LTS: Việc những cuộc thi, phong trào được diễn ra trong nhà trường giúp làm phong phú thêm đời sống cho các em học sinh là không thể phủ nhận.
Nhưng bên cạnh nhiều cuộc thi bổ ích, thu hút sự tham gia của học sinh, thì vẫn còn những cuộc thi chạy theo thành tích, gây mệt mỏi cho cả thầy lẫn trò.
Nhằm phản ánh tình trạng trên tác giả Thuận An đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Có lẽ chưa bao giờ giống bây giờ, khi mà ngành giáo dục tổ chức quá nhiều các cuộc thi. Không chỉ giáo viên bội thực mà ngay cả những em học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở cũng đã bắt đầu được tập luyện, làm quen với vô vàn những cuộc thi mang tính cạnh tranh quyết liệt.
Ảnh minh họa: Cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) cấp trường năm học 2016 - 2017 trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, nguồn: http://ththanhxuantrung.pgdthanhxuan.edu.vn. |
Học trò ôn luyện đi thi thì giáo viên phải vào cuộc để ôn luyện trên cho học trò, cha mẹ các em phải đồng hành những lúc các em ở nhà và đưa đón các em đi học.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi giúp tôi cảm nhận được nhiều những vui buồn của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Một điều không thể phủ nhận được là công việc ôn thi học sinh giỏi hàng năm giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển chuyên môn.
Bởi, mỗi một năm ôn thi cho học trò là mỗi năm bắt buộc tôi phải thường xuyên trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, phải tìm hiểu nhiều dạng đề thi để hướng dẫn cho học trò của mình được tốt nhất.
Công việc dù vất vả hơn rất nhiều nhưng điều đó không làm tôi bận tâm lắm bởi tôi luôn tâm niệm mình phải là người thầy có trách nhiệm với nghề, với học trò của mình. Đôi lúc, công việc này cũng là động lực, là niềm vui của người thầy trong quá trình công tác.
Nhưng, tôi thương các em học trò trong những năm qua đã vất vả ôn tập với tôi. Vì ngoài những giờ học chính khóa trên lớp, tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường thì những buổi rảnh rỗi còn lại là tôi đều kéo các em vào trường để ôn luyện.
Không chỉ dạy các em những nội dung ôn tập ở trường mà tôi cũng thường xuyên giao bài tập cho các em về nhà làm. Những bài tập ấy lại được tôi chấm, chỉnh sửa và hướng dẫn các em thêm để có những kĩ năng tốt nhất trong việc tiếp cận và giải các dạng bài tập khác nhau.
Ở trường, cả thầy và trò đang đánh vật với các kì thi |
Sáu, bảy tháng trời ôn tập theo kế hoạch của nhà trường, của ngành chẳng lẽ lại làm hời hợt, cho nên cả thầy và trò cùng phải cố gắng hết mình.
Trong thâm tâm tôi hay bất kì thầy cô nào đang ôn thi học sinh giỏi có lẽ cũng đều có tâm trạng như vậy.
Năm nào các em không đỗ đều cắn rứt lương tâm và thấy tội nghiệp cho học trò đã theo mình đằng đẵng mấy tháng trời. Vì thế mà năm nào cũng vậy, cả thầy và trò đều phải cố gắng hết mình cho cuộc thi.
Ở trường thì vậy, về nhà thấy đứa con học tiểu học cũng đang lao vào với các cuộc thi mà chạnh lòng khôn tả. Cho dù cấp tiểu học không tổ chức thi văn hóa cuối cấp nhưng có rất nhiều những cuộc thi khác.
Những ngày cuối tuần thì vào trường tham gia ngoại khóa, học nghi thức Đội để thi cấp huyện. Lúc thì tập dượt văn nghệ thi cấp trường, cấp huyện. Rồi thi trạng nguyên, thi tìm hiểu về răng miệng, về giao thông…
Cái tuổi đó đáng lẽ ra các em đang được chơi đùa sau những giờ học chính khóa và những ngày cuối tuần nhưng rồi cũng phải lao vào các cuộc thi theo kế hoạch của nhà trường mà cả năm học chỉ được nghỉ vài ngày lễ theo luật lao động. Các ngày thứ 7, chủ nhật đều có lịch học kín cả.
Đầu năm học này, nhiều phụ huynh cứ tưởng cuộc thi Toán và Tiếng Anh qua mạng không còn tổ chức nữa sẽ giảm được áp lực học tập cho con em mình. Nhưng, nhiều nhà trường vẫn cho học sinh ôn tập và thi cấp trường để cho có phong trào.
Hơn nữa, các thầy cô trong ban giám hiệu nói là hiện sở, phòng giáo dục chưa có kế hoạch nhưng vẫn ôn để nếu cấp trên có tổ chức thì trường có nguồn để tham gia.
Thế là hàng ngày ở nhà, các em được thầy cô chọn vào đội tuyển cũng phải thi Tiếng Anh rồi đến Toán trên mạng vài vòng.
Ngày 7/12/2017 vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5814 để hướng dẫn việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018.
Ngay sau khi Công văn được ban hành, các nhà mạng đã thông báo lịch thi Tiếng Anh qua mạng vào đầu tháng 1/2018.
Vậy là Sở, Phòng Giáo dục sẽ tiếp tục tổ chức và điều dĩ nhiên là khi đã có lịch thi của ban tổ chức thì nhà trường cũng thúc giục giáo viên và học sinh phải tăng tốc để chuẩn bị tham gia.
Lịch học trên lớp dày đặc nên cô giáo tiếng Anh phải tổ chức ôn buổi tối cho học trò. Thế là hàng tối, tôi lại phải chở con đến nhà cô để cháu ôn luyện.
Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không? |
Mỗi buổi tối ôn một tiếng rưỡi tại nhà cô thì quãng thời gian ấy tôi lại phải ngồi ở quán cà phê đợi cho con học xong để đón về.
Mỗi lần đưa con đi học, rồi chờ đợi con học ở nhà cô giáo, tôi hiểu cô giáo của cháu cũng đang phải hi sinh và vất vả rất nhiều.
Tối đến, khi mọi người khác đang quấn quýt bên con hay hướng dẫn cho con học bài thì cô giáo lại phải dành thời gian đó cho học trò của mình.
Đối với thầy cô thì vậy còn đối với phụ huynh cũng phải đầu tư nhiều thứ. Khi con tham gia các cuộc thi thì cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đầu tư về thời gian đưa đón, hướng dẫn ở nhà và cả tiền bạc cũng không hề ít.
Cứ mỗi tuần lại phải nạp thẻ điện thoại cho các nhà mạng thì mới thi được. Thành thử, thành tích thì chưa biết thế nào mà áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh thì rất lớn.
Nhiều năm qua, các cuộc thi qua mạng có một chiêu thức quen thuộc mà chúng ta đều biết, đó là cho học thử, thi thử 1 tuần là bắt đầu thu tiền qua thẻ cào điện thoại.
Phía sau những mĩ từ tốt đẹp của các cuộc thi này không có gì hơn là những lợi nhuận cho các công ty, các nhà mạng và sự “bắt tay” với các tổ chức, đơn vị giáo dục trong những năm trước đây.
Song hành với việc tham gia các cuộc thi này phải nạp cào điện thoại thì hàng loạt cuốn sách hướng dẫn, kĩ năng ôn tập được xuất bản để nhắm tới đối tượng học trò.
Chúng ta đã nói nhiều đến các cuộc thi của học trò, dư luận phản ứng cũng nhiều nhưng các cuộc thi vẫn được các địa phương tổ chức đều đều hết cuộc thi này đến cuộc thi khác.
Giáo viên thì đã ngán ngẫm với các kì thi nhưng rồi hàng năm luôn phải ôn luyện cho học trò.Những em học sinh giỏi thì thường lại giỏi đều các môn mà cũng rất tích cực với các phong trào Đoàn-Đội của nhà trường.
Vì thế, những em học sinh này luôn là “gà chọi” hết môn này đến môn khác, hết phong trào này đến phong trào khác.
Áp lực học tập trên lớp, áp lực kiểm tra, thi cử các môn văn hóa đã quá nhiều lại thêm các cuộc thi, các phong trào… Thử hỏi, tuổi thơ các em có còn không?