Trong thời gian nghỉ 1 tuần để phòng dịch cúm Corona theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hệ thống Giáo dục Lômônôxốp đã tích cực triển khai công tác phòng chống dịch cũng như các phương án dạy và học cho các em học sinh của nhà trường.
Trường Lômônôxốp sáng ngày 3/2/2020. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp Hà Nội, cho biết: “Lần này học sinh được nghỉ học hoàn toàn trong 1 tuần nên chúng tôi không cho thêm bài tập, đã cho bài từ trước khi nghỉ Tết rồi và giáo viên sẽ nhắc học sinh hoàn thành nốt.
Toàn bộ chương trình dạy học sẽ tạm dừng lại ở đó, nếu có chỉ đạo tuần sau đi học lại thì nhà trường sẽ tiếp tục dạy chương trình mới.
Chắc chắn việc nghỉ học toàn bộ để chống dịch Corona như thế này thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có phương án để cho học sinh học bù chương trình.
Trước khi có chỉ đạo của Sở cho học sinh nghỉ học, nhà trường cũng đã tích cực chuẩn bị phương án đồng ý cho những học sinh nào có nhu cầu xin học ở nhà (học online) để phòng dịch, các học sinh khác vẫn đến trường học bình thường.
Trước ngày đi học trở lại sau Tết, khi nghe tin về dịch cúm Corona thì có tới 800 học sinh trong tổng số 4000 học sinh làm đơn xin nghỉ ở nhà để đảm bảo sức khỏe.
Về việc học online thì hiện nay nhà trường đã có hướng dẫn từ trước và cũng đã tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhưng vì có cả bậc Tiểu học nên chúng tôi phải tập huấn lại.
Hơn nữa, tổ chức học online có một việc khó là không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện lắp đặt thiết bị thông minh kết nối mạng đạt chuẩn cho việc học tập.
Với bậc Tiểu học: Thứ nhất là tập huấn chương trình chuẩn bị sách giáo khoa, thứ 2 là công tác chủ nhiệm cần phải ngay lập tức thống kê xem gia đình các học sinh có phương tiện kết nối mạng hay không.
Nếu gia đình các em không có thiết bị thì rất có thể giáo viên chủ nhiệm sẽ phải tập hợp một nhóm học sinh nào đó để dạy”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: "Toàn bộ chương trình dạy học sẽ tạm dừng lại ở đó, nếu có chỉ đạo tuần sau đi học thì nhà trường sẽ tiếp tục dạy chương trình mới". Ảnh: Tùng Dương. |
Giờ ra chơi của học sinh Trường Lômônôxốp Hà Nội trong năm học vừa qua 2019. Ảnh: Tùng Dương. |
Về công tác đảm bảo vệ sinh phòng dịch Corona trong nhà trường, thầy Cường cho biết: “Nhà trường đã chuẩn bị 10 nghìn chiếc khẩu trang để phát cho học sinh và các giáo viên trong toàn trường.
Toàn bộ khuôn viên nhà trường và các phòng học, các trang thiết bị dùng cho học sinh đều được tẩy trùng hàng ngày.
Bổ sung thêm nhiều khay xà phòng rửa tay ở khu vệ sinh, thêm nước diệt khuẩn tại lớp cho học sinh dùng và toàn bộ nước uống đều được làm ấm.
Cho đến nay chúng tôi cũng chỉ biết làm như vậy, chứ cũng không biết phải làm gì hơn.
Hiện nay chúng tôi đang đợi chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để xem việc nghỉ học có kéo dài tiếp hay không? Học sinh toàn bộ hệ thống của chúng tôi rất đông nên việc học online gặp khó khăn.
Học sinh trường Đoàn Thị Điểm làm bài tập online trong thời gian nghỉ chống dịch |
Việc online này chỉ hợp với số lượng học sinh ít, còn nếu đại trà thế này thì chỉ còn biết đợi việc kéo dài chương trình học của Sở.
Còn nếu Sở không kéo dài lịch học thì chúng tôi cũng có thuận lợi là học 2 buổi 1 ngày nên cũng không lo lắm về tiến độ như những trường chỉ học nửa buổi 1 ngày.
Nhưng nói như vậy chứ thực ra việc nghỉ kéo dài nó cũng ảnh hưởng đến chương trình mà nhà trường đã định, có thể sẽ phải gộp giờ gộp tiết, học thêm cả ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật.
Thời gian quy định giáo trình chỉ có từng đó và đến ngày giờ này phải kết thúc để học sinh thi hết năm, thi vào lớp 10, thi hết lớp 12… nên việc đó các cơ quan quản lý giáo dục sẽ có giải pháp.
Số tiết học đã được quy định như pháp lệnh rồi, với giáo trình này phải dạy đủ số tiết học, đủ kiến thức và học sinh còn phải có thời gian rèn luyện nữa chứ đâu phải chỉ học trên lớp.
Với thực tế như hiện nay thì chúng tôi cũng đã có vài phương án về dạy bù, dạy online… nhưng một mặt vẫn phải đợi ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để vận dụng xem triển khai phương án nào cho thích hợp và hiệu quả với học sinh”.