LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Trần Vũ đưa ra những lý do khiến học sinh không mặn mà với lễ tổng kết năm học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng năm ở trường phổ thông có hai lần tổ chức lễ, nếu học sinh tham dự không đầy đủ sẽ không có nhiều ý nghĩa. Đó là khai giảng năm học và lễ tổng kết năm học.
Ở lễ khai giảng năm học dù là trường chuyên hay không chuyên, trường công lập hay ngoài công lập, trường ở vùng khó khăn, vùng nông thôn, miền núi hay ở thành phố, thị xã thị trấn; tất cả học sinh đều tham dự đông đủ trong không khí vui tươi bước vào năm học mới, sau những ngày xa trường, xa thầy cô và bạn bè. Còn lễ tổng kết năm học thì sao?
Làm sao để lễ tổng kết năm học được vui trọn vẹn? Ảnh minh họa: http://tieuhocnghiatan.edu.vn |
Là một phụ huynh, nhiều năm được mời dự lễ tổng kết năm học ở các bậc học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và năm nay lần thứ hai được dự ở một trường Trung học phổ thông, tôi có thể thấy nội dung lễ tổng kết năm học ở các trường đều tương tự như nhau, đó là:
Báo cáo tổng kết năm học của hiệu trưởng; phát biểu của đại diện học sinh (trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông);
Phát biểu của lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền địa phương (nếu có), cuối cùng là phát thưởng cho học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện trong năm học;
Có trường đầu buổi lễ hoặc xen vào chương trình lễ các tiết mục văn nghệ của học sinh; vài năm trở lại đây ở trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thêm lễ trưởng thành cho học sinh cuối cấp.
Được nghe nhiều báo cáo tổng kết năm học của nhà trường ở các bậc học, nhưng có một nội dung rất quan trọng, mà ít hiệu trưởng nhà trường nêu lên;
Đó là đánh giá tóm tắt sự nỗ lực phấn đấu của học sinh trong học tập và rèn luyện, chỉ ra một số gương điển hình vượt khó vươn lên trong học tập, một số gương tu dưỡng và rèn luyện thành công sau khi phạm lỗi của học sinh;
Bởi đó là bài học kinh nghiệm cho các em dù còn tiếp tục học tại trường hay phải ra trường.
Nhiều hiệu trưởng thường chỉ nêu thành tích dạy và học của nhà trường qua tỉ lệ học sinh xếp loại học lực và hạnh kiểm, học sinh lên lớp thẳng, học sinh giỏi, học sinh đạt giải thưởng cấp tỉnh, thành… so với năm học trước; mà quên nhắc nhở các em trong những ngày nghỉ hè đề phòng tai nạn thương tích nhất là đuối nước, an toàn giao thông, về việc tự ôn tập các môn văn hoá ở nhà và tham gia các hoạt động hè ở địa phương…
Điều đáng nói ở đây, là có trường lễ tổng kết năm học dù được tổ chức long trọng, đại biểu tham dự đông đủ, phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cuối năm thì nhiều, có cả chương trình văn nghệ phong phú, nhưng đến dự lễ đa số là những học sinh được khen thưởng.
Ở nhiều trường có khoảng 10 - 15% học sinh không đến trường trong ngày tổng kết năm học, đây là những học sinh không được dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, là học sinh bị lưu ban, bị rèn luyện trong hè hoặc phải thi lại; là đối tượng mà nhà trường cần động viên, nhắc nhở trong lễ tổng kết nhưng lại vắng mặt.
Có khó khăn để ngăn chặn tình trạng học sinh không đến trường dự lễ tổng kết năm học hay không? Dù có trường răn đe bằng các hình thức kỷ luật như: hạ bậc hạnh kiểm cuối năm, hạ bậc thi đua lớp,..
Lý giải vấn đề này, nhiều giáo viên dẫn lý do: Trước lễ tổng kết năm học, giáo viên chủ nhiệm đã hoàn thành xong việc xếp loại 2 mặt giáo dục cho học sinh vì thế học sinh biết được: Kết quả xét dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, kết quả lên lớp thẳng, danh sách học sinh được khen thưởng, danh sách học sinh thi lại hoặc rèn luyện thêm trong hè; đồng thời các kết quả này được giáo viên chủ nhiệm công bố trong buổi tổng kết ở lớp và trong hội nghị cha mẹ học sinh cuối năm.
Tất nhiên kết quả đó đã được giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng phê duyệt, được ghi vào học bạ và sổ liên lạc điện tử.
Thế nên, dù nhà trường có đề ra nhiều biện pháp răn đe để xử lý, nhưng ít có tác dụng với học sinh; mặt khác sau khi kiểm tra học kỳ II, nhiều trường không còn điểm danh và không ít học sinh thuộc diện yếu, kém không còn tới trường; do vậy lễ tổng kết năm học ở nhiều trường phổ thông không được vui trọn vẹn.