Chân ướt chân ráo vào lớp 1, mỗi phụ huynh Trường tiểu học Đông Khê (xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã phải cắn răng chi một khoản mang tên tự nguyện 1 triệu đồng.
Ngoài khoản tiền trên, Trường tiểu học Đông Khê còn thu 200.000 đồng/học sinh làm thư viện và nhiều khoản tiền lạ khác đang trở thành gánh nặng đối với người dân xã mới thoát nghèo.
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh có con học lớp 2 Trường tiểu học Đông Khê khá rụt rè và lo ngại con bị trù dập nếu lên tiếng trước những khoản thu trái quy định của trường.
“Năm trước con tôi vào lớp 1 cũng bị kêu gọi đóng 1 triệu đồng tiền ủng hộ cơ sở vật chất. Năm nay cũng vậy, nhà trường tiếp tục thu bổ đầu cứ vào lớp 1 là 1 triệu đồng.
Lạm thu biến thể còn nhanh hơn vi rút do đâu? |
Con tôi năm nay lên lớp 2 được giảm tiền ủng hộ hơn một chút còn 600.000 đồng. Các khối 3, 4, 5, phụ huynh cũng phải ủng hộ theo mức giảm dần”, phụ huynh có con học lớp 2 bức xúc nói.
Phụ huynh này cũng chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh bức xúc, không đồng ý với những khoản tiền nhà trường đưa ra, nhưng không dám gặp ban giám hiệu để hỏi thu theo quy định nào.
Việc thu tiền ủng hộ của các khối nhiều như vậy, nhưng cũng không thấy trường công khai làm những gì, chi hết bao tiền năm học vừa qua. Công tác thu chi của trường khá mập mờ.
Năm nay nhà trường tiếp tục đưa ra những khoản thu như năm học trước. Nếu tôi và phụ huynh khác không lên tiếng sẽ không biết đến khi nào mới chấm dứt tình trạng thu tiền vô lý của phụ huynh vào đầu năm học”.
Đáng nói, những khoản thu thỏa thuận, tự nguyện trên hoàn toàn phụ huynh không được biết đóng góp nhằm mục đích gì, nhà trường áp đặt mức thu như vậy.
Phụ huynh Trường tiểu học Đông Khê cũng thông tin thêm, năm nay trường thu thêm khoản tiền làm thư viện 200.000 đồng/học sinh.
Một phụ huynh cho hay: “Trong buổi họp phụ huynh vào đầu tháng 10 vừa qua, giáo viên chủ nhiệm nói mỗi học sinh ủng hộ nhà trường 200.000 đồng. Phụ huynh cũng chỉ biết vậy và đóng tiền.
Mỗi lớp cô giáo chủ nhiệm có cách thông báo các khoản thu khác nhau, đa phần các cô đọc nhanh một lượt rồi tổng số tiền phải đóng góp. Có cô vì phụ huynh yêu cầu làm rõ mới ghi lên bảng.
Khi thu tiền, cô giáo có một cuốn sổ ghi chép các khoản thu. Phụ huynh nào có điều kiện đóng cả, còn không sẽ đóng làm một vài lần. Như nhà tôi, tôi mới đóng một phần”.
Khoản thu lớp 2 và lớp 4 Trường tiểu học Đông Khê có nhiều khoản thu như ủng hộ, tự nguyện nhưng thực chất nhà trường áp đặt. Ảnh: NVCC. |
Phụ huynh Trường tiểu học Đông Khê cũng gửi phóng viên chi tiết một số khoản thu nhà trường đưa ra năm học 2019-2020. Trong đó có một số khoản thu như tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền bảo vệ từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng.
“Các khoản thu như ủng hộ nhà trường 1 triệu đồng hay ủng hộ thư viện 200.000 đồng, phụ huynh gần như bị áp đặt. Tôi chưa bao giờ nghe thấy từ tự nguyện ở đây. Nhà trường thu theo kiểu bổ đầu học sinh.
Còn nhiều khoản tiền khác nhà trường thu trái với Thông tư 55 như tiền bảo vệ, tiền vệ sinh, tiền điện, tiền nước.
Nếu đóng tiền mà tốt hơn thì chúng tôi không tiếc, còn đóng tiền mà các con không được hưởng thì không chấp nhận được.
Như khoản tiền vệ sinh 70.000 đồng/năm nhà trường thu đều đặn, nhưng con tôi đi học không dám đi vệ sinh vì bẩn”, một phụ huynh lớp 2 nói.
Ngày 29/10, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Khê cho biết: “Trường thực hiện theo Thông tư 16 quy định về tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những khoản như tiền xã hội hóa, ủng hộ tự nguyện đối với học sinh mới vào trường lớp 1 khoản tiền 1 triệu đồng/học sinh; 650.000 đồng đối với lớp 2; 450.000 đồng lớp 4… tiền bảo vệ, tiền điện, tiền nước, thầy Nguyễn Văn Hiệu khẳng định nhà trường thu theo quy định.
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu không được ép buộc phụ huynh đóng tiền đầu năm học |
Khác với những gì lãnh đạo Trường tiểu học Đông Khê khẳng định, theo Điều 10 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ không được thu các khoản như Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Hơn nữa, theo Thông tư 16 quy định về tài trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ về nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.
Nội dung của Thông tư 16 nói rõ việc vận động và tiếp nhận tài trợ gồm: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;
Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.