LTS: Lạm thu tiền trường cùng sự tiếp tay của Hội trưởng Hội phụ huynh trong thời gian qua đã và đang bị mọi người lên án một cách sâu sắc.
Từ câu chuyện thực tế qua lời kể của anh L. L - một Trưởng hội phụ huynh, cô giáo Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn khác về hội trưởng hội phụ huynh cùng vai trò của họ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tôi đã từng làm hội phụ huynh suốt 15 năm liền, từ khi con đầu vào học mẫu giáo đến khi cháu học hết cấp 3.
Trong những năm tham gia công tác hội, tôi nhận thấy phần nhiều các hiệu trưởng thường mượn tay hội phụ huynh để huy động tiền đóng góp từ các phụ huynh.
Nói là tiền quỹ hội nhưng hiệu trưởng có toàn quyền quản lý và muốn chi tiêu thế nào tùy ý.
Cuối năm, một bảng thống kê dài dằng dặc các khoản chi được đưa ra và hội trưởng chỉ việc kí vào là hợp lệ.
Để có được sự phục tùng tuyệt đối như thế thì đương nhiên hiệu trưởng cũng đã biết “qua lại” với những hội trưởng này.
Hội phụ huynh học sinh đang bị chính các vị hiệu trưởng thao túng (Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam). |
Mánh khóe mà nhiều hiệu trưởng thường áp dụng nhất là chọn cho được vị hội trưởng phụ huynh hiền lành, dễ sai bảo, ngu ngơ và không biết gì về điều lệ hoạt động của hội phụ huynh càng tốt.
Bởi thế, việc hiệu trưởng thao túng hội phụ huynh mới dễ như trở bàn tay.
Tôi được đề cử vào Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng do hiệu trưởng nhà trường lúc đó chưa biết “tôi là ai”.
Năm đầu nhận nhiệm vụ, tôi được bầu làm hội phó nhưng vẫn chỉ là một người bù nhìn mà chẳng có tiếng nói gì.
Mọi khoản đóng góp, chi tiêu của trường trong quỹ hội phụ huynh đều do hội trưởng và hiệu trưởng bàn bạc thống nhất mức thu và mức chi.
Một điều làm tôi thắc mắc, năm nào cũng huy động phụ huynh đóng góp, tiền kết toán cuối năm luôn âm hoặc tồn không đáng kể nhưng cơ sở vật chất nhà trường lại không được sửa sang mặc dù đã sập xệ, xuống cấp.
Hội phụ huynh đừng để nhà trường gợi ý, sắp đặt |
Ví như trường không có hàng rào, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh không có nhưng bao năm vẫn thế. Nhận thấy có nhiều điều bất minh, khuất tất trong cách chi nên tôi cứ âm thầm theo dõi.
Sang năm học mới, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh nghỉ làm vì có con đã ra trường, tôi được thế vào làm trưởng ban.
Thế là, tôi đã vén được bức màn bí mật bấy lâu mình luôn thắc mắc. Phần lớn các khoản chi nhà trường dùng để tổ chức các hoạt động ngày 20/11 cho giáo viên.
Hay chi cho công tác dạy xóa mù trong khi chuyện này đã có ngân sách nhà nước cấp, và một số khoản chi không phục vụ gì cho việc dạy và học.
Cũng tưởng như vị hội trưởng cũ, cuối năm hiệu trưởng đưa ra một sớ bảo tôi kí vào. Lúc này, tôi đã chỉ ra những khoản chi sai mục đích và nhất định không chịu kí.
Chưa dừng lại đó, tôi làm đơn đề nghị thanh tra quỹ hội phụ huynh trong những năm qua.
Hiệu trưởng đã tìm đủ mọi cách thuyết phục, mua chuộc nhưng tôi quyết không bỏ qua. Thế rồi, ông cậy nhờ nhiều mối quan hệ khác tác động.
Tôi nghĩ cũng nên để cho họ “một con đường sống” nên đã rút đơn kiện. Nhưng kể từ năm ấy, nhà trường không còn chi tiêu vô tội vạ như trước.
Bằng số tiền phụ huynh đóng góp, tôi đã tổ chức xây tường rào, xây nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh.
Quan hệ giữa tôi với hiệu trưởng từ ngày đó trở thành “bằng mặt không bằng lòng”.
Lạm thu là do Hiệu trưởng, sao lại xóa bỏ Hội phụ huynh? |
Năm học ấy, tôi biết hiệu trưởng đi tác động nhiều người loại tôi khỏi ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng phụ huynh vẫn đồng lòng nhất trí giữ tôi lại.
Kể từ đó, nhà trường muốn phụ huynh ủng hộ tiền làm gì, hoặc chi những khoản nào, hiệu trưởng đều phải bàn bạc với hội phụ huynh để thống nhất ý kiến.
Những khoản tôi không đồng ý, nhất định không được triển khai. Cũng nhờ tôi là hội trưởng cương trực mà phụ huynh trường tôi những năm ấy đã không bị đóng góp nhiều khoản vô lý như một số nơi.
Số tiền phụ huynh đóng góp cũng được sử dụng một cách hợp lý, đúng mục đích.
Sau khi con ra trường, tôi cũng chẳng có lý do gì làm nữa. Ngày chia tay mọi người, cảm giác vui buồn xen kẽ.
Có người nói “từ nay sẽ chẳng còn ai đấu tranh cho quyền lợi của phụ huynh như anh nữa”. Tôi biết mọi người rất buồn nhưng cũng có người sẽ vui.
Từ kinh nghiệm làm hội phụ huynh 15 năm, tôi có thể khẳng định một điều nếu có được một người hội trưởng nhiệt tình, hiểu biết, dám đấu tranh vì lẽ phải thì chẳng bao giờ trường học ấy vướng vào hai chữ lạm thu.
Bởi thế, việc đề nghị xóa bỏ hội phụ huynh là một sai lầm lớn. Bởi, không có hội phụ huynh lấy ai bảo vệ quyền lợi cho toàn thể phụ huynh nhà trường?