Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên đang công tác tại huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk về việc hằng năm phải đóng 2 ngày lương để ủng hộ quỹ người nghèo.
Công văn của huyện quy định cán bộ công nhân viên đóng 2 ngày lương ủng hộ người nghèo (Ảnh CTV) |
Ngoài ra, cứ vào dịp Tết Nguyên đán huyện lại tiếp tục kêu gọi “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”.
Ủng hộ tự nguyện mà chưa kịp nộp đã có Công văn nhắc nhở của huyện (Ảnh CTV) |
Gọi là tự nguyện sao lại trừ bằng 2 ngày lương?
Tiền ủng hộ nói là tự nguyện nhưng lại quy bằng 2 ngày lương/giáo viên để trừ. Nói là tự nguyện nhưng ai muốn đóng ít hơn cũng không được hay đóng nhiều hơn cũng chẳng cho.
Kế toán nói rằng cứ theo Công văn quy định 2 ngày lương bao nhiêu tiền thì nộp bấy nhiêu cho khỏe. Người lương ít thì nộp ít, lương nhiều phải trừ nhiều.
Kiểu tự nguyện này thực chất là bắt buộc vì đơn vị trường học nào đóng chậm trễ hoặc không đóng lập tức có đơn thư nhắc nhở và danh sách đính kèm.
Bởi thế, dù giáo viên bức xúc, dù Ban giám hiệu nhà trường cũng không đồng tình nhưng việc thu tiền giáo viên vẫn cứ diễn ra.
Nhưng bức xúc, bất bình cũng chỉ dám nói với nhau bên lề cuộc họp. Chẳng ai dám lên tiếng công khai vì sợ “tai bay vạ gió”.
Buộc giáo viên ủng hộ tiền giúp dân xóa nghèo có phải cách làm hay? |
Có giáo viên cho biết, lương các thầy cô lâu năm còn đỡ, lương giáo viên mới ra trường, lương của một số nhân viên rất thấp nhưng vẫn phải trừ ủng hộ 2 ngày lương cho người nghèo thấy thật tội.
Có người cho biết: “Mình cũng nghèo có thua gì một số người nghèo đâu?
Sao không để tự nguyện mà ép buộc kiểu này thật không công bằng”.
Đại diện chính quyền huyện Ea Súp nói gì?
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với vị đại diện chính quyền huyện Ea Súp về việc bắt buộc trừ 2 ngày lương giáo viên để ủng hộ người nghèo của huyện.
Vị này cho biết: “Theo quyết định của huyện kêu gọi cán bộ công nhân viên trong toàn huyện ủng hộ 2 ngày lương thì cố gắng tham gia.
Huyện mình khó khăn, hộ nghèo nhiều anh em mình bớt chút ra ủng hộ giúp đỡ cho người nghèo”.
Khi chúng tôi hỏi: “Giáo viên nhiều người còn nghèo, sống bằng đồng lương trừ 2 ngày lương họ lấy gì để sống?”.
Vị cán bộ nói rằng: “Cán bộ công chức của huyện đều thế cả, không phải riêng giáo viên. Nếu ai khó khăn quá trình bày với nhà trường xin đóng ít lại”.
“Chắc chắn nhà trường sẽ không chịu vì huyện ấn định bằng công văn, còn nhắc nhở tên trường chưa đóng đủ thì sao trường nào dám không thu?”
Vị cán bộ lại lên tiếng động viên: “Giáo viên nên cố gắng, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Thôi cứ tự nguyện thôi”.
Chính quyền có quyền ra công văn yêu cầu đóng góp tự nguyện nhưng quy định trừ bằng ngày lương hay không?
|
Chuyện ra công văn yêu cầu đóng góp tự nguyện nhưng lại quy định bằng việc trừ tiền bằng ngày công lao động đang được khá nhiều địa phương áp dụng.
Chúng tôi nghĩ việc này là dùng quyền để “ép người quá đáng”.
Bởi, nếu gọi là tự nguyện thì chỉ ra lời kêu gọi ai muốn đóng góp bao nhiêu thì tùy, ai khó khăn không đóng đồng nào cũng được.
Nếu kinh tế gia đình tạm ổn, chúng tôi nghĩ các thầy cô giáo nào cũng muốn chung tay làm từ thiện để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình.
Họ có thể bỏ ra vài trăm, thậm chí có người bỏ ra vài triệu nhưng đó là sự tự nguyện thật sự thì lòng họ thấy vui.
Nhưng kiểu quy ra ngày lương để trừ thẳng như thế làm nhiều người bức xúc vì cảm giác bị ép buộc.
Chưa nói đến việc có không ít gia đình đang thật sự khó khăn, vẫn đang cần người khác giúp đỡ lại vẫn bị trừ lương thì thật bất nhẫn.
Giúp đỡ được người nghèo này một tí nhưng lại đẩy một số người khác gặp khó khăn cũng không phải là cách làm hay.
Chăm lo đời sống cho người nghèo không chỉ có mỗi cách trừ lương những người lao động khác. Việc tạo công ăn việc làm, cho họ cái cần câu cơm sẽ hiệu quả hơn nhiều việc chỉ biết mang gạo, tiền ra giúp đỡ.