Nếu chỉ toàn chuyện tiền bạc thì có cần đến Ban đại diện cha mẹ học sinh?

13/09/2019 06:58
Thảo Ly
(GDVN) - Kết thúc “chiến dịch” thu đầu năm đồng nghĩa với việc gần như kết thúc những hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong năm học ấy.

Nhắc đến Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường học, nhiều người lại nghĩ ngay đến chuyện thu chi hội phí trong trường vào đầu mỗi năm học.

Hoạt động nổi nhất của Ban đại diện cha mẹ học sinh là chuyện thu chi đầu năm (Ảnh minh họa: ndiep).
Hoạt động nổi nhất của Ban đại diện cha mẹ học sinh là chuyện thu chi đầu năm (Ảnh minh họa: ndiep).

Trong khi đó, nếu căn cứ vào những quy định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành về chức năng quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì vai trò của tổ chức hội này vô cùng quan trọng trong các hoạt động của nhà trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Tại Điều 6 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có những quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể:

1. Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

a) Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

Nếu chỉ toàn chuyện tiền bạc thì có cần đến Ban đại diện cha mẹ học sinh? ảnh 2
Ban đại diện cha mẹ học sinh có còn cần thiết hay không?

b)Phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh;

c) Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương;

d) Phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học;

đ) Hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

2. Quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:

a) Quyết định triệu tập các cuộc họp theo quy định tại Điều 9 của Điều lệ này (trừ cuộc họp đầu năm học cử Ban đại diện cha mẹ học sinh trường) sau khi đã thống nhất với Hiệu trưởng;

b) Căn cứ ý kiến của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để kiến nghị với Hiệu trưởng về những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh;

c) Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện theo quy định tại Điều 10 Điều lệ này.

Thế nhưng trong thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động thế nào?

Mặc dù Thông tư nêu rõ quyền và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh như thế, nhưng trong thực tế ở nhiều trường học hiện nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh gần như vắng bóng trong việc tham gia, phối hợp giáo dục, giúp đỡ hay bồi dưỡng, khuyến khích học sinh…như Thông tư quy định.

Nếu chỉ toàn chuyện tiền bạc thì có cần đến Ban đại diện cha mẹ học sinh? ảnh 3
Ban đại diện cha mẹ học sinh thành công cụ lạm thu, bỏ đi là hợp lý

Có chăng cũng chỉ thể hiện bằng những chữ ký trên các biên bản có sự tham gia của phụ huynh cho hợp lệ.

Ban đại diện cha mẹ học sinh để lại ấn tượng nhiều nhất chính là một số hoạt động liên quan trực tiếp đến việc thu, chi các khoản tiền đóng góp vào đầu năm học.

Như việc hội trưởng đứng trước cuộc họp cha mẹ học sinh toàn trường kể khó khăn, kể thiếu thốn của trường lớp để vận động phụ huynh đóng góp.

Từng thành viên trong Ban đại diện đi các lớp (trong cuộc họp phụ huynh đầu năm) để trực tiếp vận động phụ huynh chia sẻ những khó khăn với nhà trường bằng những khoản thu…

Kết thúc “chiến dịch” thu đầu năm đồng nghĩa với việc gần như kết thúc những hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong năm học ấy.

Và họ lại chính thức hoạt động trở lại vào đầu năm học mới sang năm với y chang mô típ cũ.

Điều đáng nói là, không ít Ban đại diện cha mẹ học sinh lại không đại diện cho quyền lợi của học sinh mà chính là “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng nhà trường.

Sự xuất hiện của Ban đại diện cha mẹ học sinh không nằm ngoài việc phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục và nâng cao chất lượng dạy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ huynh đang có con học trong ngôi trường đó.

Thế nhưng những hoạt động phối hợp giảng dạy và giáo dục đạo đức cho học sinh ít được đề cập, còn quyền lợi của phụ huynh cũng ít được bảo vệ.

Thế nên chuyện có cần Ban đại diện cha mẹ học sinh nữa hay không như nhiều người đề đạt cũng cần được xem lại.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx

Thảo Ly