“Cũng không biết tôi bị bệnh từ bao giờ, thấy bố mẹ kể lại là khi được sinh ra tôi rất bụ bẫm, to và phát triển bình thường, khi đến tầm 1 tuổi thì các bạn cùng lứa đều biết đi lại nhưng tôi thì không.
Cuộc sống của tôi cứ như lê lết trong nhà vậy cho đến năm 1985 khi gia đình cho tôi đến bệnh viện khám, bác sỹ kết luận tôi bị bệnh thoái hóa cơ và phải mổ 2 chân, sau đó về tôi cũng chống nạng tập tễnh đi lại được quanh nhà, nhưng 2 tay thì cứ duỗi ra không cầm nắm được gì.
Tôi cũng vào lớp 1 trường làng nhưng hoàn toàn nhờ vào bố cõng ngày 2 buổi vì không tự đi được, được cái tôi học cũng giỏi và theo được đến hết lớp 8 thì phải nghỉ học vì lúc này cơ thể tôi rất yếu, tay thì co quắp lại không viết được nữa”, anh Trường cho biết.
Anh Phùng Văn Trường và con trai Phùng Thiên Trường Quảng. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo làng Phùng Văn Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ: “ Cuộc sống cứ như vậy trôi đi trong vô vọng, đến đầu năm 2010 tôi có nói với bố làm cho gian nhà tạm ở ngoài đầu xóm để tôi ra đó bán hàng lặt vặt, một phần tự nuôi sống bản thân, phần có người qua lại cho đỡ buồn chứ cứ ở trong nhà cả ngày như vậy thì buồn lắm.
Khi có quầy hàng thì tinh thần tôi cũng khá hơn vì hàng ngày được tiếp xúc với mọi người đến mua đồng quà tấm bánh, cũng chính từ việc phải ghi chép lại các mặt hàng nên tôi đã cố gắng tập viết bằng miệng.
Thời gian đầu ngậm cái bút vào miệng để tập viết, cứ được vài chữ là tôi phải dừng lại nghỉ vì rất mỏi, mắt thì hoa lên vì phải nhìn sát vào trang giấy.
Lúc đầu tôi dùng cây bút chì rồi ngậm vào miệng, dùng răng cắn chặt bút và tập viết từng nét một, thậm chí chảy cả máu miệng vì phải cắn chặt bút.
Cô Lương Giang, họa sĩ tài ba luôn dành tình yêu thương cho trẻ tự kỷ |
Không nản chí, cứ như vậy tôi quyết tâm không bỏ cuộc và sau hơn 3 tháng tôi đã viết được. Quả thật, bây giờ nhìn những nét chữ bay bổng của Trường, không ai nghĩ những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng.
Cũng thời gian này tôi có đứa cháu học lớp 1 ngày nào cũng ra cửa hàng của tôi chơi, vì rảnh nên tôi dạy cháu tập đọc, làm những phép tính đơn giản và dạy cháu viết, dần dần cháu học cũng tiến bộ.
Hàng xóm sang chơi thấy vậy cũng đã mang con sang nhờ tôi kèm, đầu tiên một vài cháu, rồi dần dần mọi người biết tiếng nên đã mang các cháu đến nhờ tôi kèm học nhiều hơn. Tôi kèm các cháu học nhưng không nhận thù lao của ai cả.
Lớp của tôi cứ tăng dần lên đến hơn 20 cháu, lúc này tôi phải nhờ mọi người kê thêm bàn ghế thì mới đủ chỗ cho các cháu ngồi, cứ như vậy lớp của tôi duy trì cho đến tận ngày hôm nay.
Các cháu cứ rảnh lúc nào là lại đến học, có nhiều hôm các cháu đến từ 6h sáng và ở đến tôi muộn, vừa là lớp học nhưng cũng vừa là chỗ đề các cháu vui chơi.
Tôi dạy từng cháu, có cháu thì tập viết chữ, có cháu tôi kèm làm toán, tập đọc và thường là tôi kèm các cháu từ lớp 1 cho đến lớp 5.
Riêng môn toán thì tôi dạy các cháu với kiến thức tổng hợp, tôi quan niệm cấp 1 thì phải tính nhẩm tốt, phải thuộc các bảng cộng trừ nhân chia cơ bản thì mới học toán được.
Trong lớp của tôi cũng có nhiều cháu học rất kém, thậm chí có cháu lớp 5 rồi mà bảng nhân cũng không thuộc, và với những cháu như vậy tôi lại phải dạy lại từ đầu.
Tôi từ từ trang bị lại kiến thức cơ bản từ lớp 1 để các cháu có cái gốc của kiến thức, khi các cháu có được cái gốc tốt thì mới có thể tiếp thu những kiến thức cao hơn.
Cứ dần từng bước như vậy và qua một thời gian các cháu đều có tiến bộ, nhiều cháu đã làm được những phép tính cộng nhiều số hoặc những phép nhân chia nhiều số với nhau.
Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn Nhân Lý, rồi các thôn khác trong xã, người xã khác cũng mang con đến nhờ anh Trường dạy học”.
Suốt những năm đầu dạy học, thầy giáo làng Phùng Văn Trường không lấy một đồng tiền công.
Nhưng từ khi thầy trường có con nhỏ thì các phụ huynh học sinh đề nghị trả công cho thầy, lúc này anh Trường mới nhận và cũng tùy tâm, ai muốn trả thế nào cũng được.
Bà Viên, người thôn Nhân Lý có 2 cháu nội đang theo học ở nhà anh Trường, cho biêt: "Thầy Trường viết chữ đẹp lắm, tay chân lành lặn khối người mơ cũng chẳng viết được đẹp thế".
Bà Viên cũng cho biết thêm là hai đứa cháu nhà tôi nghịch lắm, nhưng từ ngày cho học ở lớp của thầy Trường, các cô giáo ở lớp khen tiến bộ hẳn.
Lớp học của thầy giáo Trường có lúc đông tới 30 học sinh. Ảnh: Tùng Dương. |
Thầy giáo Trường dừng miệng để viết chữ hàng ngày. Ảnh: Tùng Dương. |
Thư viện chào thế giới
“Thư viện này nó cũng như cái duyên của tôi với các cháu trong xã, năm 2014 thì chương trình điều ước thứ 7 họ có làm chương trình về tôi, sau đó họ hỏi tôi có nguyện vọng gì? Tôi nói là rất muốn có một tủ sách nhỏ để cho các cháu ở đây có chỗ chơi và học.
Sau đó thì thư viện nhỏ này của tôi ra đời với khá nhiều đầu sách về văn học, về khoa học…hàng ngày các cháu cứ đến đây học rồi sau đó đọc sách, có cháu thì mượn mang về nhà đọc rồi sau đó đem trả đổi lấy cuốn khác.
Cách đây khoảng 2 năm thì có một em ở làng này cũng rất quan tâm đến các cháu nhỏ, em đó có trao đổi với tôi là muốn làm một tủ sách lớn hơn để phục vụ được tốt hơn cho các cháu trong xã.
Em đó đứng ra vận động quyên góp và mang về rất nhiều sách để ở thư viện này, tôi thì quản lý và cho các cháu mượn cũng như bảo quản tốt số sách để không bị thất thoát.
Còn về giá để sách thì tôi được rất nhiều người ủng hộ, nhiều người ở xa biết tin cũng tìm đến đây, họ đo đạc rồi tự làm cho tôi.
Để có được như ngày hôm nay thì tôi rất biết ơn những tấm lòng đóng góp của mọi người gần xa đã dành cho tôi. Tôi cảm ơn mọi người nhiều lắm”, anh Trường xúc động nói.
Thư viện "Chào thế Giới" được thầy giáo Trưởng mở tại nhà với hàng nghìn đầu sách. Ảnh: Tùng Dương. |
Thầy giáo làng Phùng Văn Trường đã gần chục năm qua mở lớp học tình thương tại nhà ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương. |
Những nét chữ được thầy giáo Trường viết bằng miệng. Ảnh: Tùng Dương. |
Hạnh phúc đơn sơ
Cảm phục nghị lực của chàng trai Phùng Văn trường tật nguyền, vượt qua cả sự can ngăn của gia đình, chị Ngô Thị Hường - một cô gái trẻ cùng quê đã tìm đến và quyết định gắn bó với anh.
Chị Hương cho biết: “Dù biết làm vợ anh sẽ vất vả trăm bề, tôi vẫn không nuối tiếc về quyết định của mình. Khi quyết định kết hôn, hai vợ chồng anh Trường đều khó khăn, vất vả, thời gian chuẩn bị cho đám cưới chỉ vỏn vẹn có 6 ngày, vợ anh Trường cũng không được mặc một chiếc váy cô dâu như bao người khác.
Cả hai chỉ có được vài kiểu ảnh chụp chung, nhưng đám cưới đơn sơ ấy vẫn thấm đẫm tình yêu thương và kết quả của tình yêu ấy là bé trai Phùng Thiên Trường Quảng ra đời giúp gắn chặt hơn tình nghĩa vợ chồng của họ.
Theo anh Trường: "Là người tàn tật, nhưng còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống.
Dù ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng vẫn có các cháu đến với tôi hàng ngày, nghe tôi chỉ bảo về kiến thức, về những bài học trong cuộc sống, như vậy là cuộc sống đã thêm phần ý nghĩa đối với tôi".