Nhật ký Pả Vi:

Làm sao trẻ em vùng cao có thể chống chọi được cái rét này?

06/01/2012 06:00
Kim Ngân (trích)
(GDVN) - Trở về sau chuyến từ thiện Pả Vi, trong cái rét buốt lạnh của Hà Nội, nhiều độc giả suy nghĩ làm sao học sinh Pả Vi qua được mùa đông này?

Chuyến đi từ thiện với báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến với học sinh vùng cao Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang ngày 16 – 19/12 vẫn để lại nhiều suy nghĩ, cảm xúc trong lòng độc giả tham gia cùng đoàn. Hãy cùng nghe những người lần đầu tiên được đặt chân đến với vùng cao, chứng kiến những hình ảnh thiếu thốn, cơ cực, buốt lạnh và sự chống chọi của các HS trên đó… Một độc giả đã phải thốt lên rằng: “Sao họ còn khó khăn và thiếu thốn đến thế, đến hạt gạo cũng không có mà ăn?”.

Nao lòng khi các em chỉ có chiếc áo phong phanh để đối chọi với trời giá rét…

Một độc giả xin được giấu tên đã gửi vài dòng chia sẻ, tâm sự về cảm nhận chuyến đi từ thiện, về những con người vùng cao rét buốt Pả Vi, Hà Giang.

Vì tôi sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, vùng cao miền núi Đông Bắc và thấu hiểu rõ cái rét buốt trong tiết trời giá lạnh cùng với sương muối bao phủ, nên tôi đã chuẩn bị đủ các dụng cụ để làm ấm cơ thể như găng tay, quần áo ấm, giầy… Đã quen lắm với cái rét tím tái ở vùng cao, nhưng tôi vẫn không thể tin được và thấy nao lòng khi các em học sinh ở đây chỉ có chiếc áo phong phanh để chống chọi.

11h trưa, chúng tôi đã đến điểm chính của trường tiểu học Pả Vi. Một ngôi trường được xây khang trang, chắc chắn. Tôi vui mừng thầm nghĩ:  “Vậy là các em đã có điều kiện được học tập tốt hơn rồi!”. Nhưng… thấy các em HS chỉ khoác trên mình chiếc áo Mông mỏng sờn cũ đứng khép chân run lên cầm cập khiến lòng tôi thắt lại, ứa nước mắt.

Các em nhỏ ở đây và cũng như nhiều trẻ em vùng cao khác vẫn còn nhiều khó khăn quá.Trong cái lạnh dưới 10 độ này, nhất là vào buổi đêm màn sương muối phủ xuống cái rét buốt khiến chân bọn trẻ tím tái, bàn tay nứt nẻ. Vậy mà các em vẫn đến trường với tấm áo cộc mỏng, vẫn với đôi dép tổ ong cũ kỹ sứt sẹo, không hề có tất ấm để đi…Những án h mắt tự nhiên, ngây thơ đến thật thà của các em trông thật đáng yêu vừa thấy thương thương...

Làm sao trẻ em vùng cao có thể chống chọi được cái rét này? ảnh 1

Xót xa hơn khi đoàn chúng tôi đến tặng quà các em học sinh ở điểm trường chính và điểm trường lẻ cũng như ghé thăm một số gia đình ở lưng chừng đèo Mã Pì Lèng. Lạnh lẽo, trống vắng vô cùng khi bước chân vào lớp học chỉ có vài em học sinh mở tròn mắt nhìn những đoàn người lạ.

Tôi bị hút hồn bởi một em bé rất xinh xắn, dễ thương. Em ngại ngùng, e thẹn khi tiếp xúc với người lạ. Nghe em kể về gia đình mình, tôi mới thấy được sự thiệt thòi của các em ở đây như thế nào. Em là em út trong gia đình có 7 anh chị em, các anh chị của em đều đã lập gia đình từ 15-17 tuổi.  Nhà của em ở cách xa trường mà em không đếm được bao nhiêu kilomet, em chỉ biết rằng nếu đi bộ theo đường mòn núi mất khoảng 3 giờ đồng hồ.

Khi tôi hỏi: “Sau này em có định lấy chồng sớm như các chị không?”  Em ngập ngừng, e thẹn nói: “Cái này em không biết được, tùy vào bố mẹ thôi à!”. Tôi tự hỏi, không biết ý của bố mẹ em sẽ thế nào, em vẫn tiếp tục học cho hết cái chữ hay lại theo chân các chị lấy chồng bỏ học?! Ở cái vùng “Sống trên đá, chết vùi trong đá” này, đời sống của người dân cơ cực quá, nhọc nhằn quá!
Đến đèo Mã Pì Lèng, tôi ấn tượng với  May. Năm nay em chỉ khoảng 8 – 9 tuổi, trên lưng em địu một em nhỏ trần truồng chỉ được quấn chiếc chăn mỏng phía sau. Khuôn mặt em sạm đen lại, đôi mắt nhìn không rời đoàn chúng tôi. Nghẹn ngào, bất ngờ khi em chỉ còn một cánh tay. Em thủ thỉ rằng một lần thái cỏ cho bò, em không may bị con dao thái cắt đứt tay. Tôi lặng đi… nhìn em.

Làm sao trẻ em vùng cao có thể chống chọi được cái rét này? ảnh 2

Em May không may mắn bị đứt một cánh tay khi thái cỏ cho bò. Mặc dù chưa đầy 10 tuổi nhưng em đã phải địu em, cắt cỏ...

Chia tay với May, tôi xuống sâu hơn đến nhà chị Xúa. Năm nay chị 30 tuổi, nhưng đã có 5 đứa con đang tuổi mầm non, tiểu học. Bước vào căn nhà của chị. À không, có lẽ không được gọi là nhà bởi trong nhà chị không có gì đáng giá cả…Thậm chí, căn nhà chỉ bằng tre đan buộc lại tạm bợ, toang hoang, không thể che gió vào mùa đông; nền nhà bằng đất nhấp nhô rồi đến chiếc giường xập xệ của cả gia đình…

Cả năm gia đình nhà chị chỉ ăn ngô, đậu tương thôi…Nhà chị trồng thu hoạch làm được chỉ đủ ăn 6 tháng, còn 6 tháng còn lại phải nhờ trợ cấp hộ nghèo của nhà nước. Trên bếp nhà chị đang bắc nồi Tẩu Chúa (theo chị thì món này được nấu gồm có: bột ngô, bột đậu tương nấu với rau cải, cho thêm dấm chua vào) và đây là món ăn chính của nhà chị. Tôi nếm ăn thử, cái vị nhàn nhạt khó nuốt,  khó lòng ăn được..

Tôi cũng lớn lên ở vùng cao, cũng không giàu có gì, thấy mình cũng nhiều cái thiếu .. nhưng không thể nào tưởng tượng nổi sao lại có món ăn này con người để sống và tồn tại ngày này qua ngày khác. Cũng chưa từng nghĩ bây giờ vẫn có gia đình đến hạt gạo cũng không có một bữa để ăn, sao họ còn khó khăn và thiếu thốn đến thế? Thật không kìm được nước mắt! Tôi thắc mắc ở đâu đó trên đất nước này, kể cả quê tôi nữa, vẫn còn có gia đình như chị Xúa nữa không?

Làm sao trẻ em vùng cao có thể chống chọi được cái rét này? ảnh 3

Căn nhà của chị Xúa chẳng được gọi là nhà bởi... với trời lạnh thế này thì trong nhà chẳng khác gì ngoài sân

Trên đường ngược trở về, nhiều xúc cảm đan trong tôi. Nhớ nhất là cảm giác nao lòng khi chứng kiến các em mặc chiếc áo phong phanh để đối chọi với trời giá rét…Trở về Hà Nội, tôi vẫn luôn hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều, nhiều hơn nữa những tấm lòng thắp thêm chút lửa để cuộc sống những em nhỏ vùng cao bớt đơn lạnh, khi một mùa đông mới lạnh giá lại đang về…

Ở Hà Giang bây giờ chỉ có 3 – 4 độ thôi. Cứ nghĩ đến hình ảnh các em học sinh phải vượt núi để đến trường trong điều kiện thời tiết này, lòng tôi thắt lại. Liệu các em có đủ ấm không? Những đôi tất, găng tay mà chúng tôi trao có khiến em bớt cóng hơn không? Các em có phải nghỉ học vì quá lạnh không?

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt

Kim Ngân (trích)