Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt hậu kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt đến công tác quản trị cơ sở giáo dục và văn hóa chất lượng của nhà trường.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Nga – Giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) điểm qua một số tác động chính sau kiểm định chất lượng giáo dục đến các cơ sở giáo dục được kiểm định chất lượng.
Theo bà Nga kiểm định chất lượng giáo dục đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các cơ sở giáo dục đại học.(Ảnh: Xuân Trung) |
Theo đó, bà Nga nêu, thứ nhất là công tác quản lý cơ sở giáo dục
Cụ thể, các cấp quản lý đã thực sự quan tâm đến tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trong công tác quản lý điều hành nhà trường;
Đã chủ động khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan (các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, giảng viên, sinh viên) vào công tác quản trị nhà trường, đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của trường, xây dựng các chương trình đào tạo;
Hệ thống hóa và chuẩn hóa các tài liệu lưu trữ liên quan (hệ thống minh chứng đầy đủ và tin cậy) đến công tác quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
Thứ hai là chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo.
Theo đó, để đạt yêu cầu về Chương trình đào tạo (Tiêu chuẩn 3) và các hoạt động liên quan, các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học đã được rà soát, điều chỉnh và đã mô tả rõ nét chuẩn đầu ra; xác định và mô tả rõ hơn về kết quả kỳ vọng đối với người tốt nghiệp.
Phải quy định năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện kiểm định giáo dục |
Nhà trường đã quan tâm đến tính thiết yếu của việc làm sao để giảng viên, cán bộ quản lý và người học hiểu đúng, nắm chắc những đòi hỏi của chương trình giáo dục đối với từng cá nhân: cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân theo mô tả công việc để góp phần xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giáo dục đạt chuẩn đầu ra;
Bước đầu đã tham khảo các chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trên thế giới;
Thứ ba, đối với cán bộ, giảng viên.
Sự thúc ép chung và nhu cầu hòa nhập: bản thân “vận động” để nâng cao trình độ tiếng Anh, trình độ chuyên môn và tiếp cận những phát triển mới nhất trong chuyên môn;
Đã lên tiếng đề nghị lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện, môi trường để “tiếp cận làm quen” và hòa nhập vào môi trường giáo dục quốc tế;
Chú trọng hơn đến “triết lý sư phạm” và những phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo;
Trình bày nguyện vọng được tham gia xây dựng các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn của cá nhân;
Thứ tư, đối với người học.
Bước đầu hiểu về kỳ vọng người học phải đạt được khi tốt nghiệp chương trình đào tạo họ đang theo học;
Bước đầu có nhận thức về sự thiết yếu để có thể hòa nhập và giao tiếp với các chuyên gia và tra cứu tham khảo các tài liệu chuyên ngành, bản thân người học phải tự học nhiều hơn và buộc phải đạt được trình độ tiếng Anh tối thiểu đủ để thực hiện những yêu cầu trên;
Được tiếp cận với các chuyên gia đánh giá ngoài và chia sẻ nguyện vọng, nhu cầu được đào tạo;
Thứ năm, đối với cơ sở giáo dục.
Được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam.
Được sự thừa nhận của các cơ sở giáo dục ở Việt Nam và công chúng ở Việt Nam (thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng) và về chất lượng Nhà trường đạt được;
Đúc kết thêm kinh nghiệm về đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.
"Như vậy chúng ta có thể khẳng định sau kiểm định chất lượng giáo dục hay nói cách khác, “hậu kiểm định chất lượng giáo dục” đã mang lại những thay đổi trong công tác quản trị nhà trường và đặc biệt là tạo dựng, phát triển văn hóa chất lượng trong cơ sở giáo dục bằng việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, nhân viên, người học;
Đồng thời đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nhà tuyển dụng và các cựu sinh viên để bước đầu hình thành được nếp văn hóa đóng góp ý kiến và chung sức xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục nơi đào tạo nguồn nhân lực cho chính các nhà tuyển dụng", bà Nga nhấn mạnh.