Một số địa phương triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, đã có thông báo triển khai sổ điểm, học bạ điện tử.
Thông tin này được rất nhiều giáo viên hoan nghênh, xã hội vui mừng đón nhận, đúng là ngành giáo dục tiên phong trong áp dụng công nghệ.
Có người còn so sánh Việt Nam đã theo kịp các nước tiên tiến, học sinh chuyển trường không cần phải mang theo học bạ, chỉ cần đọc tên, đọc mã số là ok.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Trần Sơn / giaoduc.net.vn. |
Phen này, bệnh thành tích “chỉ có chết”, “bàn phím sa, gà chết”, vào điểm rồi hết sửa nhé; phen này điểm thật rồi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điện tử hóa giúp quản lý dễ hơn, công khai minh bạch trong nội bộ của đơn vị, ngành. Nhờ đó có thể giúp đẩy lùi tiêu cực như sửa chữa, làm đẹp sổ điểm.
Vậy năm học này, đã bỏ sổ điểm, học bạ giấy chưa?
Nói về căn cứ pháp luật, học bạ, sổ điểm điện tử chưa có căn cứ pháp lý nào công nhận.
Vì vậy, việc sử dụng số điểm, học bạ điện tử, chỉ là “phần mềm”, giúp nhà trường tính toán chính xác; vẫn phải in sổ điểm, học bạ, giấy trắng mực đen. Sổ điểm giấy, học bạ giấy, vẫn là căn cứ pháp lý.
Nói nôm na là … không có gì thay đổi!
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Bộ không có chủ trương bỏ sổ điểm giấy và học bạ giấy trong nhà trường. Việc số hóa sổ điểm, học bạ để sử dụng trong các tình huống giao dịch dịch vụ công trực tuyến.
Ngành giáo dục Hà Nội đã đẩy mạnh số hóa sổ điểm, học bạ nhưng mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ công tác tuyển sinh, tức là một dạng dịch vụ công trực tuyến”.
Bộ Giáo dục sẽ cắt giảm giấy tờ và thực hiện qua môi trường mạng điện tử |
Trước lo ngại không bảo mật được thông tin của học sinh khi số hóa sổ điểm, học bạ, ông Nguyễn Sơn Hải khẳng định:
“Khi triển khai chính phủ điện tử, nội dung này được đặc biệt quan tâm.
Toàn bộ thông tin liên quan đến giáo viên, học sinh được thu thập sẽ do Bộ quản lý, xử lý theo mục đích của ngành đúng với chức trách.
Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan liên quan như Ban Cơ yếu Chính phủ để có các giải pháp mã hóa dữ liệu, có cơ sở bảo mật.
Đồng thời, phối hợp với các đối tác an toàn thông tin lớn của Chính phủ như Viettel, Cục an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án bảo vệ dữ liệu”.
Số hóa giúp giáo viên quản lý, tính toán chính xác kết quả học tập. Ngoài ra hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch trao đổi thông tin qua mạng, thiết bị điện tử mà không cần sử dụng bản giấy với nhiều thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.
Để ứng dụng công nghệ số vào quản lý giáo dục, cần phải có luật, căn cứ pháp lý, nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, áp dụng một số phần mềm quản lý như hiện nay, cũng là bước tập dượt, làm quen cho giáo viên khi thực hiện quản lý bằng số hóa sau này.
Tài liệu tham khảo:
1. www.tienphong.vn/giao-duc/so-hoa-so-diem-hoc-ba-co-cham-dut-tinh-trang-lam-dep-ket-qua-1453559.tpo?fbclid=IwAR3hhYHF_FLdNEZpcNHBYywtcvROHVN6zuPl-c5PCAsvC6wqsxvYn1wu60c
2. www.giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-cua-giao-duc-ba-ria--vung-tau-nam-hoc-20192020-post201157.gd