Ngày 03/02/2020, nhiều quầy hàng tại chợ thuốc Hapulico (trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đồng loạt treo biển “Không bán khẩu trang, nước rửa tay, miễn hỏi”.
Trước đó, ngày 31/01/2020 giá bán khẩu trang đã được nhiều tiểu thương trên địa bàn thành phố nâng lên gấp nhiều lần.
Khẩu trang y tế loại 4 lớp, hộp 50 chiếc trước đây mỗi hộp có giá từ 35.000 - 50.000 đồng, tuy nhiên các cửa hàng đã nâng lên, có nơi đến 300.000 đồng.
Một số cửa hàng còn tự ý viết thêm ngoài hộp đựng khẩu trang dòng chữ: “Khẩu trang phòng dịch corona”, việc ghi thêm tác dụng của sản phẩm không đúng với tính năng, tác dụng do nhà sản xuất ghi theo giấy phép là trái pháp luật và cần bị xử lý nghiêm khắc.
Với cách ghi thêm dòng chữ lên bao bì để đánh lừa người tiêu dùng trong khi người dân cả nước lo lắng chống chọi dịch bệnh, gọi những kẻ làm ăn kiểu chụp giật này là gian thương có lẽ chưa lột tả hết được sự xấu xa, nhất là khi họ là những kẻ có bằng cấp.
Nói chúng là những kẻ “có bằng cấp” bởi muốn mở công ty hoặc cửa hàng bán thuốc y tế phải có bằng cấp chuyên môn ngành dược, những người “có bằng cấp” và “có học” sẽ không lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Theo thống kê, đến hết ngày 2/2, cơ quan chức năng đã xử lý 1.200 cửa hàng, cá nhân bán hàng có hành vi lợi dụng dịch bệnh do virus Corona gây ra để đầu cơ, trục lợi, gom hàng và đội giá khẩu trang y tế, “chặt chém” người mua. [1]
Vấn đề là những quầy hàng trưng thông báo “Không bán khẩu trang, nước rửa tay” vì lý do hết hàng, găm hàng hay phản ứng với quyết định xử phạt của cơ quan chức năng?
Virus corona đáng sợ, nhưng chưa đáng sợ bằng “ổ dịch” từ lòng người |
Thứ nhất, nếu tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội mà hết khẩu trang thì cần phải đặt câu hỏi với một số cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Sáu ngày trước, ngày 29/01/2020 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký Công văn số 79-CV/TW “về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCov) gây ra”.
Công văn yêu cầu “Xây dựng các phương án phòng, chống theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn… tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch”.
Khi đã có chỉ đạo từ Ban Bí thư “ưu tiên cao nhất phòng, chống dịch”, vậy nếu các cơ sở kinh doanh không còn khẩu trang, dung dịch sát khuẩn để bán thì ai/cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Thứ hai, vì sao ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (ngày 01/02/2020) thì một số quầy hàng dừng bán khẩu trang và nước rửa tay?
Hành động này không phù hợp với các quy định tại điểm đ, e trong Quyết định số 173/QĐ-TTg, theo đó các biện pháp phòng, chống dịch bao gồm:
đ) Vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
e) Các biện pháp bảo vệ cá nhân…
Nếu các cửa hàng vẫn còn hàng trong kho nhưng phản ứng với biện pháp xử lý mà không bán hàng thì xử lý thế nào?
Người Việt cả tin hay…? |
Một là đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra ngay các quầy hàng công bố không bán bán khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn, nếu trong kho có hàng mà không bán thì phải xem xét dưới góc độ hình sự bởi đây là hành động tiếp tay cho dịch bệnh lan tràn trái với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là căn cứ vào quy định tại điểm h trong Quyết định số 173/QĐ-TTg: “Huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch”, đề nghị cơ quan chức năng “trưng dụng” số hàng trong kho phục vụ hoạt động chống dịch.
Ba là cần xem xét ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh nCoV - với những cửa hàng và cá nhân đã bị xử phạt [1], cụ thể là rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng này ngay lập tức và nếu đủ cơ sở chứng minh họ làm trái quy định tại Quyết định 173/QĐ-TTg của Thủ tướng cần phải xem xét thêm các hình thức xử lý khác bên cạnh phạt hành chính.
Bốn là, để tránh oan sai cho các cơ sở bán hàng, cần kiểm tra hóa đơn xuất xưởng của các cơ sở sản xuất các mặt hàng bị tăng giá, nếu các cơ sở này lợi dụng dịch bệnh tăng giá ngay từ gốc thì phải xử lý trước khi xử lý cơ sở bán hàng.
Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu sản xuất ra các mặt hàng đó xem có vi phạm hay không.
Người Hà Nội từng được ca ngợi là có truyền thống thanh lịch với “Văn hóa Tràng An”, thật buồn là những tiểu thương này lại có cách phản ứng rất thiếu tình người, có người còn nặng lời là hành động vô đạo đức, coi thường tính mạng người khác.
Trong khi đó, có rất nhiều người, sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua khẩu trang phát miễn phí, rất đáng hoan nghênh.
Cũng cần phải thấy thêm rằng, nhà nước vì tính mạng người dân, chấp nhận thiệt hại kinh tế để chống dịch (hạn chế giao thương hàng hóa, du lịch; đình chỉ các chuyến bay,…) thì gian thương lại lợi dụng để trục lợi là không thể chấp nhận được.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là dịp để người dân Thủ đô, các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rút kinh nghiệm xử lý tình huống, không để tái diễn trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xu-ly-gan-1200-cua-hang-tang-gia-ban-khau-trang-1177919.html