Video: Phải xác định ai làm quy hoạch giáo dục thì chuẩn?
Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest, đã đến dự và chia sẻ quan điểm: “Tôi rất cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm này, đây cũng là vấn đề đang rất nóng.
Điều đầu tiên tôi nói về thực trạng. Thực trạng quy hoạch cũ của Hà Nội tôi thấy vừa lạc hậu, vừa không chuẩn. Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì những nhà làm quy hoạch này hoàn toàn là lý thuyết và thiếu thực tế, tầm nhìn hạn chế, nên khi áp dụng vào thực tế không phù hợp.
Bây giờ xã hội phát triển hiện đại mà vẫn quy định xây 3 tầng với trường tiểu học và 2 tầng với trường mầm non, như vậy làm sao có đủ diện tích đất ở những thành phố lớn để xây trường?
Tôi thấy quá khứ không thay đổi được thì ta phải tính đến giải pháp. Chúng tôi là những đại diện của hệ thống trường tư thục và cũng là từ điển sống trong việc xây dựng trường ở Hà Nội.
Tôi phải khẳng định hệ thống tư thục phổ thông hiện nay đóng góp rất lớn cho việc phát triển tri thức. Những gì học hỏi, cập nhật được thì chúng tôi đều đưa về trường và ứng dụng được ngay.
Thời đại 4.0 và thế giới thay đổi từng ngày, trong khi chúng ta mấy chục năm không thay đổi thì làm sao mà hội nhập, đổi mới được.
Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội thiếu 2 chữ công lập và hệ lụy không nhỏ |
Vấn đề thứ nhất: Trong quy hoạch phải đảm bảo có cả trường công và trường tư. Trường công là việc của nhà nước, là nghĩa vụ phải phổ cập giáo dục.
Nếu nhà nước không đủ ngân sách thì phải biết kết hợp và sẽ hoàn toàn làm được. Để phát triển nhanh, mạnh đi kịp với thế giới thì phải phát triển mạnh hệ thống trường tư.
Tôi rất cảm ơn chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước, rất phù hợp và đúng thời điểm. Tuy nhiên khi nhà nước ưu đãi nhưng các nhà đầu tư chưa kịp thực hiện là Nghị định 69 miễn thuế, nhưng lập tức đến tháng 8/2014 thì Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội lại ra ngay quy định 59.
Nghĩa là 4 quận nội thành nếu đầu tư giáo dục phải nộp 100% thuế sử dụng đất giống như các nhà kinh doanh. Còn đối với các quận huyện ngoại thành thì phải nộp 40% thuế sử dụng đất. Có nghĩa là vừa mới ưu đãi và các nhà đầu tư chưa kịp triển khai thì đã thay đổi, gây khó khăn rất nhiều.
Vấn đề thứ 2: Nói là ưu đãi cho hoạt động xã hội hóa, nhưng thật ra tất cả các nhà đầu tư thực sự như chúng tôi hiện nay đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc phát triển trường.
Tôi đề nghị giải pháp như sau: Việc đầu tiên là người làm quy hoạch, chúng ta phải xác định ai làm quy hoạch này thì chuẩn?
Sở Giáo dục và Đào tạo là số 1, kết hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc…kết hợp với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, mà thực ra Báo đang làm việc này hộ Sở đấy thôi.
Báo sẽ tuyên truyền, và sẽ có đại diện của trường công, trường tư và đó là những từ điển sống để góp ý, cùng đưa ra một hoạch định chuẩn.
Tất cả những gì đầu tư cho giáo dục thì nhà nước phải có lộ trình, phải tạo điều kiện đúng như tinh thần xã hội hóa đã nêu”.
Ngày 11/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp”. Dự buổi tọa đàm có các đại biểu: Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14. Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, và hiện là Thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Phó giáo sư Đặng Thị Thanh Huyền - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Bà Trần Kim Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Everest. |