ, Việt Nam, Ấn Độ…và nhiều quốc gia trên thế giới gắn kết với nhau. Thông qua những tiết học này học sinh có thể trò chuyện với nhau hàng ngày về cuộc sống và học tập”.
Cô giáo Hà Ánh Phượng vinh dự nằm trong danh sách 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu (Ảnh:NVCC) |
Trong tương lai, cô giáo Phượng mong muốn sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh và chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn, đồng thời tích cực cho ra đời nhiều dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ngay sau khi cô giáo Hà Ánh Phượng được vinh danh trong top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng tới cô Phượng.
Trong thư, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân cô giáo Hà Ánh Phượng, của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành giáo dục cả nước.
Qua đây, cho tôi gửi lời chúc mừng tới cô giáo Hà Ánh Phượng, gửi lời chúc mừng tới thầy và trò Trường Trung học Phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ".
Vị khách đặc biệt - cô giáo người Ấn Độ giao lưu với cô Phượng và học sinh trong một tiết học tiếng Anh tại Trường trung học phổ thông Hương Cần (Ảnh:NVCC) |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng: Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy với mong muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành những “công dân toàn cầu” như cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước.
Hành trình trở thành “giáo viên toàn cầu” của cô giáo 9X người Mường
Ngược dòng về những năm 2009, khi đó cô Hà Ánh Phượng đã ghi danh tên mình vào Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên- một trong những giải thưởng vinh danh những gương mặt xuất sắc nhất khối Trung học Phổ thông trên cả nước.
Cô thi đỗ Trường Đại học Hà Nội với ước mơ cháy bỏng được đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục.
Điều gì khiến cho một Thạc sĩ trẻ - cầm trong tay tấm bằng giỏi, lại quyết định trở về quê hương và theo đuổi con chữ. Phải chăng đó là tình yêu nghề và sự cống hiến cho ngành giáo dục.
Cô giáo 9X người Mường và những tiết học xuyên biên giới |
Cô Phượng luôn muốn những học sinh của mình dù là học sinh nghèo, học sinh dân tộc phải có cơ hội được học tập, được trải nghiệm và trang bị vốn sống.
Bởi học tiếng Anh không phải chỉ nghe, nói, đọc viết.
Mà học tiếng Anh còn là cơ hội để tìm hiểu văn hóa các quốc gia trên thế giới.
Nghĩ là làm, năm 2016, cô Phượng xung phong về trường cấp 3 Hương Cần. Nặng lòng với học sinh nơi đây cô luôn suy nghĩ làm cách nào để các em có thể học giỏi tiếng Anh và yêu thích tiếng Anh.
Cô Phượng vận dụng những kiến thức đã góp nhặt trong giảng đường Đại Học, vận dụng và xây dựng một môi trường học tập tiếng Anh chủ động, thông minh và sáng tạo.
Cách dạy và học tiếng anh của cô Phượng áp dụng hình thức học trực tuyến thông qua diễn đàn giáo viên quốc tế.
Những tiết học “xuyên biên giới” giúp học sinh hứng thú hơn với việc học tiếng Anh (Ảnh:NVCC) |
Cô Phượng tâm sự: “Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.
Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới.
Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.
Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới”.
Song song với sự thành công của những tiết học xuyên biên giới, cô giáo Phượng cùng các em học sinh của mình đang thực hiện nhiều dự án có sức lan tỏa đến cộng đồng.
Trong đó phải kể đến dự án: Nói không với ống hút nhựa, được thực hiện bởi 91 em học sinh trường cấp 3 Hương Cần và cô giáo Hà Ánh Phượng.
Theo cô Phượng: Người giáo viên trong thời đại 4.0 không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải lan tỏa những điều tử tế đến học sinh và xã hội (Ảnh:NVCC) |
Các loại ống hút thân thiện với môi trường được làm từ những loại nguyên liệu có sẵn của quê hương Phú Thọ như tre, trúc, nứa, sậy, lau đá...Các sản phẩm đều được xử lý đảm bảo không bị ẩm mốc và tiện sử dụng.
Nhóm thực hiện dự án cũng đã tặng sản phẩm ống hút thân thiện cho hơn 800 thầy cô và học sinh toàn trường.
Để nhân rộng hiệu quả của mô hình nhóm dự án cũng gửi tặng sản phẩm này cho các quán trà sữa, quán nước trên địa phương và một số trường Trung học Phổ thông trên cả nước.
Có thể nói, thành công của cô Phượng giúp phần nào định hình hình ảnh của một giáo viên trong thời đại 4.0: Đó là một giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải biết ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để phục vụ công việc giảng dạy. Trên hết một giáo viên, ngoài sự đóng góp cho ngành giáo dục còn giúp lan tỏa những điều tử tế, yêu thương đến học sinh và cả cộng đồng.