Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
Cũng từ đó, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày mà toàn dân thể hiện sự tôn vinh, tri ân những người hoạt động trong ngành giáo dục.
Nhưng thật đau xót, ngay tại thời điểm tháng “tri ân” này, thầy giáo Nguyễn Văn Chính, giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thuận 1, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - nhân vật trong bài viết Huyện Vĩnh Thuận không chỉ có 1 nhà giáo phải “nước mắt chan cơm” được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải số ra ngày 13/10/2019 lại phải tiếp tục gửi đơn đến Báo kêu cứu đầy khẩn thiết.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, hiện nay, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có hàng trăm nhà giáo bị cắt, chặn chế độ phụ cấp thâm niên và ưu đãi, mặc dù họ có đủ các điều kiện được thụ hưởng chế độ này.
Sau khi sự việc được đăng tải, các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang và huyện Vĩnh Thuận đã “vào cuộc” để xử lý.
Sự quán triệt chỉ đạo của địa phương trong việc “rà soát” lại chế độ nhà giáo đã được các cơ sở giáo dục của huyện Vĩnh Thuận thực hiện, trong đó có Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thuận 1, đơn vị đang quản lý thầy giáo Châu Văn Chính.
Mặc dù hiện tại thầy Chính đang bị nhiều bệnh nan y, sức khỏe suy kiệt vì bệnh tình giày vò nhưng thầy vẫn cố gắng tham dự tất cả các cuộc họp, các buổi làm việc do nhà trường tổ chức để “rà soát” chi trả chế độ cho thầy.
Biên bản về việc họp hội đồng thẩm định và xét duyệt đề nghhij hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo (Ảnh: Nguyễn Phan). |
Gửi cho chúng tôi biên bản thẩm định xét duyệt đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo được Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thuận 1 lập ngày 09/11/2019, thầy Chính cay đắng nói:
“Tôi chỉ cần nhà nước trả lại chế độ chính đáng cho tôi, và tôi chỉ cần những người có chức quyền trong nhà trường làm việc cho đúng pháp luật thôi. Với tôi, trả lại chế độ chính đáng cho tôi đã được xem là sự “tri ân” rồi”.
Dường như những cuộc họp mang tính chất “rà soát”, “xem xét” được tổ chức tại Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thuận 1 đã và đang góp phần tạo nên sự ức chế tinh thần, góp phần vào sự hủy hoại sức khỏe của thầy giáo Chính (?)
Nhìn gương mặt hốc hác, thất thần đầy lo lắng xen lẫn phẫn uất của thầy Chính khiến chúng tôi rất xót xa.
Thầy Châu Văn Chính cho biết, thầy chỉ mong muốn hội đồng thẩm định của nhà trường thực hiện đề xuất lên cấp trên những nguyện vọng của thầy và đề nghị để cấp trên xét duyệt cho thầy được hưởng 28% phụ cấp theo số năm công tác (đã trừ thời gian tập sự) nhưng đề xuất của thầy lại bị chính những người “có quyền” trong nhà trường bác bỏ thẳng tay.
Thầy Châu Văn Chính đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định của pháp luật, tại sao vẫn bị cắt chặn?
Xét theo điều kiện được hưởng phụ cấp thâm niên được quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 54/2011: “Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên”, thầy Châu Văn Chính đã đáp ứng đầy đủ điều kiện này.
Đồng thời, Điểm a, Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011, quy định đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
“Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15)” được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1 Thông tư số 27/2018/TT-BGDĐT ngày 25/10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối tượng hưởng phụ cấp thâm niên là “các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) hoặc các hạng viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (các hạng có các ký tự đầu của mã số hạng là V.07)”, thầy Châu Văn Chính cũng hoàn toàn đáp ứng được đúng theo các quy định nói trên.
Huyện Vĩnh Thuận rà soát trả phụ cấp ưu đãi và thâm niên cho nhà giáo |
Theo sổ Bảo hiểm xã hội, thầy Châu Văn Chính có thời gian tham gia tính đến tháng 9/2019 là 30 năm (thầy Chính được tính tham gia Bảo hiểm xã hội từ tháng 9/1989).
Cũng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 68/2011, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên của thầy Châu Văn Chính sẽ được xác định bằng tổng các thời gian: “Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập”.
Và, theo quy định tại Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 13/3/2012 về việc triển khai thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mốc giảm trừ thời gian tập sự của thầy Châu Văn Chính sẽ là 18 tháng.
(Thời điểm tuyển dụng, thầy Chính là giáo viên có trình độ trung học chuyên nghiệp, theo Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 13/3/2012, lấy thời điểm được tiếp nhận công tác đầu tiên (theo sổ bảo hiểm xã hội) làm mốc thời gian tập sự tương ứng với trình độ chuyên môn khi tuyển dụng chính thức.
Thời điểm được tiếp nhận công tác đầu tiên của giai đoạn nào thì áp dụng quy định thời gian tập sự tương ứng.
Mốc thời gian từ ngày 02/12/1998 trở về trước quy định trừ thời gian tập sự đối với giáo viên có trình độ trung học chuyên nghiệp là 18 tháng, do thời điểm tuyển dụng thầy Chính có bằng trung học chuyên nghiệp nên trừ tập sự 18 tháng - tác giả).
Như vậy, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, sau khi trừ thời gian tập sự, thầy Chính phải được xét hưởng chế độ phụ cấp thâm niên là 28%.
Nhưng thật đáng buồn, cho tới nay, những cá nhân có “chức quyền” trong Hội đồng xét duyệt đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của Trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thuận 1 vẫn cố tình “trả giá” để nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ % phụ cấp thâm niên chính đáng của một nhà giáo đang mang trọng bệnh.
Cách làm trái đạo đức, đạo lý và trái pháp luật của các cá nhân này đã gây ra rất nhiều những bất công và cũng gây ra sự hoang mang, mất niềm tin cho nhà giáo ngay trong những ngày cả nước hân hoan, chào đón ngày Lễ “tri ân nhà giáo” nên rất cần được các cấp có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận nghiêm túc xử lý.
Đồng thời, qua sự việc này, mong rằng cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thuận cần xử lý nhanh chóng và dứt điểm vụ việc để hàng trăm nhà giáo không còn phải khắc khoải ngóng chờ.