Nơi nương náu tâm hồn của những đứa trẻ tật nguyền
Thăm chốn nương náu của gần 20 em nhỏ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn mới thấy ấm lòng bởi những câu chuyện cảm động về tình người, chốn nương náu đó là lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam (sinh năm 1932 tại Huế) ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nơi nương náu của các em là nơi con chữ, tình thương, tâm hồn được gieo trồng và lớn lên.
Vốn là một giáo viên về hưu, sau năm 1992 bà giáo Hồ Hương Nam tham gia nhiều hoạt động xã hội của phường như công tác dân số, khuyến học.
Sau những năm công tác ấy, năm 1997 bà giáo Nam đã chính thức khai giảng một lớp học tình thương dành cho các trẻ khuyết tật kém may mắn.
Những ngày đầu bộn bề khó khăn. Khó khăn đầu tiên là không có địa điểm mở lớp. Bà giáo phải mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư để mở lớp học.
Sau đó trụ sở tuần tra dỡ bỏ để xây dựng nhà văn hóa, lớp học phải chuyển sang một phòng học của nhà trẻ. Ðến năm 2002, cô Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Dương, Tây Hồ, Hà Nội đã dành cho bà Nam một phòng rộng khoảng 12 m2 để tổ chức lớp học.
Từ đó đến nay, sau nhiều gian khó những ngày đầu, "tiếng lành đồn xa" lớp học của bà giáo già vẫn duy trì những ánh đèn hi vọng từ những con chữ đong đầy tình thương.
Bà giáo già Hồ Hương Nam chia sẻ: “Các em mặc dù bị khuyết tật nhưng cũng là con người mà con người ai cũng có quyền được học.
Lớp học này tôi chỉ mong muốn các con có nơi để sinh hoạt, có môi trường để giao lưu bạn bè, được học con chữ, biết tính toán vài con số đơn giản chứ không mong các em học được thành tài”.
Nhìn cơ ngơi lớp học khang trang, ít ai biết để vận động được lớp học này bà Nam đã khóc hết không biết bao nhiêu nước mắt, trằn trọc bao đêm không ngủ vì thương các em.
Lớp học được duy trì bằng tình thương của một người bà, một người mẹ và cái tâm của một nhà giáo hết lòng vì học sinh.
Lớp học tình thương của bà giáo già bắt đầu từ sáng thứ 2 đến sáng thứ thứ 6. Ảnh: Ngọc Trang |
Ở tuổi 87, cái tuổi mà người ta lên chức cụ, chức bà rồi và an hưởng tuổi già bên con cháu, thế nhưng bà giáo Nam vẫn nặng lòng với lớp học tình thương.
Lớp học ấy là nơi những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ chẳng bao giờ chịu lớn chờ đợi những thứ kỳ diệu mà con chữ của bà Nam mang đến.
Sĩ số của lớp học những ngày này gồm có: 3 em tự kỷ, 3 em “đao”, 6 em thiểu năng trí tuệ, 1 em câm điếc, 2 em tăng động, 1 em liệt 1 tay và 1 em liệt tứ chi.
Tất cả đều được bà dang vòng tay chào đón, dạy dỗ từng con chữ, từng bài học nhỏ trong cuộc sống.
Nhớ về những khó khăn trong những giờ dạy đầu tiên của lớp học tình thương, bà giáo Nam kể:
“Thời gian đầu mở lớp chỉ có đúng 2 học sinh, người xung quanh nói bà bị dở hơi già như vậy không nghỉ ngơi đi ôm việc vào người.
Bà khóc không biết bao nhiêu nước mắt, qua 6 lần chuyển lớp mới xin được một phòng học tại trường cấp 2 An Dương.
Từ đó bà cháu mới có chỗ dạy học ổn định. Học sinh cũng tìm đến đông hơn, bà dạy miễn phí tự bỏ tiền may áo đồng phục cho các cháu để các cháu nó bớt tủi thân”.
Đối với bà giáo già, việc dạy ở lớp học tình thường không chỉ là một người cô, một người bà, một người quản lý mà còn là một người hộ lý.
Những ngày đầu đến lớp, nhiều em bị mắc bệnh “đao”, thiểu năng việc vệ sinh cũng không thể tự ý thức được. Bà Nam kể:
“ Đôi lúc có bạn vệ sinh bậy ra lớp là một tay bà dọn. Trần đời có thấy giáo viên nào dọn vệ sinh cho học sinh bao giờ, thế mà bà lại làm cả điều đó.”
Một góc nhỏ ở lớp học tình thương được bà Nam tự tay trang trí nhờ sự giúp đỡ của cháu ngoại. Ảnh: Ngọc Trang |
Trong không gian ấm cúng của lớp học tình thương ấy, trong không gian của tiếng nhạc du dương, các em học sinh của bà Nam, ngồi chăm chỉ tập viết như những đứa trẻ bình thường.
Thế nhưng để có được điều này là những giọt mồ hôi, sự hi sinh và nước mắt của bà giáo Nam.
Có những em một tay bà dạy dỗ, theo bà đến nay đã 5-6 năm. Có những trường học khi nhắc đến bà chỉ muốn khó vì hoàn cảnh khó khăn quá, vất vả quả.
Cô giáo mầm non có tâm lòng nhân hậu, giúp đỡ học sinh nghèo |
Trong lớp học học sinh gọi bà giáo là bà nội.
Hai từ bà nội cũng là hai từ duy nhất mà cô bé Phương Anh có thể nói được.
Phương Anh bị câm điếc bẩm sinh từ nhỏ cũng là một thành viên trong lớp học tình thương.
Để hiểu và dạy được cho Phương Anh, bà giáo Nam đã phải dành nửa tháng để học ngôn ngữ của người câm điếc để có thể gần gũi hơn với cô bé.
Sau 5-6 năm theo học bà Nam, Phương Anh đã có thể được học và viết những trang nhỏ xinh.
Bà Nam cầm tập viết của Phương Anh cứ tiếc ngẩn ngơ: “Tội con bé không, viết chữ đẹp, xinh xắn mà khổ không để đâu hết khổ”.
Linh (24 tuổi), bị tự kỷ tăng động. Ngày đầu tiên đến lớp, Linh chạy thẳng lên bục giảng tát nhẹ vào mặt bà.
Bà không trách, không giận, bà hiểu, càng hiểu bà càng thương.
Thế rồi sau nhiều tháng theo học tại lớp học tình thương, em Linh cũng thuyên giảm phần nào chứng tự kỷ tăng động.
Khi ra về, cậu bé lễ phép chào rõ to: “Con chào bà nội!”.
Tuổi đã cao nhưng khi nhắc đến việc tiếp tục dạy các em ở lớp học tình thương bà vẫn rất vui vẻ và không muốn dừng lại.
Trẻ khuyết tật cũng là con người, là con người ai cũng có quyền được học
Gần 25 công tác trong ngành giáo dục, 22 năm nữa dạy trẻ em khuyết tật khi đã nghỉ hưu, gần nửa đời người gắn bó với nghề giáo, bà Hồ Hương Nam đúc kết lý tưởng của đời mình: Giáo dục phải hướng đến con người.
Tất cả mọi người đều bình đẳng và đều có quyền được học hành.
Không phân biệt trẻ em bình thường, trẻ em khuyết tật, người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ.
Ai cũng có quyền được học. Người giáo viên phải đặt chữ tâm lên hàng đầu chứ không vì lợi ích kinh tế.
Các em học sinh khuyết tật trước đây không biết viết giờ đã có thể cầm bút viết thành thạo. Ảnh Ngọc Trang |
Nghĩ lại bà Nam bùi ngùi xót xa về một thế hệ giáo viên già như bà từng trải. Thời ấy, thầy cô giáo còn mang kim chỉ vá áo cho học sinh, bắt chấy cho học sinh.
Bà Nam ví người giáo viên như người lái đò chở học sinh cập bến tri thức.
Nhưng người lái đò phải làm sao để người đi đò sang sông vẫn còn nhớ đến mình, chứ đừng để đi đến giữa sông học sinh đã quên mình là ai.
Bà kể chuyện đời mình: "Thời tôi còn đi dạy, công tác trong trường đào tạo được nhiều khóa học sinh. Có những em đến tận bây giờ vẫn nhớ đến mình”
Vinh danh những tấm gương cứu trợ, chăm sóc trẻ em khuyết tật |
Mấy năm trước có học sinh đã lên núi tu thấy hình bà trên tivi.
Mấy ngày sau em đó cùng đệ tử xuống thăm tôi. Cô trò xa cách mấy chục năm gặp lại. Tôi thấy quý cái tình cảm thầy - trò trước đây.
Chứ đâu phải mâm cao cỗ đầy làm gì. Vì thế nhắc đến giáo dục bây giờ tôi buồn lắm.
Nhiều người quên mất đi cái ý nghĩa của 2 từ giáo dục mà giáo dục hiện nay trong mắt nhiều giáo viên chỉ là một nghề kiếm tiền của người mua chữ và bán chữ".
Đối với bà, giáo dục là sự bình đẳng, ai cũng có quyền được học.
Chính vì thế khi nghỉ hưu bà dành nốt quãng đời còn lại để chăm lo, dạy dỗ trẻ em khuyết tật.
Bà giáo Hồ Phương Nam được nhận bằng khen biểu dương “Người tốt, việc tốt” tháng 10/2019. |
Bà mong muốn có thêm nhiều lớp học tình thương hơn nữa để giúp đỡ các em có một môi trường được học tập, được vui chơi và hòa nhập với xã hội.
Trong Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến “ Người tốt, việc tốt” tiêu biểu trong công tác cứu trợ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật trên địa bàn Hà Nội năm 2019, bà Nam nói những lời gan ruột:
“Tôi mong rằng các cấp cần cố gắng xây dựng thêm nhiều mô hình trường học giúp đỡ người khuyết tật, không bị thiệt thòi vì các cháu khuyết tật cũng là con người, phải được nuôi dạy như các cháu bình thường”.
Bà trải lòng: “Tôi làm giáo dục không vì mưu cầu cho bản thân. Cái tôi nhận được nhiều nhất đó là tình cảm, tình thương và sự biết ơn của học trò.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Nam vẫn rất vui vẻ khi kể về lớp học tình thương nơi những đứa trẻ khuyết tật theo học. Ảnh: Ngọc Trang |
Năm trước, chẳng may bị xe máy va phải, gãy tay, tôi phải điều trị ở bệnh viện một tháng.
Có con bé bị thiểu năng nó cứ ngồi đầu giường cầm tay bà, hỏi bà: Bà ơi! Bà có chết không? Bà có chết không bà? Cho nên thương chúng nó lắm, nếu chẳng may trời không thương mình, các cháu của tôi sẽ phải làm sao đây?
Cuối buổi học, khi học sinh đã về hết, bà Nam ở lại thu quén, quét dọn, chuẩn bị bài vở cho bài học ngày mai.
Ở tuổi này mắt đã mờ, tay đã run, cái lưng còng chầm chậm khuất sau con phố nhỏ.