Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; Thi trung học phổ thông quốc gia từ ngày 8-11/8/2020.
Trước thông tin này, cô giáo Phạm Thái Lê cho rằng: Việc lùi thời gian kết thúc năm học và thời gian thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trước hay sau Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tính đến phương án tinh giản chương trình học.
Tiếp tục lùi thời gian kết thúc năm học, thi quốc gia năm 2020 |
Như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và lùi thời gian thi Trung học Phổ thông Quốc gia.
Phóng viên: Theo cô Phạm Thái Lê, việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hai đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là học sinh và giáo viên?
Cô Phạm Thái Lê: Việc kéo dài năm học và lùi thời gian thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ kéo theo nhiều xáo trộn.
Từ phía phụ huynh và học sinh, họ cảm thấy rất uể oải.
Quả thực, việc nghỉ học 2 tháng như vừa rồi không ai mong muốn cả: Cả cô và trò đều muốn đến trường. Việc nghỉ học kéo dài đã gây ra một tâm lý nặng nề.
Nay có thêm thông tin năm học sẽ kéo dài sang tháng 7 – thông tin này không phải là thông tin có lợi cho phụ huynh, học sinh. Vì như chúng ta đã biết, tổng kiến thức không đổi buộc phải kéo dài thời gian.
Như mọi năm chỉ đến cuối tháng 6, mọi người sẽ nghỉ trọn vẹn tháng 7. Thế nhưng nếu năm học kết thúc vào tháng 7 mọi người sẽ phải chờ đợi đến kỳ thi tháng 8. Điều này gây tâm lý rất nặng nề.
Việc kéo dài năm học liệu có nâng chất lượng của việc dạy và học (Ảnh:V.N) |
Một số ý kiến cho rằng, việc kéo dài năm học và lùi thời gian thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ kéo theo nhiều xáo trộn của năm học này và năm học tiếp theo. Cô có đồng tình với quan điểm này?
Cô Phạm Thái Lê: Kéo dài năm học đồng nghĩa với việc tăng chi phí xã hội: từ phía phụ huynh, nhà trường…Điều này thực sự không cần thiết.
Nó chỉ thực sự cần thiết nếu chúng ta tốn kém chi phí xã hội mà nâng cao được chất lượng của năm học, chất lượng của kỳ thi.
Thế nhưng về mặt thực tiễn, việc kéo dài năm học không có ý nghĩa gì trong việc nâng cao chất lượng.
Bộ cũng nên mạnh dạn tính đến phương án tinh giản chương trình học, giới hạn dung lượng ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi.
Thậm chí trong tình huống xấu nhất chúng ta chấp nhận mất học kỳ 2 thì vẫn có thể ôn và thi trong giới hạn của học kỳ 1.
Như vậy chúng ta chấp nhận lớp 12 sẽ có một kỳ tốt nghiệp lịch sử khi chỉ xét học kỳ 1. Với các lớp khác chúng ta có thể tính đến phương án dạy bù vào năm học sau.
Học 5 thi 5,học 7 thi 7,đâu nhất thiết phải kéo dài năm học (Ảnh:V.N) |
Việc lùi thời gian kết thúc năm học đặc biệt kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sẽ bị đẩy sang tháng 8 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc ôn tập của học sinh?
Cô Phạm Thái Lê: Chúng ta cũng đã biết thời tiết tháng 7 tại các tỉnh miền Trung là cao điểm của đợt nắng nóng và gió Lào.
Tại nhiều trường nông thôn chỉ có quạt điện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các em học sinh.
Trong khi đó việc kéo dài năm học thực sự không có ý nghĩa quá nhiều đối với việc nâng cao chất lượng kỳ thi.
Ngoài ra nếu kỳ thi đẩy sang tận tháng 8 và tháng 9 chúng ta bắt đầu năm học mới sẽ ảnh hưởng đến năm học tiếp theo. Tôi nghĩ rằng việc kéo dài năm học vẫn chỉ là phương án tình thế.
Hà Nội chưa công bố điều chỉnh lịch thi vào 10, học sinh nháo nhác lo học thêm |
Hiện nay có một số ý kiến cho rằng: Không tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia mà thay vào đó là xét học bạ. Cô có đồng tình với phương án này?
Cô Phạm Thái Lê: Tôi đánh giá việc xét tốt nghiệp là một hình thức ưu việt. Nhưng trong bối cảnh này chưa thể bỏ được kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.
Bởi vì, hiện nay Bộ chưa có phương án tuyển sinh riêng biệt.
Nếu muốn bỏ kỳ thi ít nhất thầy và trò phải được biết từ đầu năm học để có sự chuẩn bị.
Nếu bây giờ đánh đùng một cái bỏ kỳ thi 2 trong 1 học sinh sẽ loay hoay không biết như thế nào.
Nhưng chúng ta có thể bỏ được kỳ thi tốt nghiệp và chỉ để kỳ thi đại học.
Theo cô, phương án nào có thể được tính đến để vẫn đảm bảo chất lượng kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia mà không phải kéo dài năm học?
Cô Phạm Thái Lê: Tôi cho rằng năm học vẫn nên kết thúc vào thời điểm 30/6 và không kéo dài kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia sang tháng 8.
Vì đầu tháng 9 chúng ta đã bắt đầu năm học mới rồi. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến năm học tiếp theo.
Chúng ta có thể tính đến phương án tinh giản chương trình. Nếu cần thiết sang năm học tiếp theo Bộ có thể tổ chức dạy bù. Còn đối với các kỳ thi, Bộ có thể giới hạn khung ôn tập tinh giản hơn.
Chẳng hạn chúng ta thi 5 thì cho học sinh ôn tập 5, thi 7 thì cho học sinh ôn tập 7.
Vì khung ôn tập và dung lượng đề thi hoàn toàn do Bộ quyết định.
Bộ sẽ quyết định tinh giản phần kiến thức nào, ra đề trong phần kiến thức nào.
Như vậy dung lượng của đề thi, chất lượng của kỳ thi vẫn giữ nguyên mà học sinh không phải ôn tập kéo dài.
Ví dụ môn Văn của tôi như mọi năm Bộ giới hạn ôn tập trong 15 bài, năm học này có thể bỏ 3 bài chỉ ôn tập 12 bài.
Trong 12 bài đó tiếp tục giới hạn phần nào giữ nguyên, phần nào bỏ đi.
Điều này người ra đề thi hoàn toàn được chủ động trong việc không ra đề vào phần học sinh không học và không thi.
Cô Phạm Thái Lê đề xuất cắt giảm chương trình học và không kéo dài lịch học sang tháng 7 (Ảnh:NVCC) |
Việc tinh giản chương trình học và giới hạn dung lượng ôn tập như cô nói sẽ được thực hiện như thế nào?
Việc cắt giảm chương trình chỉ cần một nhóm người. Điều này đơn giản và tiết kiệm hơn so với việc chúng ta bắt học sinh đến trường, mở trường, mở lớp đến tận tháng 7.
Để cắt giảm chương trình, mỗi bộ môn chỉ cần ít nhất khoảng 2 người.
Sau đó nhân lên với số lớp, số môn học.
Họ sẽ có nhiệm vụ rà soát và cắt bỏ phần chương trình không học đến. Sau đó sẽ có một cái khung chương trình và gửi về các Sở.
Tôi cũng cho rằng Bộ nên chuẩn bị nhiều phương án.Ví dụ học sinh nghỉ học đến đầu tháng 4 thì chương trình học là phương án A, học sinh nghỉ học đến hết tháng 4 là phương án B.
Thậm chí chúng ta phải chấp nhận trong tình huống xấu nhất là nghỉ hết học kỳ 2.
Đừng ngại việc học sinh không đến trường ảnh hưởng đến chất lượng của người học.
Như tôi đã nói việc học là cả đời. So với lượng kiến thức dài rộng thì mạnh dạn bỏ một học kỳ 2 cũng không ảnh hưởng quá nhiều.
Trong khi đó việc kéo dài năm học thực chất không làm tăng chất lượng tuyển sinh mà còn kéo theo đó là chi phí xã hội và gánh nặng tâm lý.
Bộ đừng sợ dư luận rằng mình không làm tròn mà tự gây áp lực cho mình.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!