Kiểm định chất lượng giáo dục đại học còn nhiều bất cập

11/09/2019 09:26
Thùy Linh
(GDVN) - Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 123 cơ sở giáo dục đại học và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn.

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 255 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 222 cơ sở giáo dục đại học và 33 trường cao đẳng sư phạm); 133 cơ sở giáo dục đại học và 07 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở giáo dục đại học và 05 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Có 67 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước, trong đó có 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 123 cơ sở giáo dục đại học và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn. (Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, tính đến ngày 31/8/2019, cả nước có 123 cơ sở giáo dục đại học và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn. (Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội)

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín.

Tới nay đã có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA.

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Có 132 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận, trong đó có 95 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 20 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI);

06 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), 06 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP), 5 chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA)... 

Chúng tôi đã dự kiến cả thời gian, sự gian nan để đứng đầu thế giới

Một số trường đại học đã tham gia xếp hạng bởi tổ chức quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn làm cơ sở phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế .

Số lượng các trường có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng nhiều lên và thứ hạng cũng từng bước được cải thiện, tới nay có 03 trường có tên trong danh sách 1000 trường tốt nhất thế giới (02 Đại học quốc gia ở bảng QS, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở bảng ARWU).

Ngoài ra, 03 trường đại học đã được chứng nhận 3, 4 sao theo QS-Stars.

Tuy nhiên, từ kết quả kiểm định, có thể thấy, những bất ổn nội tại trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, cụ thể, có tới 50% các trường đại học được đánh giá chưa đạt 5 tiêu chí khá quan trọng đối với một cơ sở giáo dục đại học.

Đó là: Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá; Yêu cầu đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học, giảm tỷ lệ  trung bình sinh viên/giảng viên; Yêu cầu mức độ đáp ứng của thư viện, thư viện điện tử; Có đủ diện tích đất và diện tích mặt bằng tổng thể phục vụ cho hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Và Cục Quản lý chất lượng thừa nhận, cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như các chế tài về công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa cụ thể; một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục đại học…); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống phần mềm quản lý về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục chưa được thiết lập và vận hành.

Hoạt động đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đồng đều giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Đội ngũ đánh giá viên và kiểm định viên còn thiếu và chưa được sử dụng có hiệu quả; trong khi có một số người tham gia rất nhiều đoàn đánh giá thì nhiều người khác từ khi có thẻ kiểm định viên đến nay chưa từng được mời tham gia.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019, do đó, Cục quản lý chất lượng yêu cầu các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học.

Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm kiểm định đại học. Trong đó, có 3 trung tâm đặt tại 2 Đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Vinh và 1 trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Thùy Linh