Khi các em được mặc ấm, tôi cũng thấy mát lòng

18/11/2019 06:39
Thùy Linh
(GDVN) - Thầy Vừ Mí Pó luôn lấy bản thân là một tấm gương để giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu được mục đích của việc cho con em đi học.

Vừ Mí Pó (sinh năm 1987), người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang trong gia đình bố mất sớm, mẹ vất vả nuôi 4 anh em ăn học.

Do hoàn cảnh khó khăn nên sau khi học xong chương trình phổ thông, Vừ Mí Pó đã tiếp tục theo học chuyên nghiệp tại trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang với chuyên nghành Giáo dục thể chất. 

Vừ Mí Pó cho biết: “Ngay sau khi ra trường vào tháng 6 năm 2009, tôi về địa phương để có thể được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho nền giáo dục của huyện nhà. Đến tháng 01/2010 tôi được nhận quyết định vào Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Xín Cái để công tác”. 

Với nhiệm vụ chính của thầy Pó là giáo viên giảng dạy bộ môn thể dục và giáo viên Tổng phụ trách Đội. 

Thầy Vừ Mí Pó vừa là giáo viên giảng dạy bộ môn thể dục vừa là giáo viên Tổng phụ trách Đội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Vừ Mí Pó vừa là giáo viên giảng dạy bộ môn thể dục vừa là giáo viên Tổng phụ trách Đội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Xín Cái là một trong các trường giáp biên cách xa trung tâm huyện, điều kiện thổ nhưỡng khí hậu khắc nghiệt quanh năm bao phủ bởi sương mù, mùa đông thời tiết nhiều lúc nhiệt độ xuống thấp thậm chí còn đóng băng, trình độ dân trí thấp, có nhiều phong tục lạc hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của các thầy cô giáo nơi đây trong đó có thầy Vừ Mí Pó. 

Qua chia sẻ được biết, mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy nhưng thầy Pó luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao từ việc giảng dạy, hướng dẫn học sinh học tập đến tổ chức các hoạt động, trò chơi, văn hóa văn nghệ để giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô. 

Thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các công việc thực tế như: Rửa bát, trồng rau xanh, các hoạt động tập thể của nhà trường, phối hợp với các nghệ nhân dân gian của xã để truyền dạy các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống cho các em. 

Và kêu gọi các nhà thiện nguyện, mạnh thường quân có lòng hảo tâm ủng hộ cũng như giúp đỡ các vật dụng cá nhân như: Chăn, màn, quần áo rét ... để giúp phần nào đó cho các em yên tâm học tập tại trường.

“Trong công tác vận động học sinh, tôi luôn lấy bản thân là một tấm gương để giải thích cho phụ huynh học sinh hiểu được mục đích của việc cho con em đi học, giải thích cho bà con nhân dân nắm được các loại chế độ. 

Thường xuyên tổ chức các buổi lao động giúp đỡ cho các em học sinh nhà neo người để từ đó các em có nhiều thời gian tham gia các hoạt động học tập trong trường. Tích cực tuyên truyền cho các em học sinh nắm được tác hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để từ đó giảm thiểu được tình trạng các em bỏ học giữa chừng và lấy chồng, lấy vợ sớm”, thầy Pó kể. 

Qua chia sẻ được biết, thầy Pó là giáo viên giới thiệu là gương giáo viên tiêu biểu tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.

Khi các em được mặc ấm, tôi cũng thấy mát lòng ảnh 2
Thầy Vừ Mí Pó (áo vàng) thường xuyên giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng các công việc thực tế trồng rau xanh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bằng sự nỗ lực cố gắng trong công việc, thầy Vừ Mí Pó đạt giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện các năm học 2014-2015; 2016- 2017; 2018- 2019.

Đặc biệt, về công tác Đội, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi do thầy Pó hướng dẫn như em Và Thị Say - chi đội 8A1 đạt giải nhất, em Ly Thị Dúa - chi đội 8A1 đạt giải khuyến khích cấp trung học cơ sở cuộc thi tìm hiểu về kiến thức dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể lực, phòng chống thừa cân, béo phì cho trẻ em năm 2018 do Báo Nhi Đồng và cục Y Tế dự phòng phối hợp tổ chức; 

Và em Sùng Thị Dính đạt giải nhất cuộc thi tìm hiểu pháp luật cấp tỉnh năm 2014 - 2015; em Phàn Thị Lan - chi đội 9A1 đạt giải khuyến khích cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 do Bộ thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (và đây cũng là em học sinh duy nhất của tỉnh Hà Giang đạt giải).

Thùy Linh