Thầy cô cần nắm rõ các quy định này trước khi đăng ký học bồi dưỡng thăng hạng

19/06/2019 06:00
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định không bắt buộc tất cả các giáo viên phải tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, ai muốn thì học, không muốn thì thôi.

Mỗi năm khi bước vào dịp nghỉ hè thì chuyện bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên lại nóng hơn bao giờ hết. Địa phương nào cũng mở lớp, cũng chiêu sinh giáo viên đến học, điều mà giáo viên bàn tán nhiều nhất là học phí để học ở lớp học này.

Giáo viên tham gia lớp học này phải đóng học phí thường dao động ở mức 2-3 triệu đồng, có địa phương nhiều hơn thế nữa, đó là chưa kể tiền phải bỏ ra mua giáo trình để học.

Chính việc lập lờ giữa bắt buộc và không bắt buộc và cả tâm lý “học cho rồi” của giáo viên đã trở thành một món mồi ngon của nhiều trường đại học khi liên kết với ngành giáo dục địa phương để mở lớp đào tạo.

Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: easup.daklak.gov.vn
Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: easup.daklak.gov.vn

Một trong những điều kiện, tiêu thuẩn tham gia thi, xét thăng hạng giáo viên theo Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng. 

Những trường hợp miễn thi môn ngoại ngữ và tin học trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Giáo viên tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tổ chức thi thăng hạng, có tuổi đời từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ.

Giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc ở các trường phổ thông dân tộc nội trú/bán trú, có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền.

Đã học tập, nghiên cứu toàn thời gian ở nước ngoài và được cấp bằng đại học, bằng thạc sĩ hoặc bằng tiến sĩ của cơ sở đào tạo nước ngoài.

Có bằng tốt nghiệp đại học thứ hai là bằng ngoại ngữ thuộc một trong các ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc.

Có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam…

Miễn thi tin học đối với giáo viên dự thi đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành tin học hoặc công nghệ thông tin trở lên.

Vì sao giáo viên đổ xô đi học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp?

Thời gian qua đã có một số địa phương ra công văn bắt buộc giáo viên phải đi học, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm đã được sự đồng ý của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nên đã chiêu sinh và mở lớp để bồi dưỡng ngay tại trường hoặc mượn địa điểm tại các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề của huyện để mở lớp.

Những giáo viên đi học đều phải đóng một mức phí tương đối cao- đây là thực trạng của nhiều địa phương.

Song, có phải tất cả giáo viên phải học không và học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp rồi có được thăng hạng không là điều nhiều giáo viên chưa để ý hoặc chưa dám phản biện.

Thầy cô cần nắm rõ các quy định này trước khi đăng ký học bồi dưỡng thăng hạng ảnh 2Nỗi khổ của giáo viên khi bị ép học nâng ngạch

Thứ nhất: Bộ không bắt buộc tất cả các giáo viên phải tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, ai muốn thì học, không muốn thì thôi.

Các Thông tư cũng quy định việc cử giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế tại địa phương.

Chẳng hạn, tại điều 7, điều điều 8 Thông tư 20/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ:

Điều 7. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức

1. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp đối với viên chức quy định tại Thông tư liên tịch này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức và theo quy định.

2. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Điều 8. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non

Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên mầm non theo quy định tại Quyết định số 202/ TCCP-VP ngày 08/ 6/ 1994 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành giáo dục và đào tạo;

Quyết định số 71/2005/QĐ-BNV61/2005/ ngày 15/ 6/ 2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch của một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư liên tịch này.

Thứ hai: Muốn được thi, xét thăng hạng thì ngoài chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên cũng phải có thêm những chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định. Trong khi, đa phần giáo viên chưa có 2 chứng chỉ này thì học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp phỏng có ích gì?

Thứ ba: Các văn bản hướng dẫn hiện hành quy định các cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm thì mới thi, xét thăng hạng mà khi có “nhu cầu” thì còn lâu lắm.

Thứ tư: Cùng một chính sách hướng dẫn nhưng mỗi tỉnh, mỗi huyện có có kế hoạch khác nhau. Cùng một tỉnh cũng có huyện bắt buộc, huyện không bắt buộc. Vì thế, giáo viên cũng cần thiết tìm hiểu kỹ lưỡng.

Bởi nếu bắt buộc phải học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì tất cả giáo viên trong cả nước đã phải thực hiện. Nhưng ở đây chỉ là sự manh mún ở một số địa phương và sự kết hợp giữa các trường đại học, cao đẳng sư phạm liên kết mở lớp.

Thứ năm: Khi chuyển từ hạng thấp lên cao đều quy định số năm công tác, nhưng nhiều giáo viên vừa mới được tuyển dụng cũng đổ xô đi học.

Thứ sáu: Việc tổ chức thi và thăng hạng cho giáo viên hiện nay gần như rất hiếm được thực hiện ở các trường học mà chỉ mới dừng lại ở việc giáo viên đi học bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp…rồi thôi.

Chính vì vậy, khi quyết định đi học hoặc bị ép đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên phải đọc kỹ các văn bản hướng dẫn hiện hành cả đưa ra những quyết định của mình.

Nhiều giáo viên hàng ngày vẫn đọc báo nhưng các văn bản hướng dẫn có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên lại ít tiếp cận bởi nó khô khan, khó hiểu và thường mỗi văn bản lại được dẫn dắt, liên quan đến nhiều văn bản khác.

Vì vậy, khi có hướng dẫn của địa phương, của nhà trường thì cứ đăng ký học mà bản chất của mục đích học lại chưa tường tận. Vô tình vừa mất tiền, vừa mất thời gian, không đúng đối tượng mà lại thêm…cục tức vào thân.

Tài liệu tham khảo:

-Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT

-Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

-Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

-Thông tư liên tịch 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

-Thông tư liên tịch 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV

NGUYỄN NGUYÊN