"Mẹ đỡ đầu" của hàng trăm trẻ em tự kỷ

12/04/2019 13:32
Tùng Dương
(GDVN) -Vừa được giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu 2018, cô Đỗ Thị Nhị- Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuyên biệt Bình Minh, đã dìu dắt, giúp đỡ hàng trăm trẻ tự kỷ.

Vừa được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, cô giáo Đỗ Thị Nhị- Hiệu trưởng cơ sở Mầm non Chuyên biệt Bình Minh- Phường Đồng Nguyên, Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), nơi dìu dắt, giúp đỡ hàng trăm trẻ em tự kỷ, khuyết tật trí tuệ…

Dạy trẻ đặc biệt đòi hỏi cô giáo phải kiên trì, nhẫn nại, nhiều khi một động tác đơn giản như rửa tay thôi mà hướng dẫn mất cả tháng trời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dạy trẻ đặc biệt đòi hỏi cô giáo phải kiên trì, nhẫn nại, nhiều khi một động tác đơn giản như rửa tay thôi mà hướng dẫn mất cả tháng trời. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tay cầm lược, tay cầm tông đơ, cắt tóc cho cậu học sinh nhưng cô giáo Nhị vẫn nói chuyện, hai cô trò cùng cười vui vẻ, bên cạnh còn mấy bạn nữa đang đợi đến lượt được cô cắt tóc, ngắm nghía soi gương, cu cậu kia có vẻ rất đắc ý với mái tóc vừa được cô giáo Nhị cắt gọn gàng.

“Người ta gọi cậu ý là Nam trọc, nhớ lại năm ngoái lúc mới vào trường, việc cắt tóc cho bạn ý giống như đi đánh vật, mẹ cháu cũng không giúp được, Nam gào khóc, nhất định không chịu cho ai động vào người. Nhưng giờ anh thấy đấy, ngoan ngoãn, biết nghe lời và tóc hơi dài là lại nhờ cô cắt cho.

Anh biết không, cậu bé Nam này vô cùng khó ăn, thường là nuốt chửng, cậu ta chỉ thích một món trường kỳ, đó là cơm trứng, gần 4 tuổi không một tiếng gọi mẹ, càng không bao giờ nhìn vào ai, hạn chế tất cả các mối quan hệ giao tiếp, vây quanh cậu ta là những tiếng la hét, tiếng vỡ của đồ đạc.

Nam không biết tự chăm sóc bản thân, không biết đi vệ sinh nặng, nhẹ, thường xuyên vứt, đập phá đồ khi không vừa ý…Vậy mà Nam của ngày hôm nay hoạt bát, nhanh nhẹn hơn rất nhiều, cậu đã tự biết chọn đồ chơi cho mình, giao tiếp với mọi người một cách vui vẻ, đã biết cất tiếng gọi mẹ, gọi cô như nhiều trẻ khác”, cô giáo Nhị chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị L, mẹ của Nam, cảm động nói: “Giờ đây chuẩn bị cho cháu cắp sách tới trường để hoà nhập, niềm mơ ước khi cháu Nam vào lớp một là điều mà gia đình tôi không bao giời dám nghĩ đến, kể cả trong mơ.

Nhìn trang vở với những nét chữ của cháu viết, mà tôi chỉ muốn khóc lên vì sung sướng. Gia đình chúng tôi biết ơn cô giáo Nhị nhiều lắm, cảm ơn những ân tình mà các cô giáo đã dành cho cháu Nam, nói bao nhiêu cho hết tình cảm...Gia đình tôi giữ mãi và không bao giờ quên”.

Trường Bình Minh với các nhóm học sinh đa dạng, khiếm khuyết, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động (ADHD). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trường Bình Minh với các nhóm học sinh đa dạng, khiếm khuyết, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động (ADHD). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô giáo Đỗ Thị Nhị sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, xã Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh, mồ côi mẹ từ năm lên 2 tuổi, nhà nghèo lại đông anh chị em, nên mọi chuyện đều dồn vào đôi bàn tay người cha vụng về.

Cô Nhị kể: “Em nhớ hồi 6-7 tuổi, cứ tầm 9h sáng là em đã mang cái rá đi quanh làng để vay gạo về nấu bữa trưa cho cả nhà, rồi tầm 3h chiều lại như vậy để có gạo nấu bữa tối, thiếu đói triền miên anh ạ, vay gạo của nhà nào em cũng đều đánh dấu, để đến mùa gặt xong sẽ mang thóc đến trả lại”.

Tuy vất vả, nhiều lần phải nghỉ học, nhưng ước mơ được làm cô giáo đã thôi thúc cô bé Nhị, gắng vượt qua những khó khăn, đi làm thêm để kiếm tiền ăn học.

“Khi em thi vào Khoa Giáo dục Đặc biệt, đã có nhiều người thắc mắc, là sao không chọn khoa khác cho nhàn việc? Nhưng ít ai hiểu được điều sâu thẳm, là sự thấu cảm về nỗi đau mồ côi mẹ, thiếu đi những tình thương, khuyết đi cả sự vỗ về…

Vì thế, nhìn các cháu khuyết tật em thương lắm, muốn được cống hiến sức nhỏ bé của mình cho các em. Những cử chỉ vụng về, những nụ cười ngây ngô, những ánh mắt khờ dại của các cháu luôn mang lại niềm an ủi, động viên cho em, càng thôi thúc em dành những điều tốt nhất cho những trẻ khiếm khuyết”, cô Nhị nói mà ánh mắt rưng rưng.

Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô gái 9X này đã mạnh dạn vay mượn, đầu tư một cơ sở Giáo dục, trị liệu bài bản, khoa học, dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Ngôi trường Mầm non Chuyên biệt Bình Minh của Nhị đã ra đời tháng 6/2016 nhưng hứa hẹn một con đường đi không mấy dễ dàng cho cô giáo trẻ.

Trường Bình Minh luôn có khoảng 80 trẻ theo học bán trú, với các nhóm đa dạng, nhiều dạng khiếm khuyết, từ rối loạn phổ tự kỷ, tăng động (ADHD), khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật học tập, khuyết tật trí tuệ…

"Mẹ đỡ đầu" của hàng trăm trẻ em tự kỷ ảnh 3Cô giáo Huyền đã 21 năm mở lớp học tình thương xóa mù chữ

Mỗi dạng khuyết tật lại chia ra những mức độ nặng, nhẹ khác nhau, nên cô Nhị đã áp dụng những phương pháp can thiệp sớm cho trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi; can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ từ 6 tuổi đến 13 tuổi; định hướng nghề và dạy nghề cho trẻ từ 13 tuổi đến 15 tuổi.

Song song với việc dạy học, cô Nhị còn hỗ trợ các phụ huynh kỹ năng, kiến thức về chuyên môn để giáo dục các cháu tại nhà.

Cùng chung sức với cô Nhị là đội ngũ 17 giáo viên có nghiệp vụ can thiệp sớm và giáo dục trẻ.

Lúc vào trường, có những bé mới 2 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi từ 4 đến 6, cũng có rất nhiều cháu 10 tuổi mới vào trường, cá biệt có cháu 15 tuổi. Đối với những cháu bị nhẹ thì khả năng phục hồi sau hơn 1 năm điều trị tích cực thì ra trường, theo học lớp hòa nhập công lập. Nhưng với những cháu nặng, chậm hòa nhập thì không biết đến khi nào các cháu mới ra trường.

Chính vì có nhiều cháu chậm như vậy nên tại trường Bình Minh, cô giáo Nhị đã tổ chức thêm lớp dạy văn hóa, chỉ sau khoảng 1 năm là các cháu này đã biết đọc, biết viết những từ đơn giản…

Theo cô Nhị: “Để nói về công việc thì dùng từ khó khăn thôi chưa đủ, nhưng nản lòng thì chưa bao giờ. Dạy trẻ đặc biệt, đòi hỏi cô giáo phải kiên trì, nhẫn nại, nhiều khi một động tác đơn giản như rửa tay thôi mà hướng dẫn mất cả tháng trời đấy anh ạ.

Để tập cho trẻ không phá phách, kêu gào hoặc chịu chơi cùng với các bạn thì còn khó hơn nhiều, có khi đang xúc cho cháu ăn, nhưng bất ngờ cháu giơ tay tát đánh bốp một cái vào mặt cô giáo, bát cơm đổ tung tóe lên người cô, nhưng lúc như vậy, cô phải thật nhẹ nhàng, lựa lời dỗ dành thì các em mới nghe đấy”.

Nhiều hoạt động vui chơi cho các cháu ở trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhiều hoạt động vui chơi cho các cháu ở trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Làm nghề dạy trẻ khuyết tật thì bao vui buồn đan xen, khi một tiến bộ nhỏ nhoi của các con thôi cũng khiến cô vui cả ngày, nhưng cũng có những nỗi buồn thầm lặng, đau đáu trong lòng theo cô về nhà.

“Trẻ ở đây có nhiều hành vi lạ, trẻ khó nhai nuốt, trẻ đau, trẻ gào khóc nhưng lại không nói ra được, những điều ngây dại kia đã nhiều đêm làm cho em mất ngủ, với suy nghĩ ngày mai các con sẽ như thế nào?

Có những bé 13- 14 tuổi rồi mà cứ ngây ngô, khi cười, lúc lại khóc, có những lúc hung dữ tấn công các bạn, có những lúc thút thít không giống ai...”, cô Nhị nói.

Có nhiều gia đình không chấp nhận sự thật, né tránh và âm thầm giấu kín chuyện trẻ bị tự kỷ, nhưng cũng có nhiều gia đình lại phó mặc con theo thời gian.

Vì vậy, ngoài những giờ dạy học tại trường, cô Nhị còn tổ chức những buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho những ông bố, bà mẹ thêm quyết tâm, chấp nhận và đồng hành cùng với con và cô giáo, cùng chung mục đích giúp trẻ hòa nhập.

Những những việc cô Nhị làm còn mạnh hơn cả lời nói, đã giúp cho các phụ huynh nhận thức được thực tế của con em mình, để từ đó có những phương pháp giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Trong công việc, cô luôn mở rộng tấm lòng để đón nhận tất cả mọi khó khăn, tình yêu thương con trẻ luôn tràn ngập trong cô, có nhiều cậu học trò thay đổi mọi phương diện sau khi vào trường một thời gian ngắn.

“Nhớ ngày mới vào học, nhìn cậu học sinh tóc mảng trụi, mảng trơ, mẹ cậu ý kể rằng, cậu hay nhổ tóc cho vào mồm để ăn mỗi khi bức xúc điều gì, đêm cậu khó ngủ là lại giật tóc”, cô Nhị nói.

Những giờ học ngoại khóa cho học sinh trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Những giờ học ngoại khóa cho học sinh trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiện nay, trường Bình Minh mới đáp ứng được cho 10 cháu ở tỉnh xa nội trú tại trường, 10 phụ huynh đi kèm để hỗ trợ các cháu cũng được nhà trường giúp cho ăn, ở miễn phí trong suốt thời gian dài. Có nhiều gia đình hoàn cảnh, công nhân lao động đặc biệt khó khăn, luôn được cô Nhị hỗ trợ tối đa nhất…

Mức các gia đình đóng góp từ 1 triệu 800 nghìn đồng/tháng cho mỗi trẻ, bao gồm ăn ở, chi phí trị liệu, chữa bệnh... nhưng trong năm qua, cô giáo Nhị đã hỗ trợ, miễn học phí cho 35 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cô mong ước có một ngôi trường dạy nghề cho các em khuyết tật, có đủ nơi ăn, chốn ở nội trú, một ngôi trường theo hướng thiên nhiên hoá, quy mô nông trại để kết nối việc tự lập của các em với cuộc sống gần gũi thiên nhiên.

Trong số hơn 200 trẻ khuyết tật, tự kỷ đến với cô giáo Nhị, thì đã có gần 50 trẻ "tốt nghiệp thành công", hoà nhập tốt với cuộc sống, đấy là những động lực to lớn giúp cô Nhị vượt mọi khó khăn. Thực tế là hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh ở các tỉnh tìm đến trường mầm non Bình Minh, với mong muốn đem lại cho con em mình những cơ hội hòa nhập.

Tùng Dương