Chọn nghề để khởi nghiệp
Bài học từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, ý chí tự làm chủ của con người phải được tôi luyện trong hệ thống giáo dục và xã hội ngay từ khi còn nhỏ.
Vì vậy, việc cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp.
Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp – Quốc gia khởi nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” dành cho học sinh – sinh viên trên cả nước.
Trong trái tim của những người trẻ ấy tràn đầy ngọn lửa khát vọng, rất nhiều ý tưởng đã và đang được ấp ủ, sau khi nghe những câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhiều em đã quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn để bứt phá khởi nghiệp.
Dưới bóng nắng sân trường, nơi đã từng chi chít hố bom, các em học sinh đã được tan tỏa tinh thần khởi nghiệp, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Lại Cường |
Từ Phú Thọ, Hải Dương, Bắc Ninh đến miền nắng gió Quảng Trị, đâu đâu các em cũng rất hào hứng với tinh thần khởi nghiệp trước ngưỡng cửa của cuộc đời.
Nhiều câu hỏi, băn khoăn được các em đặt ra là sẽ học theo đam mê, yêu thích của bản thân hay phải gạt bỏ để phù hợp với ước muốn của gia đình?
Thế giới sau trang sách, sau cánh cổng trường đầy nhiệm màu và thách thức ước mơ. “Con phải làm gì để phù hợp với thế giới ngoài kia?” Đó là câu hỏi của không ít các em học sinh ở độ tuổi trung học phổ thông dành cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Tại trường Trung học phổ thông Phương Xá (huyện Cẩm Khê – Phú Thọ), em Nguyễn Thị Hồng Nhung – học sinh lớp 10 A5 nêu câu hỏi:
“Em từng xem một bức tranh nổi tiếng nói về vị thần cơ hội có một chỏm tóc. Thực tế, trong cuộc sống có nhiều người không nhận ra được cơ hội để cho mình thăng tiến hay tạo nên bước ngoặt thay đổi cuộc đời của mình. Vậy xin hỏi Giáo sư, làm sao để nhận biết đấy là cơ hội đến với mình?”.
Hay như ở Trường trung học phổ thông Kỹ thuật Việt Trì (Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ), nhiều em đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về cơ hội và thách thức của các em trong thời kỳ cách mạng 4.0, các em có nhất thiết phải vào đại học?
Học nghề gì, chọn ngành gì cho phù hợp với năng lực của bản thân vẫn là những trăn trở của các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cũng như ở Phú Thọ, ở Bắc Ninh, ở Hải Phòng, Hải Dương… các em học sinh đều gửi tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trăn trở về việc mình sẽ phải học gì để có thể phù hợp với năng lực của bản thân.
Người thắp lửa dưới mưa tại mái trường của sự Thống nhất, Tái hợp và Hồi sinh |
Trước những câu hỏi đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã khuyên các em học để trở thành người tự do, thành công dân toàn cầu, để tự tin hội nhập với thế giới. Nếu có đam mê hãy mạnh dạn khởi nghiệp trên chính quê hương mình.
Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng luôn đưa ra khuyên các em học sinh phải học thật giỏi ngoại ngữ, bởi đó là phương tiện cần thiết để tiếp cận được khoa học, kỹ thuật tiên tiến nhất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Những câu chuyện về các tấm gương như Mười Bơ, tỷ phú Lê Văn Xê, chị Lê Thị Thắm giải Nhất tỉnh Thanh Hóa viết chữ đẹp mặc dù không có cánh tay; anh Trần Hồng Giang bị bại liệt nhưng vẫn tự học tiếng Anh và trở thành biên dịch viên…. đã thắp lửa, gieo đam mê và sự tự tin cho nhiều bạn trẻ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trăn trở: "Các em phải tự hỏi bản thân mình tại sao có những người khuyết tật, những người ít học họ lại làm được và trở nên thành công còn mình lành lặn, được ăn học lại không làm được như họ?".
Có khát vọng, có động lực nhưng cũng không ít học sinh trăn trở: “Vốn ít, không học đại học, chúng em có thể khởi nghiệp thành công?”…
Những bài học khởi nghiệp thành công như anh Lê Văn Xê, Mười Bơ… là những tấm gương các em có thể noi theo.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động sản xuất, kinh doanh là những gợi ý đầy ý nghĩa với các em.
Với những câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhiều em đã mạnh dạn không học đại học, đi học nghề, khởi nghiệp bằng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao, làm giàu trên chính quê hương mình.
Chúng em phải làm gì trên vùng đất khó?
Tháng 5 ở Quảng Trị, khi những cơn gió Lào quệt qua là những ngày mặt đường khô khốc, lá cây khô héo xào xạc theo những đợt nóng khủng khiếp.
Học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đông hà, Quảng Trị) được truyền cảm hứng từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Lại Cường. |
Thời tiết ở Quảng Trị những ngày này thật kỳ lạ. Không chỉ vượt cái nắng đến cháy da, cháy thịt, thầy trò chúng tôi còn phải đối mặt với những cơn mưa tầm tã.
Mới lúc sáng, cả thầy và trò cùng “ngược nắng” ướt đẫm mồ hôi thì sang đầu giờ chiều, những cơn mưa xối xả đổ xuống, rất nhanh rồi tạnh, nhưng cơn mưa bất chợt ấy lại khiến sân trường đặc một mùi ẩm của đất lẫn bê tông bốc lên.
Hướng Hóa, Thành Cổ, Làng Vây… là địa danh mà những người lính tuổi 20 đã ngã xuống, nơi họ nhập hồn vào những cánh rừng bạt ngàn xanh bất tận, vào gió trời, mạch nước cao nguyên đang rì rầm kể mãi về những tháng năm khói lửa “binh đao”, chiến trận.
Sau những năm tháng khói lửa ấy, giờ đây thế hệ con em họ được gặp, được nghe lời khuyên, những chia sẻ chân tình từ nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam nói về khởi nghiệp, lựa chọn ước mơ.
Những ước mơ ấy của các em sẽ góp phần vào màu xanh quê hương, vào sự trù phú của mảnh đất mà thế hệ cha anh đã ngã xuống để đổi lấy hòa bình.
Trong những ngôi trường đang thắp lên những ước mơ của tuổi học trò, chúng tôi đã gặp không ít những ánh mắt sáng ngời, tự tin hơn gấp nhiều lần khi được nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện về khởi nghiệp.
Từ những miền cát trắng, các cô cậu học trò thi nhau gửi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng những câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” để làm giàu cho quê hương Quảng Trị.
Từ mảnh đất hướng hóa dày đặc bom đạn chiến tranh, những mầm xanh được thay thế, tinh thần khởi nghiệp của các em đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương. Ảnh: Lại Cường. |
Ở Hải Lăng, sau hơn 40 năm khói lửa chiến tranh, thời gian đã làm hồi sinh, khởi sắc và phát triển.
Cũng như nhiều miền quê khác, những cô cậu học trò đang vun đắp ước mơ đã đặt ra nhiều câu hỏi đặc biệt đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Em Thạch Thảo - học sinh lớp 12B7 Trường Trung học phổ thông Hải Lăng (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) hỏi rằng em phải làm gì để làm giàu ngay trên quê hương mà không phải vào thành phố?
Trước câu hỏi gửi gắm nhiều tâm sự của các em học sinh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cổ vũ, động viên Thạch Thảo bởi tấm lòng của em dành cho quê hương.
Đó là Thảo nên giữ vững ngọn lửa niềm tin đó, chọn cho mình một ngành phù hợp với bản thân và trở thành chuyên gia trong ngành nghề đó. Khi trở thành chuyên gia về ngành nghề đó, em sẽ tự trả lời được quê hương đang cần gì và bản thân phải làm gì cho quê hương.
Hay tại huyện miền núi Đakrong, nhiều em học sinh người dân tộc thiểu số Vân Kiều cũng tràn đầy nhiệt huyết khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và quê hương.
Đáp lại những khát vọng ấy, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng mong các bạn trẻ người dân tộc Vân Kiều hãy tự tin, phấn đấu học tập, tự học tập để trở thành người có ích cho xã hội, trở thành những người có trí lực, nghị lực để có thể làm giàu ngay tại quê hương.
Trước một số băn khoăn của các em học sinh về những khó khăn của Quảng Trị nói chung và Đakrông nói riêng về điều kiện đất đai khó khăn, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhắc đến “Bài ca vỡ đất” của nhà thơ Hoàng Trung Thông để động viên các em.
Thầy Dũng khuyên các em đừng sợ khó khăn bởi “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, các em hãy khắc phục khó khăn, chịu khó học tập, đặc biệt là những môn học ứng dụng mà các em có thể giúp bố mẹ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Tại vùng Hướng Hóa, Khe Sanh, nơi có những địa danh nổi tiếng khắp thế giới, nhiều em học sinh đã trăn trở hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về hành trình ước mơ xây dựng nông nghiệp xanh tại quê hương.
Các em học sinh người dân tộc Vân Kiều gửi tới Giáo sư nguyễn Lân Dũng lời chia sẻ, trăn trở và ước mơ làm giàu cho quê hương. Ảnh: Lại Cường |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã có những gợi ý rất thiết thực từ những thương hiệu sẵn có như cà phê Khe Sanh, hồ tiêu... những cây nông nghiệp thế mạnh tại địa phương. Các em học sinh đều hào hứng chia sẻ về những ước mơ khởi nghiệp khác nhau.
Trong số đó, em Hồ Thanh Nhã Uyên - học sinh Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp từ việc học Ngoại ngữ, vì em muốn tiếp cận tri thức và kinh nghiệm của các nước trên thế giới rồi ứng dụng làm giàu cho quê hương.
Câu chuyện lan tỏa khởi nghiệp không chỉ là học sinh trung học phổ thông, mà ở những trường trung học cơ sở như Thành Cổ, Hải Tân… các em cũng đã chia sẻ những ước mơ tương lai sau khi nói chuyện với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Dưới nắng gió của đất Quảng Trị tháng 5, dưới bóng sân trường trước kia là những hố bom được lấp bằng tiếng hát lao động của thầy và trò, các thế hệ học sinh trưởng thành cứ lần lượt đem theo ước mơ khát vọng của tuổi trẻ đi đến những miền xa của Tổ quốc.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa mà Báo điện tử Giáo dục Việt nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, nhà giáo nhân dân nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường. Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. |