Ký túc xá Mỹ Đình nhếch nhác và trách nhiệm của ông Lê Văn Dục

27/12/2019 10:41
Vũ Phương
(GDVN) - Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư ký túc xá Mỹ Đình cũng là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành ký túc xá Mỹ Đình, nhưng lại buông lỏng.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh ký túc xá Mỹ Đình được Hà Nội giới thiệu kiểu mẫu, hiện đại bậc nhất, nhưng mới đi vào hoạt động được hơn 4 năm đã bắt đầu xuống cấp thảm hại, công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì bị buông lỏng.

Điều đáng nói, ký túc xá Mỹ Đình được đầu tư 979 tỷ đồng, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại được xây dựng được kỳ vọng sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn và thiết thực đối với sinh viên từ các tỉnh nghèo được thuê trọ giá rẻ.

Thay vì phải thuê trọ trong nhà dân giá cao, sinh viên được thuê trọ ký túc xá có giá chỉ 215.000 đồng mỗi tháng sẽ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo về Thủ đô an tâm đến giảng đường. 

Điểm danh doanh nghiệp, đơn vị hưởng lợi lớn từ ký túc xá Mỹ Đình
Điểm danh doanh nghiệp, đơn vị hưởng lợi lớn từ ký túc xá Mỹ Đình

Tuy nhiên, chỉ sau vài năm ký túc xá Mỹ Đình được quảng cáo là ký túc xá kiểu mẫu, ký túc xá đáng ở nhất Thủ Đô đã gây thất vọng lớn vì những hình ảnh nhếch nhác đập vào mắt phụ huynh, sinh viên đến ở trọ và tìm hiểu trước khi thuê trọ.

Tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới thấy, ký túc xá Mỹ Đình khiến nhiều sinh viên luôn thấy bất an vì vấn đề an ninh không được đảm bảo. Những cánh cổng ký túc xá luôn mở toang để phục vụ cho những cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại tầng 1.

Những doanh nghiệp, đơn vị đang vận hành, quản lý và cho thuê lại tầng 1 dịch vụ ký túc xá Mỹ Đình được Sở Xây dựng Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” chắc hẳn phải là những doanh nghiệp uy tín, lớn mạnh.

Đơn nguyên 3 do Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và đô thị MHDI3 và Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 quản lý, vận hành.

Theo đăng ký kinhd oanh, trụ sở Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 có địa chỉ số 14 ngõ 81 phố Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội).

Nói về Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299, chính là doanh nghiệp xảy ra vụ lùm xùm với một người dân trong việc cho thuê tầng 1 dịch vụ nhiều tỷ đồng.

Phóng viên khá bất ngờ, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 nằm tít sâu trong con ngõ nhỏ phố Mễ Trì Thượng. Một số nhà 14 có 2 công ty cùng hoạt động.

Đơn nguyên 5 do liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) và Công ty tư vấn đầu tư và kiểm định xây dựng Hà Nội DTB quản lý, vận hành.

Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 (bên trái) và Công ty tư vấn đầu tư và kiểm định xây dựng Hà Nội DTB (bên phải).
Trụ sở Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 299 (bên trái) và Công ty tư vấn đầu tư và kiểm định xây dựng Hà Nội DTB (bên phải). 

Theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, Công ty tư vấn đầu tư và kiểm định xây dựng Hà Nội DTB có địa chỉ số 30 phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội).

Phóng viên có mặt tại địa chỉ trên, nhưng không thấy biển bảng công ty tại căn nhà trên, chỉ có một biển bảng cũ đã mờ chữ của một viện nghiên cứu Hà Nội. Tầng 1 của căn nhà là cửa hàng kinh doanh.

Về chất lượng công trình mới đi vào sử dụng đã xuống cấp, trao đổi với phóng viên, một kỹ sư xây dựng đang làm việc tại Hà Nội thẳng thắn cho rằng, công trình mới đi vào sử dụng được hơn 4 năm đã bong tróc, thấm dột, hư hỏng có thể là chất lượng công trình có vấn đề.

Cụ thể để đánh giá chất lượng công trình phụ thuộc vào năng lực của những người tham gia xây dựng công trình (lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, khảo sát, thi công xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng và giám sát thi công xây dựng công trình);

Chất lượng công trình cũng phụ thuộc vào chất lượng vật liệu, vật tư và thiết bị lắp đặt vào công trình; phụ thuộc vào chất lượng thi công xây dựng; phụ thuộc vào chất lượng khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình; và phụ thuộc vào công tác quản lý chất lượng các khâu trong quá trình lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

Cũng theo vị kiến trúc sư này, trên đây là một trong số tiêu chí đánh giá chất lượng công trình xây dựng. Còn để đánh giá chất lượng công trình xây dựng còn nhiều tiêu chí khác nữa như đánh giá về mức độ an toàn, bền vững của công trình; đánh giá sự đáp ứng của công trình với các quy định về quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng được phép áp dụng cho riêng dự án đã nêu trong hợp đồng xây dựng hay đánh giá về mỹ thuật của công trình xây dựng…

Là người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng đến nay ông Lê Văn Dục, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng vẫn im lặng trước hàng loạt vấn đề tại Ký túc xá Mỹ Đình. Ảnh: Nguyễn Dũng
Là người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng đến nay ông Lê Văn Dục, Bí thư đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng vẫn im lặng trước hàng loạt vấn đề tại Ký túc xá Mỹ Đình. Ảnh: Nguyễn Dũng

Được biết, dự án xây dựng nhà ở học sinh, sinh viên Mỹ Đình do Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, bằng nguồn vốn trái phiếu 979 tỷ đồng.

Dự án xây dựng 3 cụm công trình nhà ở học sinh, sinh viên 21 tầng. Diện tích sử dụng đất là 16.900m2, diện tích xây dựng 6.100 m2, diện tích sàn 95.300 m2. Dự án hoàn thành đáp ứng chỗ ở khoảng 7.300 sinh viên.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ: sân vườn, cây xanh thảm cỏ ngoài nhà, sân tập thể thao ngoài trời… đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của sinh viên.

Trái lại với những gì quảng cáo khi dự án ký túc xá Mỹ Đình còn nằm trên giấy nào là ký túc xá kiểu mẫu, hiện đại nhất Thủ đô. Nay mới hơn 4 năm đi vào khai thác, sử dụng, ký túc xá Mỹ Đình xập xệ, xuống cấp do chất lượng thi công, còn dịch vụ bát nháo, nhếch nhác do sự quản lý của con người.

Ký túc xá Mỹ Đình biến thành nơi trông xe cho người dân xung quanh. Ảnh: Vũ Phương.
Ký túc xá Mỹ Đình biến thành nơi trông xe cho người dân xung quanh. Ảnh: Vũ Phương. 
Hầm gửi xe rộng rãi, nhưng trong khuôn viên thể thao, vui chơi của sinh viên biến thành bãi trông xe tự phát. Ảnh: Vũ Phương.
Hầm gửi xe rộng rãi, nhưng trong khuôn viên thể thao, vui chơi của sinh viên biến thành bãi trông xe tự phát. Ảnh: Vũ Phương. 

Để ký túc xá Mỹ Đình bị buông lỏng công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo trì yếu kém không thể không nhắc đến trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm tại đơn vị mình phụ trách.

Cụ thể, người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội là ông Lê Văn Dục – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội và ông Mạc Đình Minh, Giám đốc Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng Hà Nội.

Quy định về về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ rõ Về đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ, đảng viên: “Ði đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục”.

Kiên quyết không để lọt cán bộ xấu, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm
Kiên quyết không để lọt cán bộ xấu, tự diễn biến, tự chuyển hóa, lợi ích nhóm

Quy định về trách nhiệm nêu gương cũng nói về tự phê bình, phê bình: “Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa”.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên theo quy định: “Nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác.

Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm”.

Với những hình ảnh thực tế tại ký túc xá Mỹ Đình như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ông Lê Văn Dục, Bí thư Đảng ủy; ông Mạc Đình Minh, đảng viên đã thực hiện theo quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Bí thư Trung ương Đảng hay chưa?

Ngày 19/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội và Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời của hai đơn vị này. 

Vũ Phương