Cùng với quá trình đổi mới kinh tế của đất nước, trong khoảng 25 năm trở lại đây, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có 3 lần được quy hoạch chính thức và 1 lần điều chỉnh.
Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lần thứ nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1995 thực hiện theo nội dung Quyết định số 255/CT ngày 31/8/1991 và số 324/CT ngày 11/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đề án quy hoạch mạng lưới trường đại học và cao đẳng lần thứ 2, thứ 3 và lần điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 47/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001, số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 và số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013.
Theo thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Bá Cần - nguyên là Chuyên viên cao cấp Vụ Kế hoạch-Tài chính, Phó Cục trưởng, Cục Cơ sở Vật chất Thiết bị Trường học và Đồ chơi Trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Sau các lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, số các cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên gấp 2,3 lần, từ 52 cơ sở năm 1995 lên 236 cơ sở năm 2018.
Trong cùng thời kỳ, quy mô sinh viên đào tạo tăng khoảng 4,6 lần, từ 367.500 sinh viên lên 1.707.000 sinh viên.
Số lượng giảng viên tăng hơn 4,2 lần, từ 17.686 giảng viên lên 74.991 giảng viên. Số sinh viên/10 vạn dân tăng xấp xỉ 4 lần, từ 460 lên 1.803.
Số các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập tăng 2,8 lần, từ 23 cơ sở lên 65 cơ sở. Số lượng sinh viên ngoài công lập tăng khoảng 4,9 lần, từ 54.104 sinh viên lên 267.530 sinh viên. Tuyển sinh đầu vào tăng hơn 3,2 lần.
Đánh giá một cách tổng quát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trong gần 25 năm qua đã góp phần làm chuyển biến nền giáo dục đại học nước nhà, từ chủ yếu đào tạo số ít người (tinh hoa) sang đào tạo số đông người (đại chúng) đáp ứng yêu cầu đổi mới - chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng của nhà nước.
Mục tiêu, sứ mệnh, nhiệm vụ và chức năng nhà trường đại học không còn chỉ giới hạn trong phạm vi bảo tồn tri thức, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, mà ngày càng mở rộng nhiều hơn sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ.
Một số mặt tích cực của kinh tế thị trường như quan hệ cung-cầu; chi phí và hiệu quả bước đầu đã được nhận diện, nghiên cứu vận dụng vào quản trị hệ thống và quản lý nhà trường đại học….
Mặc dù vậy, khi xem xét trên tổng thể, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang còn tồn tại một số bất cập.
Đó là quy hoạch đã làm tăng nhanh số lượng cơ sở đào tạo và quy mô sinh viên nhập học, trong khi đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng, dẫn đến hiệu suất và hiệu năng của mạng lưới chưa cao.
Tình trạng kiến thức, kỹ năng và năng lực làm việc sau khi tốt nghiệp ra trường của một số đáng kể người học chưa bắt kịp với yêu cầu của thị trường lao động. Vẫn còn số lượng đáng kể cơ sở giáo dục đại học.
Quá nhiều cơ sở giáo dục đại học cùng đào tạo một hoặc một số ngành, chuyên ngành nên dẫn đến trùng lắp và lãng phí…
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và để khắc phục các rào cản hiện nay, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 cần thiết phải rà soát và có sự điều chỉnh.
Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Bá Cần cho rằng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 cần thiết phải đồng thời giải quyết cùng lúc 2 mục tiêu trọng yếu: một mặt, khắc phục bằng được những điểm yếu của mạng lưới hiện hữu; mặt khác, tạo ra các nhân tố tiền đề thiết yếu cho mạng lưới phát triển, đương đầu với toàn cầu hóa, quốc tế hóa, hoàn thành sứ mạng, nhiệm vụ mà nhà nước và xã hội kỳ vọng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Cần, khi quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2030 thì số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia và các trường đại học xuất sắc không nên vượt quá 25 và số ngành/lĩnh vực (khoa) trọng điểm không nên vượt quá 50. (Ảnh minh họa: VTV) |
Tiến sĩ Nguyễn Bá Cần đề xuất, kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sau gần 25 năm qua, kết hợp với xu thế dự báo chung ở trong nước và của thế giới những năm sắp tới, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 nên được định hướng như sau:
Một là, bảo tồn môi trường hàn lâm và phát huy truyền thống đào tạo tinh hoa, kết hợp với nghiên cứu khoa học đa ngành, chất lượng cao của 2 đại học quốc gia và một số ngành/lĩnh vực đào tạo được phân tầng định hướng nghiên cứu và xếp hạng ưu tiên trong 3 đại học vùng và các trường đại học liên ngành, liên lĩnh vực đã được quy hoạch của các giai đoạn trước.
Các đại học, ngành/lĩnh vực đào tạo định hướng nghiên cứu không tuyển sinh đào tạo đại trà, chỉ tập trung cho nhiệm vụ đào tạo ra các trí thức có óc sáng tạo và tinh thần phê phán.
Đảm bảo môi trường sư phạm trong khuôn viên của các đại học, ngành/lĩnh vực đào tạo định hướng nghiên cứu thuần nhất là thế giới học thuật và của tư duy độc lập. Mọi cá nhân, cả người dạy và người học, được tự do phát huy trí tuệ và hoạt động sáng tạo.
Hai là, cân nhắc thiết lập thêm một số đại học vùng kết hợp giữa định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp, giữa đào tạo tinh hoa và đào tạo đại trà (ưu tiên cho đào tạo đại trà), trên cơ sở tổ chức lại các trường đại học hiện hữu của các bộ, ngành và địa phương trong cùng vùng đặt trụ sở chính tại Sơn La (vùng Tây Bắc), Vinh-Nghệ An (vùng Bắc Trung Bộ),Nha Trang-Khánh Hòa (vùng Duyên hải Nam Trung Bộ), Buôn Ma Thuột-Đắk Lăk (vùng Tây Nguyên) và Cần Thơ (vùng Đồng bằng sông Cưủ Long).
Nguyên Vụ trưởng đại học chỉ ra cách hiểu đúng về phân tầng, xếp hạng |
Ba là, tập trung phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, các trường đại học xuất sắc và hệ thống ngành/lĩnh vực (khoa) trọng điểm. Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia và các trường đại học xuất sắc có thể là các đơn vị thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng hoặc trường đại học độc lập.
Ngành/lĩnh vực (khoa) trọng điểm có thể thuộc các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia và các trường đại học xuất sắc không nên vượt quá 25 và số ngành/lĩnh vực (khoa) trọng điểm không nên vượt quá 50.
Bốn là, xem xét tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo hướng sáp nhập trường cao đẳng sư phạm với các đại học vùng và cơ sở giáo dục đại học trọng điểm (đã có hoặc thành lập mới), hoặc với các trường đại học sư phạm trọng điểm, trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên dạy các môn đặc thù (nhạc, họa, thể dục-thể thao...) hiện hữu.
Năm là, tập trung củng cố hệ thống cơ sở giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp đào tạo đại trà, bao gồm cơ sở giáo dục đại học thuộc các bộ, ngành, địa phương quan lý và các cơ sở giáo dục đại học tư thục.
Chuyển một số cơ sở giáo dục đại học công lập sang tự chủ tài chính hoàn toàn và mở thêm một số cơ sở giáo dục đại học tư thục mới nếu thấy cần thiết.
Sáu là, nên sáp nhập các viện nghiên cứu vào các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, trọng điểm và xuất sắc.
Bảy là, điều chỉnh cơ cấu ngành/lĩnh vực đào tạo theo hướng: trong tổng quy mô sinh viên đào tạo, sinh viên khối ngành công nghiệp, giao thông và xây dựng điều chiếm khoảng 31%; khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn khoảng 14%; khối ngành sư phạm khoảng 10%; khối ngành kinh tế,quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng, luật và trợ giúp xã hội khoảng 31%; khối ngành nông-lâm-ngư khoảng 5%; khối ngành y-dược khoảng 6% và khối ngành nghệ thuật, thể dục-thể thao khoảng 4%.
Sắp diễn ra hội thảo khoa học sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo |
Tám là, thiết lập một dự án dành riêng xây dựng cơ sở hạ tầng với chất lượng ngang tầm quốc tế cho các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, trọng điểm và xuất sắc;
Đồng thời bảo đảm trang trải đủ chi phí đào tạo tinh hoa các sinh viên ưu tú; áp dụng chế độ đãi ngộ thích hợp đội ngũ giảng viên của các cơ sở này về mức sống, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nhận quyền tự do biểu đạt tư tưởng, tự do học thuật; bảo đảm điều kiện thuận để họ làm việc, sinh hoạt, di chuyển và trao cho họ sự chủ động trong việc tổ chức hoặc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và ngoài nước.
Chín là, phát triển đội ngũ giảng viên, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sinh viên bình quân/giảng viên < 17 (ở mức khoảng 16 sinh viên/1 giảng viên như bình quân các nước Trung Quốc, Nga và các nước OECD hiện nay).
Tiếp tục triển khai Chương trình đào tạo cán bô giảng dạy và nghiên cứu cho các cơ sở giáo dục đại học ở các nước tiên tiến để khoảng 75% đến 85% giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu có trình độ tiến sỹ, 10% đến 15% có hàm giáo sư và 25% đến 30% hàm phó giáo sư vào năm 2030.
Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sỹ, hàm giáo sư và phó giáo sư của các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp có thể đạt thấp hơn nhưng không thấp hơn lần lượt là 60%, 10% và 20%.
Mười là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu đại học tập trung đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng để di dời một số cơ sở giáo dục đại học không đạt các tiêu chí, tiêu chuần và định mức điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của nhà nước ra khỏi nội thành các thành phố lớn .
Mười một là, nâng cao tự chủ và trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học. Sửa đổi chính sách, cơ chế cung cấp, phân bổ và cấp phát nguồn lực trong lĩnh vực đại học theo nguyên tắc tất cả cảc cơ sở giáo dục đại học bình đẳng tiếp cận nguồn lực để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng. Vận dụng mềm dẻo và linh hoạt các công cụ kế hoạch hóa.
Đổi mới nội dung, tiêu chí thống kê và đẩy mạnh công tác dự báo nhằm tránh những “kế hoạch” dựa trên các số liệu phi thực tiễn và giúp đánh giá, kiểm soát được tín hiệu của thị trường lao động. Đổi mới nội dung và phương pháp kế toán để nâng cao trách nhiệm giải trình.