Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Số phận người nông dân luôn là vấn đề thời sự (kỳ 4)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Tôi đứng về phe nước mắt" (kỳ 4)

05/03/2012 06:24
Ngọc Quang
(GDVN) - "Đã cùng xương thịt với dân, thế chẳng nhẽ có người dân đau khổ, thì mình đứng ngoài nhìn thôi à? Hay vỗ tay, ủng hộ những kẻ hại dân?".

Thủ tướng đã có kết luận về vụ việc cưỡng chế đất đai với Đoàn Văn Vươn tại Hải Phòng. Hàng loạt quan chức tại huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang đã bị đình chỉ công tác. Nhưng số phận của Đoàn Văn Vươn hay nói xa hơn là số phận của một người nông dân thì vẫn luôn là vấn đề thời sự, chưa bao giờ cũ cả. Bởi thế, Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã coi đó như một kết cục buồn. Rất buồn!

Đã nhiều tuần rồi, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ kết luận về vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng). Nhân dân khắp nơi vui mừng vì công lý đã và đang được thực thi. Hàng vạn bạn đọc của Báo Giáo dục Việt Nam chia sẻ, họ đã khóc khi đọc được những chia sẻ của ông – một nhà thơ, đã nói rất sâu sắc về đời sống của người nông dân từ xưa tới nay. Nhưng cũng có một số thì nói rằng “Nhà thơ thì biết gì mà nói”…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà thơ thì cũng là người bình thường, là một công dân chứ. Huống hồ, tôi còn là một ký giả, đã viết rất nhiều tác phẩm liên quan tới đời sống của người nông dân. Đây là một vụ việc gây bức xúc trong dư luận hàng tháng trời. Tôi nhìn thấy ở đó có số phận của bố mẹ mình, cô bác mình, của nhân dân mình. Đây đâu phải chỉ là chuyện riêng của gia đình ông Vươn, ông Quý. Thế nên, khi tôi lên tiếng, qua vụ việc này cũng là để bàn sâu thêm về vấn đề nông dân – nông thôn, đây là vấn đề rất lớn của đất nước, của thể chế, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có người lại tọc mạch rằng “Nhà thơ thì biết gì mà nói”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vụ Đoàn Văn Vươn nhìn dưới góc độ nào thì cũng là một kết cục buồn
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vụ Đoàn Văn Vươn nhìn dưới góc độ nào thì cũng là một kết cục buồn

Vâng! Tôi là Nhà thơ. Đúng vậy. Nhưng cũng là một công dân bình thường của đất nước này. Nhà thơ có phải ở trên mây đâu. Tôi tình nguyện đứng trong đội quân bảo vệ thể chế này. Tham gia đánh giặc bằng văn chương từ khi mới 8 tuổi, chớm đến thời trưởng thành thì khai tăng tuổi vào lính trực tiếp bảo vệ Tổ quốc.

Tôi là lính thuộc trung đoàn 2, là Trung đoàn luyện quân để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau này, tôi tham gia trong một chiến dịch làm nghĩa vụ Quốc tế, tiêu diệt bọn diệt chủng Pon Pốt, giải phóng Campuchia. Rồi ra đảo Trường Sa. Có nhiều kỷ niệm vui, buồn với những năm tháng vô cùng đáng nhớ ấy.

Tôi phải nói dài dòng thế, để “ai đó” biết rằng, lão Khoa không phải kẻ càn quấy, nói vung tí mẹt, “mất quan điểm chính trị”. Tôi là một trí thức, nhưng có nguồn gốc nông dân. Và nói như một nhà thơ: “Tôi đứng về phe nước mắt!”. Phe nông dân. Những người làm ra hạt gạo nuôi cả nước này, nhưng lại nghèo khổ nhất. Và nói như nhà thơ lớn Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu”.

Đã cùng xương thịt với dân, thế chẳng nhẽ có người dân đau khổ, thì mình đứng ngoài nhìn thôi à? Hay vỗ tay, ủng hộ những kẻ hại dân? Vui thì cùng vui, mà buồn cùng buồn với người dân chứ. Nhưng muốn nói được vấn đề ấy thì phải hiểu đời sống của người nông dân, hiểu các vấn đề nông thôn. Không hiểu thì nói thế nào được, chẳng lẽ nói bừa phứa sao. Không thể như vậy. Làm đẹp cho đời sống luôn là ước mơ giản dị của tôi. Những điều tôi đã chia sẻ về đời sống nông dân – nông thôn, trong đó có vụ Đoàn Văn Vươn, thậm chí nó còn cao hơn cả các trang thơ. Những trang thơ vẩn vơ mây gió thì để làm cái gì, nếu người dân đói khổ, hoặc là phải chịu đựng nỗi ấm ức nào đó. Nhà thơ thì phải gắn bó với đời sống chứ, và thơ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó là một phần của cuộc sống. Khi đã đi vào đời sống, nó không cũ đâu, dù ở thời nào thì cũng nhìn thấy một sự thật hiển hiện như vậy.

Tôi còn tham gia rất nhiều chương trình, các hội thảo, chuyên đề, nói về các vấn đề của nông dân. Nói rất thẳng thắn tới nhiều vấn đề gai góc của xã hội trên tất cả các phương tiện truyền thông, cũng chỉ mong cho đời sống của người nông dân khá lên. Lại có người hỏi, nếu tôi làm lãnh đạo thì sẽ xử lý thế nào với các vấn đề còn tồn tại trong đời sống của người nông dân? Ta chả nên bàn những chuyện ở trên mây. Tôi chỉ là người bình thường. Chỉ nói những gì mình ước ao. Nói thay cho tâm tư của nhiều  nông dân, mà vì lý do gì đó, họ chưa có điều kiện nói được. Mong bà con nông dân ngày càng bớt khổ, thế cũng là hạnh phúc rồi.

Đời sống của người nông dân luôn là vấn đề thời sự
Đời sống của người nông dân luôn là vấn đề thời sự

Tôi thấy là rất nhiều tác phẩm gắn với đời sống nông dân – nông thôn đều trở thành điểm nhấn trên văn đàn thi ca, có thể kể tới “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; “Chí phèo” hay “Lão hạc” của Nam Cao; “Người ngựa, ngựa người” hay “Nông dân và địa chủ” của Nguyễn Công Hoan; “Quan trạng” của Nguyễn Bính… rồi thì sau này là “Hạt gạo làng ta” của ông. Dường như cứ chạm đến nông dân – nông thôn là viết sẽ hay…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Những tác phẩm về nông dân – nông thôn trở thành kinh điển, bởi vì đó là vùng người viết thuộc. Rất thuộc. Như thuộc chuyện của chính mình. Người ta không thể viết về cái gì lạ hoắc mà lại hay được. Không thể sâu sắc được. Vì thế, trong văn học ta, những tác phẩm đặc sắc nhất vẫn cứ là những tác phẩm viết về nông dân mà thôi. Trước đây đã từng có một Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, rồi Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Khác Trường, Lê Lựu. Mới nhất là Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư. Và đặc biệt, vượt qua tất cả mọi thời đại là  Nam Cao. Ông thực sự là một thiên tài. Văn chương của ông chưa bao giờ cũ cả. Mặc dù truyện viết về những gì xưa cũ, nhưng số phận con người thì không bao giờ cũ.

Nguyễn Bính cũng thế, cũng rất đặc sắc với những bài thơ viết về nông thôn. Tác phẩm của ông cũng chạm tới số phận con người. Mà cái gì đụng đến số phận thì cũng đều rất hay và không bao giờ cũ. Xin đơn cử luôn một bài thơ mà anh đã nhắc tới, bài Quan Trạng. Bây giờ làm gì còn Quan trạng. Thời Nguyễn Bính cũng không có Quan trạng. Cuộc thi cuối cùng là ở thời Nguyễn. Khi ấy Nguyễn Bính còn chưa ra đời. Thế nhưng ông vẫn viết “Quan trạng đi bốn lọng vàng/ Cờ thêu tám chữ qua làng Trang Nghiêm/ Cả làng hớn hở ra xem”. Đấy! Một cái làng đầy tính khái niệm. Mấy câu thơ ấy rất xoàng. Thậm chí không phải thơ.

Thơ chỉ xuất hiện khi hé lộ nỗi niềm của một người con gái bất hạnh: “Chỉ duy có một cô em chạnh buồn/ Từ ngày cô chửa thành hôn/ Từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi/ Thế rồi vua mở khoa thi/ Thế rồi quan trạng vinh quy qua làng”.

Vậy đấy, Nguyễn Bính đã đẩy câu chuyện về thời xa lắc. Rồi qua đó, lại thấy một vấn đề không hề xa lắc: Số phận của một người con gái nông dân bị hắt hủi. Thuở Quan Trạng còn hàn vi, còn là anh khóa thì cô ấy nuôi anh ta ăn học. Rồi khi vinh quy thì cô ấy bị hắt hủi, đẩy ra ngoài rìa đường. Những số phận như thế luôn có tính thời sự. Chẳng bao giờ cũ cả.

Sau này, Nguyễn Khải viết về nông thôn. Lê Lựu cũng viết về nông thôn. Đều hay cả. Nhưng tác phẩm đặc sắc nhất, tính từ thời “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn đến nay vẫn là tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường. Đó là cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.

Bây giờ, đất nước đã yên hàn mà lại phải chứng kiến những vụ việc đau lòng như của Đoàn Văn Vươn thì thật là buồn. Buồn vì nhiều nhẽ, ông Vươn đúng chỗ nào, sai chỗ nào thì rút cục cũng là một cái kết buồn. Rồi chính quyền đúng phần nào, sai ra làm sao thì cũng đẩy tới một kết cục chẳng ai mong muốn. Rốt cuộc cũng đều bi thảm như nhau cả.

Có lẽ vậy, vì cái điều ông đề cập tới chính là kết cục cuối cùng của những người có trách nhiệm ở huyện Tiên Lãng và với bản thân ông Vươn. Nếu biết trước sẽ có ngày này, chắc họ sẽ tìm ra một phương án khác tốt hơn nhiều, chứ đẩy vấn đề đến mức này thì không chỉ còn là chuyện của riêng ông Vươn nữa rồi…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi tin rằng Đoàn Văn Vươn biết rõ mình sẽ phải gánh chịu hình phạt gì khi hành động như vậy. Và tôi cũng tin đó là việc cực chẳng đã, chứ chẳng ai dại gì lại đi làm cái việc ngu ngốc ấy. Có điều, bây giờ mọi việc phân xử phải căn cứ trên luật, chứ còn mọi ý kiến thì cũng chỉ là một góc nhìn mà thôi. Dù sao đi chăng nữa, đây cũng là một bài học đau xót cho nhiều người khác, cho nhiều địa phương khác. Và ở một góc độ nào đó, nó cũng phản ánh những vấn đề bất cập về quản lý đất đai ở nhiều địa phương còn chưa được giải quyết một cách tốt nhất. Vẫn còn quá nhiều bà con nông dân đi khiếu kiện, cá nhân có, tập thể có, rồi thì khiếu kiện vượt cấp rất nhiều. Hình ảnh đó cũng có thể gọi là một hình ảnh buồn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thông với những gì mà Đoàn Văn Vươn đã trải qua, nhưng ông cũng rất thẳng thắn khi phê phán cách hành xử tiêu cực là sử dụng vũ lực chống trả lực lượng chức năng. Ông nêu một dấu hỏi lớn về bài học cho nhiều người dân khác: Cuối cùng, Đoàn Văn Vươn cũng giữ lại được quyền sử dụng khu đầm ấy, nhưng mà để làm gì đây, khi phải đối mặt với án tù tội? Mời độc giả đón xem kỳ 5…

Ngọc Quang