Sau một loạt bài báo phanh phui việc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An thu tiền trái phép của giáo viên và học sinh khối 9 đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban kiểm tra huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã về trường xác minh sự việc.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (ảnh CTV) |
Chiều 6/9/2019, Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng đoàn Ủy ban kiểm tra và ông Bùi Gia Lý thành viên đến gặp hội đồng giáo viên nhà trường để xác minh lần 2 việc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh.
Có mặt trong hội đồng sư phạm nhà trường hôm ấy còn có ông Lương Phó Hoài và ông Vi Văn Tiến đại diện phụ huynh 2 lớp 9.
Thanh tra hỏi hội đồng giáo viên: “Báo phản ánh 2 nội dung đó (thu tiền trực Tết, trực hè của giáo viên và thu tiền xét tốt nghiệp của học sinh khối 9) có đúng không?
Việc thu tiền có được thông qua cuộc họp và được giáo viên phụ huynh đồng ý không?”
Một số giáo viên cùng 2 phụ huynh đều trả lời việc báo chí phản ánh là đúng và việc thu tiền đã được thông qua và nhất trí trong hội đồng.
Tuy thế, Ủy ban kiểm tra huyện Kỳ Sơn vẫn kết luận, việc thu tiền trực Tết, trực hè của giáo viên và thu tiền xét tốt nghiệp của học sinh là sai quy định dù đã thông qua và được nhất trí vì theo quy định là không được thu.
|
Thế nhưng, đáng gây ngạc nhiên và bất bình cho tập thể giáo viên nhà trường lại là lời phát biểu của bà Pịt Thị Hà –Huyện ủy viên Phó Bí thư xã Na Loi huyện Kỳ Sơn.
Bà Hà nói: “Các đồng chí thấy đấy, ngoài... người ta tham ô những tiền tỷ, họ còn bảo vệ đảng viên, bảo vệ tổ chức.
Trong khi ở đây có mấy đồng lẻ mà các đồng chí làm này nọ, chọc sau lưng người ta”.
Chúng tôi có liên lạc với bà Hà hỏi vì sao trong cuộc họp hội đồng nhà trường, có mặt đoàn Thanh tra và đại diện phụ huynh, một người lãnh đạo thay mặt chính quyền địa phương lại có phát biểu nhằm chạy tội cho hiệu trưởng?
Bà Hà cho biết: “Mình nói thế vì nghe đài, xem báo chuyện tham ô ai cũng biết, đó chỉ là ví dụ không chỉ định ai đâu”.
Nói rồi bà Hà khẳng định: “Những vấn đề nội dung nhà trường từng làm đã đưa ra hội đồng nhà trường biểu quyết, thống nhất ở trong biên bản họp Chi bộ, họp hội đồng.
Thu tiền là có sự thống nhất của toàn bộ phụ huynh, người ta biểu quyết 100%, cũng có biên bản chứng nhận. Nếu tập thể không đồng ý thì một chắc thầy quyết định được?”
Khi nghe chúng tôi hỏi: “Tại sao tố cáo sai phạm mà lãnh đạo địa phương lại cho là chọc sau lưng?
|
Bà Hà cho biết thêm: “Trong nội bộ nhà trường có sự lục đục, một số đảng viên đang có uẩn khúc, không ưng không thích gì đấy…
Thấy thủ trưởng của mình làm sai phải chỉ ra ngay nhưng lại đưa thông tin cho báo chí”.
Và bà Hà khẳng định: “Vấn đề nội bộ phải bảo vệ nội bộ”.
Chúng tôi nói rằng: “Nhiều giáo viên thấy lãnh đạo làm sai nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập.
Họ đưa thông tin cho báo chí, và nhờ báo chí vào cuộc nên phụ huynh đã được trả lại tiền.
Và khá nhiều trường học nơi đây cũng vi phạm công tác thu như thế nhưng chưa bị vạch trần, chị có biết việc này không?
Bà Hà nói: “Nhiều trường khác thu sai em cũng biết. Sau khi trường này bị phát hiện, nhiều trường khác họ đã kịp thời khắc phục là trả lại số tiền thu sai”.
Chúng tôi nói, những thầy cô phanh phui sự việc lạm thu ra ánh sáng, họ đang vì con em của mình bao nhiêu năm đi học phải đóng tiền giá cao.
Lẽ ra, lãnh đạo xã phải cảm ơn họ chứ không phải đưa họ vào diện chọc sau lưng như thế”.
Nghe vậy, bà Hà ngừng giây lát và nói mình đang bận họp và cúp máy.