Quà 20/11 là một bông hoa, chiếc cốc làm tôi xúc động

16/11/2017 06:42
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 20/11, bé Ụ mang tới một bông hoa, một chiếc cốc và nói rằng: "Em tặng thầy". Món quà nhỏ bé đó đã khiến tôi rất xúc động".

Gần 26 năm là bộ đội biên phòng, cũng ngần ấy năm, Trung tá Mai Văn Sơn - Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hải Vân, Đà Nẵng đi mở trên 100 lớp xóa mù chữ, tình nguyện đứng lớp, dạy kiến thức cho hàng nghìn người dân.

Có lẽ cũng vì thế mà người dân cũng xem chúng tôi như những người thân.

Hoạt động xóa mù chữ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác bảo vệ biên giới, khi người dân cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia”, Trung tá hồ hởi chia sẻ. 

Trải qua 26 mùa lễ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, món quà tri ân mà thầy Sơn nhận được đôi khi chỉ là những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn", mớ rau, nải chuối, nhưng ấm áp vô cùng.

Mọi năm, nhân ngày 20/11, thấy hoàn cảnh của học sinh khó khăn quá, chúng tôi vẫn đi vận động quyên góp gạo, vật chất để tặng gia đình phụ huynh, để học trò đỡ vất vả mưu sinh, có thời gian đến lớp.

Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là sự trưởng thành của học sinh” - thầy Sơn nói.

Thầy Sơn cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu được học sinh tặng quà 20/11. Khi đó, thầy dạy lớp học tình thương gần 10 năm. Học sinh đó tên là Ụ.

"Hôm ấy gần đến ngày 20/11, bé Ụ mang tới một bông hoa, một chiếc cốc và nói rằng: "Em tặng thầy". Món quà nhỏ bé đó đã khiến tôi rất xúc động", thầy Sơn chia sẻ.

Món quà tri ân ngày 20/11 của thầy giáo biên phòng - Trung tá Mai Văn Sơn là mớ rau, nải chuối (Ảnh: Thùy Linh)
Món quà tri ân ngày 20/11 của thầy giáo biên phòng - Trung tá Mai Văn Sơn là mớ rau, nải chuối (Ảnh: Thùy Linh)

Theo lời kể của Trung tá Mai Văn Sơn, tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng năm 1992, anh Sơn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) được phân công công tác về Đồn Biên phòng Non Nước, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng. 

Cũng từ đó cho đến khi chuyển công tác đến nhiều đơn vị khác như Đồn Biên phòng Phú Lộc, Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Đà Nẵng và hiện là Đồn Biên phòng Hải Vân, ở đâu anh cũng trăn trở với việc mang con chữ tới bà con vùng khó.

Được giao vận động quần chúng, tuyên truyền phát triển kinh tế, văn hóa xã hội địa bàn, khi về công tác tại Đồn Biên phòng Hải Vân, anh nhận thấy người dân nơi đây rất nghèo.

Quà 20/11 là một bông hoa, chiếc cốc làm tôi xúc động ảnh 2

Đại úy Biên phòng "nâng bước các em tới trường" ở vùng đồng bào Tây Nguyên

Họ chủ yếu theo nghề biển, số còn lại làm nông nghiệp. Không có nghề nghiệp ổn định, gia cảnh khó khăn lại đông con, hầu hết họ không có điều kiện để đến trường.

Từ đó, anh Sơn đề xuất với đơn vị và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp khảo sát, vận động mở những lớp xóa mù chữ, nâng cao dân trí.

Tuy nhiên công tác vận động người dân ra lớp khá khó khăn bởi ban đầu họ còn bỡ ngỡ. Hơn nữa, tay chân họ quen với công việc đồng áng hay đi biển nên khi cầm bút viết thì rất cứng.

Thậm chí, có người bảo rằng giờ đi học thì ai lo con cho, rồi họ thắc mắc học để làm gì vì rồi cũng chỉ đi biển hay cầm cuốc, cầm cày...

Bằng sự nhiệt tình cùng sự động viên thường xuyên, anh Sơn đã thuyết phục và có được niềm tin của người dân và hiện tại, Bộ đội Biên phòng Thành phố Đà Nẵng đang dạy 7 lớp với 85 học viên.

Trong đó, đồn biên phòng nơi anh Sơn công tác đảm nhận xóa mùa chữ cho 12 học viên có độ tuổi từ 36-45. Đặc biệt, trong số này có một học viên nhỏ tuổi vừa câm vừa điếc.

Nhân dịp được gặp Chủ tịch nước, Trung tá Mai Văn Sơn đã chia sẻ:

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 3 thế hệ mang quân hàm xanh, tôi luôn tin tưởng và vững bước trên con đường trở thành một người lính bảo vệ Tổ quốc.

Trong 26 năm công tác tại địa phương, tôi đã đảm nhiệm vai trò thầy giáo quân hàm xanh. Học viên của chúng tôi chủ yếu là bà con địa phương khó khăn, khát khao con chữ.

Để duy trì các lớp học và nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi đã cố gắng tích cực học tập để nâng cao kiến thức sư phạm.

Đồng thời, tôi cũng giúp nhân dân làm đồng áng trong những vụ thu hoạch bận rộn để bà con có thời gian đi học đầy đủ.

Ngoài việc tích cực đứng lớp, tôi đã vận động được 600 học sinh quay trở lại lớp học và vận động 200 em học sinh lần đầu tới lớp.

Hiện tại, Đồn biên phòng chúng tôi đang đỡ đầu cho 5 em học sinh, giúp các em có điều kiện tới trường”.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức bắt đầu từ năm 2015.

Năm 2015, chương trình tuyên dương 64 giáo viên “Cắm bản” tiêu biểu đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Năm 2016, chương trình tuyên dương 42 thầy, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.

Năm 2017, chương trình tuyên dương 60 cá nhân là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia hoặc đã từng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc hoặc có nhiều đóng góp trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước tới trường. 

Người nhiều tuổi nhất là Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, sinh năm 1964, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk;

Người trẻ tuổi nhất chiến sĩ Nguyễn Hoàng Tam, sinh năm 1994, chiến sĩ đồn Biên phòng Tuyên Bình, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An;

Người có thời gian tham gia dạy xóa mù chữ lâu năm nhất là Trung tá Mai Văn Sơn, Đồn Biên phòng Hải Vân thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng với thời gian dạy học là 25 năm 9 tháng.

Thùy Linh