Bên lề cuộc hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị tổ chức tại trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị, phóng viên đã có dịp trò chuyện với thầy giáo Trần Ngọc Long, Tổ trưởng tổ Văn nhà trường.
Với sự phát triển của thời đại công nghệ, việc dạy văn đã và đang đặt ra nhiều thách thức cũng như nhiều thuận lợi đối với các thầy cô giáo trong truyền tải kiến thức cho các học sinh.
Thầy giáo Trần Ngọc Long cho biết, để dạy tốt được môn văn trong điều kiện phát triển như hiện nay, trước hết các thầy cô giáo phải biết tự làm mới mình, không ngừng trau dồi:
“Ở đây, các thầy giáo cô giáo không chỉ trau dồi kiến thức mà còn cả các kỹ năng chuyên môn để phù hợp với hoàn cảnh thực tế của học sinh.
Nếu trước đây học văn thường theo kiểu truyền thụ một phía, thầy đọc trò ghi thì ngày nay đã khác rất nhiều.
Trần Ngọc Long, Tổ trưởng tổ Văn trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị. (Ảnh: LC) |
Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình rằng các thầy đừng coi học sinh là những chiếc bình đổ kiến thức, người thầy dạy học chỉ biết trút kiến thức vào. Mỗi học sinh đều có những khả năng riêng, nếu cứ đổ kiến thức vào thì hoàn toàn không có tác dụng. Các thầy hãy coi học sinh mình là những ngọn nến, việc của các thầy phải thắp sáng những khả năng, ước mơ và khát vọng trong các em.
Môn Văn nói riêng và các môn học trong trường phổ thông khác nói chung đều có sự vận dụng rất lớn trong cuộc sống.
Riêng môn Văn là môn theo các em suốt cả cuộc đời bởi ở đó là sự biểu đạt tư duy, ngôn ngữ và học văn là học làm người.
Do đó, dạy văn không nhất thiết bắt các em phải trở thành người này người kia nhưng các thầy làm sao để các em yêu thích và cảm thụ môn học theo những cách tự nhiên nhất để từ đó các em có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống của mình. Tùy theo từng khả năng, các em có cách biểu đạt và áp dụng khác nhau”.
Nói về việc dạy Văn trong điều kiện hiện nay, thầy Long cho biết, việc dạy văn hiện nay có nhiều thuận lợi hơn khi các phương tiện truyền tải nội dung tác phẩm văn học có rất nhiều.
Những video, clip hay những bộ phim về các tác phẩm văn học chuyển thể. Qua đó các em dễ nắm, dễ tưởng tượng tinh thần, nội dung của tác phẩm hơn. Việc áp dụng công nghệ vào dạy văn sẽ mở rộng các phương tiện truyền đạt hơn.
Tuy nhiên, không có nghĩa là các thầy cô giáo chỉ phụ thuộc vào công nghệ bởi dạy Văn mang tính đặc thù cao. Do đó thầy cô giáo cần có định hướng cụ thể, truyền cảm hứng cho học sinh trong việc cảm thụ các tác phẩm văn học.
Học và thi phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn
Cũng theo thầy giáo Trần Ngọc Long, với học sinh trung học phổ thông, việc học và thi là điều rất quan trọng.
Không thể nói thầy cô giáo dạy văn hay, các em cảm thụ được nhưng thi điểm kém được. Nhất là đối với đặc thù trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị khi các em theo khối tự nhiên nhiều hơn khối xã hội.
Do đó, để đạt kết quả tốt trong học tập và giảng dạy đòi hỏi người thầy phải có những kế hoạch cụ thể cho việc học và thi sao cho hiệu quả.
Chia sẻ về kinh nghiệm này, thầy Long cho biết: “Trước hết, Giáo viên phải căn cứ vào kết quả bài kiểm tra của học sinh để điều chỉnh cách dạy của mình sao cho phù hợp với đối tượng người học.
Sau mỗi tiết học, giáo viên phải cho học sinh làm các dạng bài tập về các đề thi từ trước đến nay có liên quan đến nội dung bài học để học sinh luyện tập dần.
Để làm được việc này, ngay từ đầu năm học, Tổ Ngữ văn căn cứ vào kế hoạch ôn tập thi Trung học phổ thông quốc gia của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu nhà trường và thực tiễn chất lượng học sinh lớp 12 để xây dựng nội dung, kế hoạch ôn tập trong tiết học chính và tiết phụ đạo một cách thích hợp.
Nội dung, kế hoạch ôn tập thi Trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn phải bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng và ma trận, mẫu đề thi minh họa hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Học sinh trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị là một trong những điểm sáng của Giáo dục tỉnh Quảng Trị với nhiều thành tích cao. (Ảnh: LC) |
Tổ chức làm bài kiểm tra 1 tiết, kiểm tra học kì chung cho cả khối 10, khối 11, khối 12 theo ma trận đề với đủ các phần: đọc - hiểu, viết đoạn văn nghị luận xã hội và làm bài văn nghị luận văn học để học sinh được rèn luyện kĩ năng làm bài thi theo mẫu đề thi Trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ lúc học lớp 10.
Đặc biệt chú ý cho học sinh làm quen với hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và cách cho điểm từng phần để học sinh luyện tập dần dần trong năm học.
Cần linh hoạt, đa dạng hình thức ôn tập cho học sinh với những phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy, trò chơi đố vui để học, luyện tập nhanh... để học sinh dễ nhớ dễ thuộc.
Tăng cường kiểm tra bài cũ, vở soạn, vở ghi, việc làm bài tập, việc học bài cũ của học sinh để theo dõi cụ thể năng lực học môn Ngữ văn của từng học sinh trong lớp mình dạy nhằm có kế hoạch bổ sung kiến thức cho từng em với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “dạy học không bỏ rơi”.
Nhiều em có năng khiếu văn học nhưng chọn thi các khối tự nhiên |
Cần có sự phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để động viên các em tích cực ôn thi trung học phổ thông quốc gia môn Ngữ văn và các môn khác, tránh việc học tủ, học lệch nhằm đạt kết quả cao trong kì thi…”.
Nói về kết quả thực tiễn từ cách học văn và dạy văn từ Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị, thầy Long tự hào: “Dù nhiều em học sinh không chuyên văn và chủ yếu theo các ngành xã hội nhưng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị các em học sinh đạt điểm trung bình trên 6 điểm. Đây là kết quả xứng đáng cho nỗ lực của thầy và trò trong việc học và giảng dạy môn Văn”.