E2 là diễn đàn về các sản phẩm giáo dục sáng tạo, với sản phẩm về các dự án STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược, đến các dự án của học sinh về việc bảo vệ môi trường, về bảo tồn văn hóa dân tộc, giáo dục kĩ năng sống, tình yêu thương bác ái cho học sinh…
Được đánh giá với 5 tiêu chí bao gồm: Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Đa dạng và hài hòa; Tăng cường tự chủ học sinh và ứng dụng công cụ của Microsoft.
Cô Bùi Diệu Linh - Giáo viên dạy môn Hóa học và các em học sinh lớp 12 Anh 2, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Tùng Dương. |
"Dự án hóa mỹ phẩm hữu cơ" của cô Bùi Diệu Linh - Giáo viên dạy môn Hóa học Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đoạt giải đặc biệt, với các sản phẩm sáng tạo phục vụ giáo dục tại Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft và Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Linh, cho biết: “Sản phẩm dự án “Hóa mỹ phẩm hữu cơ” được tôi triển khai thực hiện xuyên suốt học kì I năm học 2019 - 2020 ở bốn lớp chuyên ngoại ngữ của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Nhiệm vụ thực tiễn của học sinh là chiết xuất tinh dầu thiên nhiên hoặc điều chế xà phòng hữu cơ an toàn, sau khi các em học chương este - lipit ở lớp.
Từ kiến thức cốt lõi liên quan của môn Hóa học, Vật lí đến phát triển các kĩ năng thế kỷ XXI. Đặc biệt là nâng cao khả năng ứng dụng thế mạnh ngoại ngữ cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cộng tác, làm việc nhóm cùng nhau để giải quyết nhiều vấn đề khó.
Các công cụ Forms, PowerPoint, Excel, OneDrive, Sway, Facebook, Canva đã hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động trao đổi, báo cáo, đánh giá trong dự án này.
Dự án học tập của tôi muốn nhấn mạnh vào phương pháp dạy học dự án, giáo viên dạy học nhưng vẫn lồng ghép và sử dụng các phương tiện, công cụ của Microsoft, cũng như ứng dụng các công nghệ thông tin một cách linh hoạt và hiệu quả nhất.
Tôi dạy môn Hóa, và chủ đề học tập trong chương 1 của sách giáo khoa môn Hóa lớp 12 là học về este và lipit, trong đó phần ứng dụng của nó có liên quan đến vấn đề của hóa mỹ phẩm hữu cơ.
Với nội dung lý thuyết trên lớp như vậy, nên tôi muốn mở rộng hoạt động học tập cho sáng tạo hơn và học sinh khi tiếp thu kiến thức phải thấy thoải mái, tự nhiên và hứng thú với những kiến thức môn Hóa học.
Nếu chỉ dạy lý thuyết không thôi thì việc học dễ bị nhàm chán với những kiến thức khó và khô khan, nhất là với những học sinh không phải lớp chuyên Hóa.
Nếu chỉ dạy lý thuyết không thôi thì việc học dễ bị nhàm chán với những kiến thức khó và khô khan, nhất là với những học sinh không phải lớp chuyên Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Một mặt thì chương trình chúng tôi vẫn phải đảm bảo dạy theo quy định của Bộ. Nhưng hoạt động ở đây như lớp học đảo ngược, giao nhiệm vụ hoặc những hoạt động trải nghiệm ở ngoài giờ, để học sinh có những liên hệ với kiến thức trọng tâm đang được học trên lớp.
Trong dự án này, học sinh sẽ được làm các sản phẩm xà phòng hữu cơ có các hương liệu và mùi tự nhiên khác nhau.
Ngoài ra học sinh còn tự nghiên cứu chiết xuất các sản phẩm tinh dầu có nguồn gốc từ tự nhiên, từ thực vật như tinh dầu bưởi, dầu xả, dầu dừa, dầu gấc…
Qua đó học sinh hiểu thêm được việc ứng dụng những sản phẩm này trong cuộc sống ra sao, cũng như trong quá trình làm các em cũng sẽ ý thức được sử dụng nguyên vật liệu thế nào, quy trình làm ra sao để giảm thiểu nhất việc tác động đến môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng”.
Cô Bùi Diệu Linh (người ở giữa) trong Lễ trao giải đặc biệt Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft và Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Giải quyết mọi vấn đề thông qua công nghệ thông tin
Tất cả những hoạt động này học sinh đều tự làm ở nhà với sự điều tiết hướng dẫn của tôi, nhưng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin. Như vậy các em sẽ chủ động hơn về thời gian và có thể làm một mình hoặc theo nhóm đồng sở thích.
“Trong quá trình học sinh làm việc ở nhà, nếu gặp khó khăn gì thì các em có thể liên hệ với tôi qua các ứng dụng công nghệ thông tin.
Có thể nói dự án học tập này chính là một hình thức đổi mới mà học sinh phải tự chủ động học nhiều, làm các hoạt động từ xa và những trải nghiệm đó sẽ tác động đến việc học tập ở trên lớp, giúp cho các em thấy hứng thú hơn, tò mò hơn và kích thích tìm hiểu để tự giải đáp những thắc mắc của cá nhân.
Với những môn thực nghiệm như môn Hóa, môn Lý thì chắc chắn các em sẽ gặp thất bại nhiều, nhưng chính từ những thất bại đó sẽ khiến cho học sinh càng phải mầy mò suy nghĩ, cũng như sử dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu. Đó cũng chính là việc học thông qua thực hành và ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong quá trình các con thực hành, nếu khúc mắc chỗ nào mà cần đến sự giúp đỡ của tôi thì các em sẽ để lại câu hỏi, lời nhắn qua phần mềm công nghệ thông tin. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Đây cũng chính là một trong những mục đích dạy học dự án là ứng dụng công nghệ thông tin cũng như ngoại ngữ trong việc học kiến thức. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Hiện nay học sinh hay dùng các ứng dụng như Skype, Facebook socila learning, chát video call, ngoài ra các em phải quay video lại toàn bộ quá trình hoạt động trong khi làm việc, sau đó đẩy lên “đám mây” rồi chuyển đường Link cho giáo viên.
Sau mỗi hoạt động đó thường có sự đánh giá, lúc này tôi sử dụng công nghệ Froms của Microsoft, với ứng dụng này giúp cho học sinh nhìn thấy sản phẩm và đánh giá lẫn nhau, giáo viên như tôi cũng qua đó mà đánh giá kết quả của học sinh.
Trong quá trình các con thực hành, nếu khúc mắc chỗ nào mà cần đến sự giúp đỡ của tôi thì các em sẽ để lại câu hỏi, lời nhắn qua phần mềm công nghệ thông tin.
Đối với hoạt động dự án, nhất là đối với môn Hóa cũng như các môn thực hành thì thường có câu hỏi rất dài, có thể hôm nay học sinh thất bại vì chưa tìm được phương án nên sẽ phải tạm dừng lại.
Đến buổi sau học sinh sẽ phải quay lại để thực hiện tiếp sau khi đã tìm được thông tin cần thiết hoặc có sự giúp đỡ từ giáo viên. Tôi vừa giúp học sinh cách ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học tập, đồng thời giải đáp thắc mắc cho các em.
Nhưng học sinh Trường Amsterdam rất năng động, sáng tạo và giỏi ngoại ngữ, vậy nên học sinh không chỉ hỏi giáo viên mà còn biết cách khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Đây cũng chính là một trong những mục đích dạy học dự án là ứng dụng công nghệ thông tin cũng như ngoại ngữ trong việc học kiến thức.
Bản thân tôi khi đang học đại học thì cũng đã được học các ứng dụng của Microsoft, sau này khi đi dạy thì tôi thấy nó rất hữu ích, giúp tăng cường khả năng kết nối giữa học sinh với giáo viên.
Trong quá trình triển khai dự án này thì vấn đề khó khăn lớn nhất đối với tôi là thời gian, các công cụ của Microsoft đã rất hay như vậy, nhưng tôi vẫn phải suy nghĩ xem nên khai thác như thế nào để phù hợp với dự án của mình.
Bản thân giáo viên chúng tôi cũng rất nhiều tiết dạy ở trên lớp, cũng như các hoạt động nghiên cứu, học hỏi…vậy nên việc sắp xếp thời gian thế nào cho tốt nhất để tiện cho việc thực hiện dự án.
Qua mỗi một năm làm dự án tôi lại tự rút ra kinh nghiệm, tự đánh giá từng bước và việc sắp xếp thời gian xem đã hiệu quả hay chưa, khâu này mình nên thay đổi ra sao cho khoa học hơn đối với học sinh, tất cả với mục đích tăng cao hiệu quả của dự án, cũng như việc học tập của các em. Đây cũng là việc học tập liên tục”, cô Linh cho biết.