Giáo viên chúng tôi hoan nghênh Bộ

22/01/2019 06:51
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Những chỉ đạo rất thiết thực của Bộ Giáo dục- Đào tạo gần đây đang được dư luận giáo viên đồng tình, ủng hộ.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán như một “món quà” dành cho đội ngũ giáo viên trong cả nước.

Thực ra, những quy định của Bộ về hồ sơ, sổ sách đã được hướng dẫn khá cụ thể từ  lâu rồi.

Nhưng, sự nhiễu nhương luôn làm tăng thêm “gánh nặng” này chính là cấp Phòng, Sở, Ban Giám hiệu nhà trường và những Cộng tác viên thanh tra.

Vì thế, việc Bộ ra Chỉ thị chấn chính  tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách lần này được xem là một việc làm thiết thực, nhanh chóng và đó cũng là lời hứa của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong những ngày đầu tiên của năm 2019 này.

Giáo viên rất mừng khi Bộ ra Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách ( Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Giáo viên rất mừng khi Bộ ra Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách ( Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Đội ngũ nhà giáo chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng như lãnh đạo Bộ trong thời gian gần đây có những động thái tích cực khi quan tâm đến những bất cập xảy ra ở trong ngành.

Những việc làm mà hàng chục năm qua đã trở thành bức tường vững chắc không lay chuyển tạo nên sự chai lỳ không có sự thay đổi nên dẫn đến bệnh hình thức, đối phó với nhau nhưng thực tế chẳng có tác dụng gì.

Bây giờ, Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường đã chỉ đích danh những lãnh đạo cấp dưới của Bộ phải thay đổi tư duy, thay đổi cách điều hành, đó là:

Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định  tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Chỉ mong rằng lãnh đạo Sở, Phòng, Hiệu trưởng các trường thực hiện đúng theo Chỉ thị này để giáo viên đỡ phải làm những việc vô bổ nhưng lại rất tốn thời gian, công sức.

Giáo viên chúng tôi hoan nghênh Bộ ảnh 2Bộ trưởng muốn “giảm áp lực cho giáo viên” nhưng cấp dưới thì sao?

Có điều, chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Giám đốc Sở, Trưởng phòng Giáo dục và Hiệu trưởng có chỉ đạo tốt cấp dưới của mình hay không mà thôi.

Bởi, thực tế những vị này không mấy khi chỉ đạo giáo viên làm hồ sơ, sổ sách và họ cũng không bao giờ trực tiếp kiểm tra giáo viên làm gì.

Người trực tiếp hướng dẫn giáo viên phải tăng thêm nhiều hồ sơ, sổ sách là các chuyên viên phụ trách chuyên môn của Sở, Phòng, các Phó Hiệu trưởng chuyên môn của nhà trường luôn “đẻ” ra những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định và bắt buộc giáo viên phải thực hiện.

Chẳng hạn, các tổ trưởng chuyên môn nhà trường đã làm Kế hoạch hoạt động năm học và nó đã bao chứa tất cả các mảng chuyên môn trong một năm.

Tháng mấy thực hiện chuyên đề nào đã được thể hiện cụ thể nhưng lại phải làm thêm Kế hoạch chuyên đề tổng thể.

Trong khi đã làm Kế hoạch chuyên đề tổng thể thì lại phải làm thêm Kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng tháng.

Ngoài ra, còn vô số Kế hoạch “con” khi tổ chức các hoạt động, các cuộc thi, bồi dưỡng cho học trò. Vậy nhưng, trong Kế hoạch hoạt động tháng cũng phải đưa vào, Kế hoạch tuần cũng phải có…nó cứ chồng lấn lên nhau.

Chao ôi, Kế hoạch, rồi các loại sổ lớn, sổ bé có vô vàn mà cái nào lãnh đạo yêu cầu thì mọi người đều phải làm, phải thực hiện. Thế mà, mỗi lần nhà trường bị thanh, kiểm tra thì mấy lãnh đạo Phòng, Sở, Cộng tác viên thanh tra cũng còn hành lên, hành xuống.

Họ góp ý, ghi biên bản trực tiếp, rồi sau đó về tổng hợp biên bản gửi cho từng trường.

Những cái làm được thì không sao, những cái bị góp ý và ghi vào biên bản thì lãnh đạo trường nhớ rất lâu, rất kỹ để đóng góp cho mỗi lần kiểm điểm đảng viên, mỗi lần xếp loại viên chức hay xét thu đua cuối năm.

Giáo viên chúng tôi hoan nghênh Bộ ảnh 3Đầu năm lại đau đầu vì ..."khổ sách"

 Trở lại với Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường vừa  được Bộ ban hành, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ khi Bộ đã bật tín hiệu về sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử.

Chỉ thị hướng dẫn: "Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.

Việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử của giáo viên và nhà trường là minh chứng đánh giá tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin theo Điều 8 Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Điều 8 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông".

Chúng tôi cho rằng đây là một hướng dẫn phù hợp và tích cực để từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Bởi, thời đại ngày nay khi mà khoa học công nghệ đang phát triển như huyền thoại mà tư duy của một số lãnh đạo nhà trường không theo kịp thì làm sao nhà trường phát triển được?

Từ cách ban hành Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, chúng tôi cũng đề nghị Bộ có thêm Chỉ thị chấn chỉnh về tình trạng họp hành hiện nay ở các nhà trường.

Bởi, họp hành bây giờ cũng nhiêu khê và khiến giáo viên mất rất nhiều thời gian vào những cuộc họp vô bổ.

Vì đa phần giáo viên hiện nay đều sử dụng email thành thạo nên những việc thật cần thiết cả triệu tập Hội đồng sư phạm nhà trường.

Những lúc chỉ vài ba việc nhỏ nhặt thì lãnh đạo nhà trường đánh máy và gửi vào địa chỉ email liên kết cho giáo viên và nhắn cho giáo viên một tin nhắn điện tử là lên email đọc.

Chỉ cần như vậy là giảm tải tối đa cho người thầy mà thực tế phải tiến tới như vậy.

Bởi, đa phần hiện nay chúng ta đã thấy các cấp lãnh đạo thực hiện việc họp trực tuyến thì việc áp dụng những email hay tin nhắn điện tử cho giáo viên là phù hợp và tiện ích vô cùng. Đỡ lãng phí công sức của giáo viên.

Giải phóng thời gian cho giáo viên để khỏi sa vào những loại hồ sơ, sổ sách, những cuộc họp vô bổ là cần thiết vô cùng trong bối cảnh hiện nay.

Những chỉ đạo rất thiết thực của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đang được dư luận giáo viên đồng tình, ủng hộ.

Vì thế, Bộ cần lắng nghe tâm tư của giáo viên để nghiên cứu và đưa ra những hướng dẫn phù hợp để thay đổi những điều không còn phù hợp là điều giáo viên luôn mong muốn và ủng hộ.

Tài liệu tham khảo:

https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5808

NGUYỄN NGUYÊN