Sai phạm nghiêm trọng tại nhiều bệnh viện tuyến đầu của TP. HCM:

Phát hiện nhiều sai phạm và một vụ “lương khủng” ở bệnh viện Bình Dân

17/10/2013 08:12
Ngọc Luân
(GDVN) - Sở Y tế TP. HCM vừa chính thức công bố kết luận thanh tra tại nhiều bệnh viện lớn do TP quản lý. Có thể thấy, gần như, Đoàn thanh tra Sở Y tế TP. HCM “rờ” đến đâu là phát hiện sai phạm đến đó.

Tại phần lớn bệnh viện trong hệ thống y tế địa phương này đang tồn tại rất nhiều sai phạm nghiêm trọng, đội ngũ làm công tác lãnh đạo tại một số bệnh viện đang ra sức thao túng, câu kết nhóm lợi ích và giở đủ mọi chiêu trò nhằm lừa lọc tiền ngân sách cũng như “bóp cổ” bệnh nhân.

Bài 1: Bệnh viện Bình Dân – công tư “nhập nhằng”

Qua công tác thanh tra toàn diện tại Bệnh viện Bình Dân (từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2012), đoàn thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý và chi tiêu sử dụng ngân sách nhà nước như: Liên doanh liên kết không làm theo quy định của Bộ Y tế, một số cá nhân trục lợi từ liên doanh liên kết với phòng khám bên ngoài gây lãng phí, thất thu  cho ngân sách Nhà nước.

Đặt máy tư nhân – xài tiền nhà nước

Thanh tra Sở y tế đã phát hiện nhiều cá nhân trong Ban giám đốc bệnh viện này mặc tình thao túng lĩnh vực mà mình phụ trách, mỗi vị lãnh đạo là một “đầu mối” liên doanh liên kết với các đơn vị y tế tư nhân bên ngoài để đặt máy CT scanner, máy MSCT, máy tán sỏi, máy siêu âm màu tại bệnh viện... Mà tất cả đều có khuất tất, không minh bạch và có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.

Bệnh nhân nghèo phải gánh thêm chi phí "hoa hồng" cho các bác sĩ khi làm các xét nghiệm theo chỉ định.
Bệnh nhân nghèo phải gánh thêm chi phí "hoa hồng" cho các bác sĩ khi làm các xét nghiệm theo chỉ định.

Điều đáng nói, việc vận hành các máy móc này bằng điện, mặt bằng, nhân lực...  đều tận dụng của Nhà nước, nhưng lại ăn chia lại bỏ túi riêng phần lợi nhuận thu được. Cụ thể:

Dù chưa có chủ trương của Sở Y tế TP. HCM, từ năm 2008 đến thời điểm thanh tra, lãnh đạo bệnh viện đã tự ý liên kết với Phòng khám đa khoa Lạc Việt để đặt máy siêu âm, liên kết với Công ty TNHH Việt Nhật đặt máy CT-Scanner, liên kết đặt máy tán sỏi với Công ty Huynh Đệ Phương Đông…

Tất cả các hợp đồng liên kết này đều không có đề án, sai quy định của ngành khi liên doanh liên kết với doanh nghiệp, đồng thời trong hợp đồng không tính đến lợi thế thương mại của bệnh viện khi góp vốn liên kết...

Tất cả các hợp đồng đặt máy được bệnh viện tự quyết. Và, nực cười là sau khi đi vào hoạt động phía bệnh viện đã tình nguyện “chấp nhận”chịu lỗ để chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận thu được “nghiêng” hẳn về phía đối tác. Trong đó, với máy siêu âm (trắng đen và màu) khi chưa thu hồi vốn, đối tác hưởng 70% còn bệnh viện chỉ hưởng 40%, khi đã thu hồi vốn đối tác tiếp tục hưởng 60% bệnh viện hưởng 40%.

Tỷ lệ ăn chia của loại máy tán sỏi và hệ thống kỹ thuật số cho máy X-quang cũng tương tự. Chẳng hạn, việc liên doanh với Cty Việt Nhật, BV chỉ hưởng 20%, phía đối tác được hưởng tới 80%. Sau khi đối tác đã thu hồi vốn hai bên tiến hành thương thảo nhưng tỷ lệ ăn chia vẫn được giữ nguyên.

Ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc bệnh viện Bình Dân
Ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc bệnh viện Bình Dân

Theo Bác sĩ Bùi Minh Tạng – Chánh Thanh tra Sở Y tế, việc bệnh viện vẫn giữ nguyên tỉ lệ “ăn chia” như cũ khi đối tác đã thu hồi vốn là không hợp lý. Thực tế trên đã gây thiệt hại cho phía BV nhiều tỷ đồng.

Và do liên kết với tư nhân bên ngoài đặt máy, nên để nhanh chóng thu lợi, lãnh đạo bệnh viện Bình Dân đã có những tác động nhằm “khuyến khích” các các sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp, chiếu thật nhiều trên các thiết bị hợp tác đó.

Điều này được thể hiện rõ qua việc, bệnh viện đưa ra chủ trương: bác sĩ nào khi khám chỉ định chụp CT sẽ được hưởng 50.000 đồng/lần chụp. Và, hàng tháng bệnh viện đều lập danh sách chi tiền cho các bác sĩ có chỉ định chụp CT. Trong đó, có bác sĩ hưởng tiền chỉ định chụp CT mỗi tháng cả 1 triệu đồng.

Nhiều bác sĩ rất bức xúc trước cách làm này của lãnh đạo bệnh viện: “Đây là khoản tiền rất vô lý, các bác sĩ lãnh tiền một cách thụ động do Ban giám đốc đặt ra. Tại sao bệnh viện nhà nước mà bác sĩ cũng được hưởng “chiết khấu” khi ra chỉ định chụp chiếu cận lâm sàng?” – một bác sĩ nhiều năm công tác tại đây đặt vấn đề.

Hậu quả của chủ trương này đã ít nhiều dễ khiến các bác sĩ lạm dụng trong chỉ định chụp chiếu, làm tăng thêm chi phí cho người bệnh. Chủ trương này chắc chắn không nằm ngoài chủ ý Ban giám đốc muốn các bác sĩ chỉ định thật nhiều việc chụp chiếu để gia tăng công suất hoạt động của các máy móc liên kết với tư nhân bên ngoài đặt tại bệnh viện.

Theo một bác sĩ cho PV Báo Giáo Dục Việt Nam biết riêng, chỉ tính trong giờ hành chính, bình quân mỗi ngày có trên dưới 50 ca chụp MSCT và CT - scanner (mỗi ca như vậy có giá từ 1 - 1,4 triệu đồng/ tùy loại), gần 150 ca siêu âm màu (trong đó, siêu âm màu mạch máu có giá 150.000 đồng/ca, siêu âm màu thông thường có giá 80.000 đồng/ca), và khoảng hơn 30 ca tán sỏi (mỗi ca chi phí đến 2 triệu đồng).

Riêng chi tiết này đã cho thấy, món lợi béo bở từ “con gà - máy liên kết” đặt tại bệnh viện mang đến cho các cá nhân trong Ban giám đốc bệnh viện.

Một bác sĩ tại đây bức xúc: “Cả bệnh viện chúng tôi có ai  được biết gì về các máy móc trên đâu, Giám đốc bệnh viện hợp tác với ai, tỷ lệ ăn chia ra sao... chúng tôi chưa từng một lần được thông báo. Chỉ khi có thanh tra về thì chúng tôi mới biết được mà thôi

Chính vì không ai biết được các máy móc gọi là “xã hội hóa y tế” đó bệnh viện hợp tác với ai, nên đã có nhiều nghi vấn đặt ra như: có thể máy móc đó là của chính ông Giám đốc bệnh viện: Nguyễn Chí Hùng hoặc “công ty gia đình” của ông Hùng.  

Trục lợi từ câu kết “lợi ích nhóm”

Chưa dừng lại ở sai phạm trên, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM còn phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng khác tại bệnh viện này trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Trong đó, nhiều biểu hiện cho thấy, Ban giám đốc bệnh viện này đang cấu kết, chia rẽ nội bộ nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Ngoài chuyện “nhập nhằng” trong việc liên kết tư nhân dưới chiêu bài “xã hội hóa y tế”, thì việc Ban giám đốc bệnh viện này tổ chức mua sắm trang thiết bị cũng cho thấy nhiều vấn đề khuất tất, gây bất bình dư luận.

Cụ thể, bệnh viện chi nhiều tỷ đồng để mua hai dàn máy nội soi tiêu hóa Double balloon; 2 dàn máy nội soi niệu; máy chống nhiễm khuẩn… nhưng gần như những máy này không được sử dụng hiệu quả, hoặc phải để không trong một thời gian dài vì không đảm bảo chất lượng.

Trang thiết bị y tế nhiều tỷ đồng mua về để xó vì không dùng được
Trang thiết bị y tế nhiều tỷ đồng mua về để xó vì không dùng được

Một bác sĩ trong Khoa niệu phản ánh: “Điều đáng buồn là trong khi máy nội soi niệu cũ đang hoạt động bình thường, bệnh viện lại chi nhiều tiền để mua máy mới, nhưng chất lượng lại thua kém máy cũ?”

Biết nhiều bác sĩ trong Khoa Niệu không đồng ý sử dụng thiết bị “mới” này . Giám đốc Nguyễn Chí Hùng đã ra sức thuyết phục Khoa niệu dùng thử, nhưng cũng chỉ được chưa đến 1 tháng sau, các bác sĩ trong Khoa cũng đồng lòng kiến nghị trả lại cái máy mới này và sử dụng lại máy cũ.  

Thế là dàn máy mới phải xếp vào kho và “trùm mềm” để đó đến tận hôm nay. Một sự lãng phí tiền của nhân dân vô cùng nghiêm trọng.

Được biết, hai dàn máy nội soi niệu, bệnh viện cho mua vào năm 2011 có giá lên đến gần 3 tỷ đồng, bằng nguồn tiền từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Dự án kích cầu.

 “Việc lãnh đạo bệnh viện quyết tâm mua số máy móc hàng tỷ đồng này, nhưng hoạt động không hiệu quả, dễ khiến nhiều người cho rằng, việc mua sắm đó chỉ là nhằm hưởng “huê hồng” từ các công ty bán máy” - một bác sĩ Trưởng khoa nêu nghi vấn cùng chúng tôi.

Qua công tác thanh tra, Sở Y tế TP. HCM còn chỉ rõ: bệnh viện Bình Dân chưa thực hiện đầy đủ theo quy chế chuyên môn trong khám chữa bệnh như hội chẩn trước phẫu thuật, ghi chép thông tin y tế, ghi y lệnh điều trị hàng ngày, chưa xây dựng quy trình kỹ thuật trong thực hiện phẫu thuật cho người bệnh...

Đồng thời, Thanh tra cũng kết luận: trong công tác đấu thầu, cung ứng thuốc trong bệnh viện này cũng có nhiều sai phạm như: không có danh sách các nhà thầu nhận hồ sơ yêu cầu, các thành viên tham gia công tác đấu thầu chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu đầy đủ và không có tên trong quyết định thành lập tổ chuyên gia, tổ thẩm định… gây thất thoát gần 2 tỷ đồng chỉ trong vòng 4 năm.

Bên cạnh đó, Ban Giám đốc bệnh viện Bình Dân còn buông lỏng việc quản lý viên chức đi nước ngoài, trong đó hơn 70% viên chức của bệnh viện đi nước ngoài không có văn bản chấp thuận của Sở Y tế và UBND TP. HCM.

Mặt khác, Thanh tra Sở Y tế còn phát hiện sai phạm trong công tác tuyển dụng lao động và tổ chức của bệnh viện, thể hiện những nhóm lợi ích thao túng trong bệnh viện.

Đơn cử: bệnh viện chưa dân chủ trong thành lập khoa Nội tổng hợp, khi việc thành lập khoa này chỉ do Phòng kế hoạch tổng hợp tham mưu thực hiện, không có sự tham gia của Phòng tổ chức cán bộ.

Lại thêm một vụ “lương khủng”

Theo điều tra riêng của PV Báo Giáo Dục Việt Nam, về thu nhập của các cán bộ lãnh đạo tại bệnh viện Bình Dân những năm gần đây cho thấy: các vị này cũng có thu nhập rất “khủng” lên đến hàng tỷ đồng/ năm. Trong khi đó, thu nhập chính bình quân của nhân viên bệnh viện chỉ vào khoảng 60 triệu đồng/năm.

Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2011, trong “nhóm lợi ích” gồm 5 người lãnh đạo tại bệnh viện này (chỉ tính riêng các khoản hưởng thêm ngoài lương) đã hưởng gần 1,25 tỷ đồng. Trong đó, riêng Giám đốc Nguyễn Chí Hùng và Trưởng phòng tài chính Trần Thị Xuyến là hơn 600 triệu đồng.

Uy tín của đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sai phạm của các "lợi ích nhóm"
Uy tín của đội ngũ y - bác sĩ bệnh viện này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sai phạm của các "lợi ích nhóm"

Các khoản thu nhập “khủng” ngoài lương của “nhóm lợi ích” là hưởng từ chụp MSCT, CT - scanner, siêu âm, tán sỏi, nội soi, nhà thuốc, mổ dịch vụ... “Nhóm lợi ích” không làm (trên các kỹ thuật, dịch vụ đó) nhưng lại hưởng lợi rất nhiều từ các dịch vụ chụp chiếu bằng máy móc liên kết với tư nhân bên ngoài khiến đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện bất bình sâu sắc.

Ngoài ra, một số thành viên Ban giám đốc cũng được hưởng số tiền chênh lệch từ liên kết đặt máy này lên đến hàng tỷ đồng, như ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc bệnh viện được hơn 1,16 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Giám đốc được hưởng hơn 723 triệu đồng, bà Trần Thị Xuyến - Trưởng phòng Tài chính hưởng 531 triệu đồng…

Với những sai phạm trên, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã đề nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước số tiền hơn 3,38 tỷ đồng thất thoát. Trong đó, riêng ông Giám đốc Nguyễn Chí Hùng đã chi sai nguyên tắc, chênh lệch so với quy định số tiền hơn 1 tỷ đồng sau 4 năm làm công tác quản lý cao nhất ở đây.

Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu là ông Nguyễn Chí Hùng (đã nghĩ hưu) vì để xảy ra vụ việc tham nhũng như đã nêu trên...

Bệnh viện đa khoa Bình Dân tại số 371 Điện Biên Phủ - phường 4 - Quận 3 - TP. HCM, là một trong hai bệnh viện về ngoại khoa hàng đầu của TP. HCM hiện nay. Và, cái uy tín, danh dự  ấy đã được gây dựng bằng tâm sức của biết bao thế hệ y-bác sĩ nơi đây. Do đó, trước những những sai phạm vô cùng nghiêm trọng tồn tại trong thời gian dài như trên, chẳng những gây bất bình trong tập thể nhân viên bệnh viện mà còn đang dần đánh mất đi niềm tin vào y đức của nhân dân đối với bệnh viện.

Vì vậy, “cần phải sớm xử lý những sai phạm này và tái cơ cấu lại bệnh viện, đặc biệt là trong đội ngũ Ban giám đốc, để từ đó sớm ổn định công tác tổ chức… Được như vậy, tập thể bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện mới an lòng công tác và quan trọng là có thể tránh tái diễn tình cảnh câu kết nhóm lợi ích như trên.” – nhiều bác sĩ của bệnh viện này đã chia sẻ nguyện vọng với chúng tôi như thế.


Ngọc Luân