Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của ngành giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu đánh giá toàn diện giáo dục nước ta trong năm qua và chỉ đạo phương hướng trong năm tới.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng đã chỉ ra được những điểm nhấn quan trọng của giáo dục đạt được.
Cụ thể, năm học qua có nhiều thách thức nhưng điều đáng mừng ngành giáo dục đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức nề nếp hơn, chất lượng hơn năm ngoái, tạo được niềm tin trong toàn xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ảnh: Xuân Phú / Báo Giáo dục và Thời đại. |
Theo Thủ tướng: “Chúng ta thấy được rằng lịch sử và kinh nghiệm cho thấy không có một kỳ tích kinh tế hay bước nhảy vọt nào trong xã hội diễn ra mà không gắn với những đột phá về giáo dục và đào tạo.
Muốn chuyển biến đất nước, phát triển ngành, địa phương một cách bền vững thì giáo dục và đào tạo phải đi trước – giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Cũng tại Hội nghị tổng kết, Thủ tướng đã điểm qua các điểm nhấn của ngành giáo dục trong năm qua, đó là thành công trong việc tạo ra hành lang pháp lý khá tốt, khá rõ ràng cho ngành giáo dục, đó là đã xây dựng được Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục sửa đổi;
Giáo dục nước ta đã phổ cập 5 tuổi đạt đến con số thế giới rất ngạc nhiên là 99,98% số trẻ em năm tuổi được đến trường;
Chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành giáo dục đều tăng, nước ta đứng thứ 2 Đông Nam Á về chỉ số phát triển bền vững.
Bộ Giáo dục chỉ ra tình trạng tinh giản biên chế cứng nhắc |
Trong đó 5 chỉ tiêu của ngành giáo dục đạt 91/100 điểm - đứng thứ 2 ASEAN.
“Một đất nước thu nhập trung bình như nước ta mà giáo dục đã phát triển được như vậy có thể nói đó là phát triển của chúng ta.
Nước ta có 2 trường đạt tốp 1000 thế giới và 7 trường đạt tốp châu Á” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm qua cả nước đã bổ sung trên 5 nghìn phòng học, 38 nghìn công trình nước sạch, 60 nghìn nhà vệ sinh được xây dựng, củng cố, trong đó có một số xã hội hóa;
Chất lượng giáo viên nhìn chung tốt lên, đặc biệt trong bối cảnh giảm biên chế toàn quốc nhưng đã bổ sung trên 23 nghìn giáo viên mầm non ở 19 tỉnh thành;
Ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới đó là một điểm nhấn năm nay. Nhưng quan trọng nhất đó là sự chuyển mình về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân về sự nghiệp giáo dục.